Nhân lễ Kỷ niệm Minh Lý Đạo Khai, chư Thiên đồ được sự chấp thuận của Đức Bác Nhã Thiền Sư Nguyên Quân Bồ Tát minh giải Thập Mục Ngưu Đồ bằng văn vần với vé mở đầu như sau : Nền MINH LÝ TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO, BÌNH ĐẲNG Tâm, vạn giáo đồng nguyên. Thiên nhơn CỘNG TÁC Thánh truyền, Đại Đồng HÒA ÁI kết liên tu hành. Trước khi giải nghĩa ba cương lãnh đó, xin được định nghĩa chữ Tiêu ngữ. Chữ Tiêu cũng đọc là phiêu, có nghĩa là cây nêu (như nói mục tiêu hay mục phiêu). Chữ Ngữ nghĩa chánh là lời nói. Hai tiếng tiêu ngữ ráp lại có nghĩa là: Một câu hay nhiều chữ nêu ra cái mục đích chánh đáng, cái chí nguyện cao cả của một dòng dõi hay là một chi phái nào giúp cho mỗi người biết đại lược và chú ý đến cái mục đích của dòng hay là phái mình mà tuân hành, dẫu không trúng lắm, chớ không quá xa lẽ Đạo (bất trúng tác bất viễn).
Đẳng nghĩa là : thứ bậc, có cao có thấp như thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng. Hiệp hai chữ lại, bình đẳng có nghĩa là: đồng hàng, ngang bực cùng nhau, không phân cao thấp, hơn kém. Bình đẳng có nhiều nghĩa, hoặc thuộc về chính trị, hoặc thuộc về kinh tế, hoặc thuộc về xã hội. Bình Đẳng có nghĩa là ngang bằng với nhau, không phân cao thấp, sang hèn, v.v. . Đó là nói về lúc bình thường, vô sự. Nhưng đến lúc làm việc, lễ bái, nhóm họp phải giữ trật tự theo phận sự của mỗi người, tôn kỉnh bực Chức sắc cao cấp, lớn tuổi, thì mới tránh được các sự hổn độn, thất bại đáng tiếc. Bình đẳng của ba tôn giáo lớn ở phương đông là Thích, Đạo, Nho chủ về Tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: Hễ Tự Tâm có bình đẳng, thì sự sự vật vật mới bình đẳng. Thật vậy, nếu Tâm còn ưa ghét, thân sơ, không chừa các ác nghiệp như: sát, dâm, đạo, vọng, chưa dẹp cái tư tưởng ích kỷ hại nhơn, thì dẫu tán dương lý thuyết bình đẳng đến đâu, cũng chỉ là bình đẳng đầu môi, ở cửa miệng mà thôi. Vậy mới biết, duy có cái bình đẳng trong tâm mới là chơn bình đẳng của muôn vật. Cái chơn bình đẳng kia tức là cái nòng cốt, cái tánh bổn nhiên của muôn sự vật, chỉ vì chúng ta trong tâm còn chấp ngã, chấp pháp, nên không thấy được Thể Tánh Bình Đẳng ấy. Ngày nào, chúng ta bỏ chấp hai thứ đó, thì tự nhiên cái Tánh Bình Đẳng sẽ hiển hiện ra rõ ràng. Ai cũng đồng có Đạo, có Phật Tánh trong mình hay là Bổn Tánh Bình Đẳng, người nào cũng giống người nấy, vốn có một không hai. Cho nên cuốn Đạo Học Chỉ Nam Bửu Kinh viết: Trời Đất, người vật đồng có một nguyên lý như nhau. Trên đời, chỉ có một bổn thể ấy bình đẳng, hằng hữu mà thôi, ngoài ra là hiện tượng vạn vật, tất cả đều là sai biệt, biến dịch không ngừng. Kinh Phật gọi cái bản thể ấy là “bất biến nhi tùy duyên, tùy duyên nhi bất biến”. Nghĩa là: Cái bản thể chẳng dời đổi mà có duyên khởi thì phát hiện, tuy là phát hiện theo duyên khởi mà vẫn không dời đổi. Theo Nho giáo, thầy Châu tử cũng nói một câu đồng ý nghĩa đó: “Thánh nhơn chi tâm hồn nhiên nhứt lý, phiếm ứng nhi khúc đáng, dụng các bất đồng”. Nghĩa là: cái tâm của Thánh nhơn chỉ có một Lý Bình đẳng. Nếu đem nó ra mà dụng khắp các nơi, thì có công dụng khác nhau bất đồng. Khi người đạo sĩ đã tu chứng vào cảnh Niết bàn rồi, thì tâm linh đã thật hiện rồi, dứt hết mọi thành kiến, nên đâu cũng là Đạo Tràng, đâu cũng là cảnh Phật, là Vô trụ xứ, là Tự Tánh tinh. Đó là tới cảnh giới của Phật rồi, nhưng phải thối lại một bước, để làm phận sự Bồ Tát. Vì cớ đó mới có thuyết : Có vị Bồ tát giác hạnh viên mãn thành Phật, mà vẫn ở lại trần gian để độ chúng sanh (Tự giác, Giác tha), chớ chưa về Niết bàn. Trở về thì thấy người vẫn là người đó, cảnh vẫn là cảnh đó, chỉ khác là cái không còn phân biệt, chia rẽ, nên coi tất cả đều bình đẳng như nhau, tự nhiên mà hợp Đạo, tức là đặng cái “Bình thường tâm” của phái Thiền Tông, hay cũng gọi là “Bình đẳng tâm” vậy Trở về nhập cuộc là trở về với thế tục, dưới lớp áo nầy, người đạo sĩ trộn lẫn vào cát bụi của tình đời. Đạo sĩ không khoát vẻ Phật hay vẻ Bồ Tát, mà chỉ là một người thường, rất thường, một người chỉ có khác với người thường chăng là vì vô tâm vô sự, người vô tích sự, một “vô vị chơn nhơn”, vào rừng không khua lá, vào nước không quậy sóng. Trở về với thế tục là trở về với cái tâm bình thường. Thiền dạy : “Bình thường tâm thị đạo”. Lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình, lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của mình, chứng được đạo lý ấy thì làm gì cũng hợp Đạo. (Ý nghĩa họa đồ số 10 trong Thập Mục Ngưu Đồ). Nói về Bình Đẳng trong Minh Lý Đạo, Đức Trần Đoàn Lão Tổ giáng đàn truyền đạt lời dạy của Đức Thái Thượng Đạo Tổ (TN 20-8-1928): “Đạo Tổ dạy ta đặt các chức trong Đạo đều phải lấy theo bình đẳng mà đặt. Chức sắc Minh Lý Đạo có 8 bực, và mỗi chức sắc có chỉ rõ đại lược công phu nhứt định. Tên mỗi bực có 3 chữ, chỉ khác nhau có 1 chữ đầu như Hướng tịnh sư, Chí tịnh sư, Tâm tịnh sư , Thanh tịnh sư, Khiết tịnh sư… mà thôi. 2. CỘNG TÁC Cộng nghĩa là: hiệp hai thành phần khác nhau, hoặc nhiều thành phần để ráp thành một cái kết quả tổng quát lớn hơn cũng gọi là hiệp tác. Tác là tác vi, hành động. Cộng tác có nghĩa là: nhiều người chung sức, có mạnh có yếu, tiếp tay với nhau mà làm nên một việc nặng nề. Hoặc mỗi người đều có một khả năng đặc biệt, ráp lại các khả năng đó, để làm một việc mang lại hiệu quả lớn hơn. Tỉ như xây cất một cái nhà, cai trị một nước, sáng lập một mối đạo. - Đây nói cộng tác, là cộng tác bằng cách nào ? - Như cất một cái nhà, phải có đủ thợ hồ, thợ mộc, thợ đúc béton, v.v. . . ai ai cũng đều rõ biết. Một cái ví dụ về cộng tác trong âm nhạc: “Tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng thanh trong, tiếng đục vẫn điệu hòa vào nhau dưới tay điều khiển tế vi của nhạc trưởng. Nhạc âm không chống chỏi nhau, mà trái lại nương tựa nhau, trông nhờ nâng đở nhau, khiến cho tâm hồn con người vẫn quyến luyến nhau không rời được”. Cộng là chung tâm hiệp sức, tác là tác vi hành động. Phàm ở trong một đám đông, một tập thể nào, mà ai cũng tưởng nghĩ đến quyền lợi tối cao, sự hữu ích chung mà làm việc, tức là cộng tác vậy. Cho nên bình đẳng có giá trị là nhờ biết cộng tác. Có bình đẳng mới đặng tự do. Mà tự do chẳng phải muốn làm chi thì làm, hại ai trối kệ, miễn mình có lợi thì thôi. Trái lại, ta chỉ có quyền làm việc lợi ích chung, tức là làm theo nghĩa cộng tác nói đây. Nếu vô cớ ta làm việc có tổn hại người ta, tức là phạm đến sự tự do của kẻ khác, thì ta đã làm mất nghĩa chữ bình đẳng rồi. Về mặt Đạo, Cộng Tác nghĩa là: Có việc lợi ích cho đạo, cho đời, thì người môn sanh phải chung lưng đâu cật, hiệp tác chặt chẻ, mới mong tạo được hạnh phúc chung và làm tròn phận sự của Phật Tiên giao phó. Vì lẽ đó, các tôn giáo đều khuyên chúng sanh, làm lành, làm phải, giúp đở lẫn nhau. Tiếc thay! Vì chúng sanh chưa hiểu triệt để lý thuyết bình đẳng, nên không sao tránh khỏi sự hiểu lầm lạc, rồi bị vật dục lôi cuốn, đến nỗi phải thù hiềm, chém giết lẫn nhau. - Tại sao ? - Vì luật hiện hành chỉ là một luật của người thế gian hội nhau lấy phàm tâm mà đặt ra, không thiên bên tả thì cũng ngã về bên hữu, phần nhiều còn thiếu sót. Rồi người đứng ra thi hành, về mặt cá nhơn, lại có ý thiên vị, riêng rẽ, thì làm sao mà tránh khỏi lỗi lầm trong sự phán xét, xử đoán. Họ chỉ tìm hiểu về công dụng, mà ít để ý về bổn thể. Có để ý về bổn thể, như cây nêu dẫn đường, thì mới có thể nhứt luật thi hành, chỉ khác nhau là tùy theo trường hợp hữu ý, vô ý, nặng nhẹ . . . mà thôi. - Mà bổn thể là gì ? - Là Đạo, là Lương-tri, Lương năng, là Thiên chơn, Phật tánh, tức là Bản nguyên sơ thỉ, nghĩa là: nguồn cội của Trời Đất Người (Tam Tài). Sách Đạo Học Chỉ Nam Bửu Kinh viết: “Muốn tìm biết cái Đạo, thì phải nhờ ở học. Học là noi theo, là bắt chước lấy. Có noi theo đó, bắt chước lấy đó, thì mới đồng nhứt với Đạo được.” Cho nên sách Trung-dung viết: “Suất tánh chi vị Đạo”, nghĩa là noi theo bản tánh mới gọi là Đạo. Nhưng học có nhiều cách học, chẳng phải học theo lối thường bằng lý trí mà hiểu biết được Đạo, vì Lý trí chỉ dùng giác quan mà hiểu hiện tượng bên ngoài, không thể đi sâu hơn nữa. Phải học bằng Tâm linh, bằng Thần, học cho tinh nghĩa nhập thần, mới là thông suốt đến bổn thể. Xưa có câu: “Nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhứt bổn”, nghĩa là: Nhứt bổn là cái Đạo nói trước kia rải rác khắp nơi, bây giờ là thời kỳ phải trở về với Đạo là Nhứt bổn. Nếu không hiệp tác thì làm sao qui nhứt mà trở về với Đạo được. Không về với Đạo, thì phải chịu luân hồi sanh tử, không biết ngày giờ nào đặng giải thoát các sự đau khổ ở Trần gian. Thế thì cộng tác nói đây có một mục đích tối thiêng liêng cùng tu giải thoát. Người trong đạo nên nhớ luôn luôn hai chữ: “Cộng tác”, thì chúng ta mới đạt mục đích. Không nên bất cứ một lý do nào, mà sanh lòng nghịch lẫn nhau, chia rẽ nhau, vì đó là tự mình giam hảm trong cửa luân hồi sanh tử. Lại chúng ta cộng tác vì một mục đích cao cả, chơn chánh, ích lợi chung cho mọi người, cho tất cả nhơn quần xã hội. Tỉ như giúp đở nhau trong cơn tai biến, hoạn nạn khổ đau, hay là dìu dắt nhau để học hỏi mở trí, để tiến bước trên con đường lành, theo lẽ chánh Đạo, chớ không phải vì quyền lợi cá nhơn, cầu sự giàu sang riêng cho mình. Nếu ai muốn tìm quyền lợi cá nhơn, cầu sự giàu sang riêng cho mình, thì nên biết trước đây không phải là chỗ cầu như thế, thì sau nầy mới khỏi phải thất vọng. 3. HÒA ÁI Hòa Ái có nghĩa như thê nào ? a. Trước hết xin giải nghĩa chữ Hòa. Hòa nghĩa là: thuận thảo với nhau, vui hiệp cùng nhau. Trái với chữ Hòa là có lòng chia rẽ, chống báng công kích lẫn nhau. Vậy hiệp mà muốn hòa cũng có điều kiện, cũng có mức trung, nên cũng phải có phương pháp, chớ không phải nói hiệp suông mà hòa được. Vertical Divider
|
Trên đời, người người đều có tánh tình khác nhau. Mỗi làng, mỗi xứ, mỗi nước tùy theo phong thổ, tùy theo địa thế, tùy theo chế độ nước nhà cho đến sự ăn mặc, nhà ở, bởi khí huyết, tình thức, mỗi người đều không ai giống ai. Nay muốn hòa, thì chẳng phải một bên mà hòa được. Phải đồng lòng với nhau, hy sinh tiểu tiết, giữ vững đại tiết, nghĩa là chọn một mục đích chung mà phụng thờ. Sách Luận Ngữ nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhơn đồng nhi bất hòa”. Nghĩa là: người quân tử hòa thuận với mọi người, mà không đồng một chí hướng theo họ; còn kẻ tiểu nhơn đồng với nhau về chí hướng, mà ít hòa thuận cùng nhau. Đây là có ý nói: người quân tử, mặc dầu không đồng chí hướng với kẻ khác, nhưng vẫn giữ tình hòa thuận, không lộ vẻ bất bình hay là công kích nhau thậm tệ, như ta thường thấy trong xã hội đời nay. Còn kẻ tiểu nhơn tuy đồng chí hướng như nhau, nhưng chí hướng này chắc là không có gì cao thượng, nếu chẳng phải vì danh cũng là vì lợi, cho nên thường có chỗ rầy rà hay tranh giành về vị trí cao thấp, ít nhiều. Đủ thấy hai hạng người khác nhau khó mà hòa. Còn cùng chung một hạng với nhau, mà người người đều bỏ nhân nghĩa, đồng chủ về danh lợi, thì cũng không thể nào hòa cho được. Sách Trung Dung viết: Mầng, giận, buồn, vui chưa phát hiện thì gọi là Trung (Trung là cái tánh chưa bị ô nhiễm, chưa có ngả ngủ theo một bên nào). Khi nó phát hiện rồi mà đặng nhầm lẽ thì gọi là Hòa (hòa là cái tình trung chánh, chẳng có gì trái tính đối với mọi người). Trung là gốc lớn cũa thiên hạ, Hòa là con đường đi chung cho tất cả thiên hạ. Cái tâm chưa ngả ngủ theo một bên nào, nghĩa là : Chưa thấy tỏ vẻ giận người nầy, ghét người kia v.v.. thì gọi là Trung. Trung là Tình chưa phát hiện, chưa phân phối, chỉ có một mối, thì gọi là Thiên Mạng chi Tánh. Còn Tình phát hiện, vào mỗi trường hợp có khi nhằm lẻ, có khi không nhằm lẻ. Tình phát hiện nhằm lẽ thì gọi là Hòa. Vậy cái Tánh còn ở trong thời kỳ “Trung”, không có mừng, giận, buồn, vui đối với một ai, thì có gì mà gọi là lành, là dữ, nên gọi là tuyệt đối. Chừng tâm động niệm phát sanh ra thất tình, lục dục, mới chia ra hai phần: hễ nhằm lẽ, thích ứng, là lành. Bằng không nhằm lẽ, trái ngược là dữ, là ác. Chúng ta giao thiệp cùng nhau hằng ngày, người và người đối với nhau, thì giữa đôi bên, làm sao chẳng có tình phát hiện. Nếu ta làm sao cho nó phát hiện vào mỗi trường hợp đặng chánh đáng, thì gọi là hòa. Đã hòa tất nhiên sẽ đặng yên ổn, vui vẻ, thì còn có trở ngại nào mà không chung cùng với nhau. Cho nên nói rằng : Hòa là con đường đi chung cho tất cả thiên hạ. Hòa cũng là dung (dụng), mà dung phát ra trúng tiết mới gọi là Hòa, bằng không trúng tiết thì đâu phải là hòa. Sách Trung Dung giải: “Hòa giả, phát nhi giai trúng tiết”, có nghĩa Hòa là (mừng, giận, buồn, vui) phát ra trong mỗi trường hợp, phải cho nhằm lẽ và đặng trúng tiết. Nhằm lẽ, trúng tiết là: đừng thái quá, bất cập, luôn luôn phải có chừng mực, có lễ độ. Mà muốn có chừng mực, có lễ độ, chúng ta phải nhắm vào mục tiêu nào và chương trình hành động chung đã vạch sẳn. Những người làm việc không mục đích và không chương trình cũng như có một sợi dây, mà mỗi người trì kéo mỗi hướng. Đó là ban đầu nói có hiệp nhau thì hòa, rồi sau có sự xích mích nhau mà trở lại bất hòa, chia rẽ, chống báng nhau. - Tại sao ? - Vì ban đầu cùng nhau thành thực thì cái chi cũng tốt cả. Sau lâu ngày vì quên lãng mục đích của Đạo và không hiểu rõ tiêu ngữ của Đạo nên tha hồ để cho dục vọng làm chủ mình. Sách Đạo Học Chỉ Nam Bửu Kinh viết: “Hiệp hòa không phải là buông thả con người vào đám đông để mặc cho sóng đời trôi dạt. Hiệp hòa không phải chỉ một điều tiêu cực, là theo thiên hạ và chạy đua cùng thiên hạ. “Hiệp hòa cùng tha nhơn, mà không thực thi lấy cái mục đích đã định, thì sự hiệp hòa chẳng đúng với chính danh của nó. Hiệp hòa là phương tiện hữu hiệu, đối với tất cả cá nhơn muốn đi đến một xã hội an bình, một thế giới tiến hóa trong tương ái, tương thân”. Sách Đạo Học Chỉ Nam Bửu Kinh lại viết thêm: “Hiệp tác mà không hòa, thì chẳng hóa ra là không hiệp. Hiệp lại với nhau trong bầu trời hòa ái, mới đưa đến kết quả mong muốn. Hiệp và hòa là hình với bóng. Hiệp là ngôi nhà, hòa là nền móng. Ngôi nhà đại đồng có đứng vững hay không là phải đủ hai điều kiện tác động đó.” Mỗi người tuy có tâm tánh khác nhau, mà luật tự nhiên vẫn đồng có một. Nếu ai cứ giữ theo cái nhịp nhàng tự nhiên đó mà hành động, thì tâm tánh ta sao lại không hòa với nhau? Vẫn biết tánh mỗi người mỗi khác - đây là nói về tánh khí chất, tánh tập quán nhưng nếu người người đều theo bổn tánh - đây là nói về tánh tự nhiên Trời phú cho mình. Cái bổn tánh tự nhiên nói đây tức là lương tâm, lý tánh, hễ nó đặng hạp với một sự lý nào, thì ta có thể khuếch trương nó mãi mãi đến cực điểm. Chữ Hòa tuy có nghĩa là hiệp đồng: mà còn thấy dáng sai biệt của mọi sự vậy. Chữ Ái mới là đi đến một bổn thể bình đẳng chơn chánh. b. Sau đây là nghĩa chữ Ái Ái nghĩa là yêu thương kẻ khác, coi kẻ khác như thân thể tay chơn của mình. Thân thể tay chơn của ta lành mạnh thì ta vui. Còn thân thể của ta đau ốm thì ta khổ. Có người nào chẳng lo thân thể, chơn tay mình đặng lành mạnh, cho đặng vui vẻ. Có người nào thấy thân thể, chơn tay mình bịnh hoạn, mà chẳng tìm phương điều trị cho hết đau đớn khổ sở. Nho giáo lấy chữ Nhân làm nguyên lý căn bổn. Về chữ Nhân ở trong tam đức là : Trí, Nhân, Dũng, ta nên lấy nghĩa hẹp là phải hơn. Chữ Nhân ở đây có nghĩa là bác ái, thương rộng đến mọi người thiên hạ. Nhưng thương rộng, mà thiếu Trí, nghĩa là thiếu sự sáng suốt, không thông rõ thời cơ, thì khó mà làm tròn phận sự Bác ái. Còn có Trí sáng suốt, mà thiếu lòng Bác ái, thì thiếu kẻ đồng tâm, ít người giúp việc, làm sao cử đồ đại sự cho kham ? Có Nhân, có Trí, lại cần phải có Dũng, là sự bền chí, sốt sắng, gan dạ thì mới có thể lướt qua các điều trở ngại, mà đi thẳng tới mức thành công rực rỡ. Phật giáo lấy hai chữ TỪ BI làm căn bản cho giáo lý của mình. - TỪ có nghĩa là dữ lạc nghĩa là giúp vui. Còn BI là bạt khổ, nghĩa là cứu khổ. Chữ Từ Bi nói đây không phải đối với một ít người vật xung quanh mình, mà đối với tất cả người vật trong thiên hạ. Thế thì chữ từ bi cũng đồng với chữ bác ái nói trên. Có người cho nghĩa chữ Bác Ái không rộng bằng chữ Từ Bi. Đó là tại họ hiểu theo nghĩa hẹp của chữ Ái. Phải lấy nghĩa rộng của chữ Ái, là Bác Ái, thì nó mới cân xứng với chữ Từ Bi. Nhưng chữ Ái nói đây chẳng phải là tình yêu thương theo lối thường tình, chật hẹp cho thân mình, cho những người gia quyến mình, mà yêu thương đó phải nới rộng rãi một cách vô tư cho đến người xã hội nhơn quần, cho đến tất cả người trong thiên hạ. - Về chữ BI, cuốn Thiền Pháp Yếu Giải nói như vầy: BI nghĩa là quán tưởng chúng sanh đương chịu khổ, trong ba ác đạo là Địa-ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh, hay là các sự hành hình, chém giết, đói lạnh, bịnh khổ, … Ở cõi thế gian ta thường tưởng tới dáng khổ đó, làm cho Bi-tâm càng ngày càng bồng bột. Cho tới những người đương sung sướng, ta cũng thấy họ khổ nữa. Bác ái hay Từ bi chỉ có thể xuất phát từ trong tấm lòng hay từ trong trái tim của mình mà không có sự phân biệt, đòi hỏi chúng ta phải thương yêu tất cả mọi người như chính chúng ta thương yêu chính chúng ta. Cái khó là sự thể hiện lòng Bác ái, lòng Từ bi trong tâm chúng ta với tất cả mọi người, kể cả đối với những kẻ mà chúng ta thấy đáng ghét nhứt. Bác ái hay Từ bi được thể hiện bằng lòng tốt, lòng lành hay thiện tâm, bằng sự tử tế với nhau mới có thể sống với nhau, tương trợ nhau. Lòng Bác ái, Từ bi nuôi dưỡng trong Tâm sẽ đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Tâm Bác Ái, Tâm Từ Bi là nấc thang đưa chúng ta đến mục đích cuối cùng là Vô Ngã, tức không còn nghĩ đến cái TA ích kỷ, tham lam, sân hận, si mê. Cái Ta càng nhỏ bé hơn thì tình thương càng dễ phát triển hơn. Khi chúng ta nghĩ đến người khác nhiều hơn thì cái Ta phải nhường chỗ cho họ trong trái tim chúng ta. Có Tâm Bác ái, Từ bi sẽ mở đường cho người có Thiện Tâm. Người Thiện Tâm là người cảm nhận được sự đau khổ, sự cùng khốn, khó khăn của người khác ngay trong chính bản thân mình. Có như thế chúng ta mới thực sự cảm thông được với người khác vì chúng ta cũng đã từng chịu những hoàn cảnh như họ. Sự cảm thông là một tình cảm xuất phát từ trái tim, không cần lý do hay điều kiện gì đặc biệt. Bác ái là lòng thương yêu hết mọi người, mọi vật. Lòng Bác ái phải xuất phát từ trái tim, chớ không phải ở đầu môi chót lưỡi. Bác ái cũng không khác gì lời Phật Tổ dạy hãy có Tâm Từ Bi tức có lòng hiền lành thương xót đối với mọi người. Nếu mọi người ai cũng hiền lành, cũng có Thiện Tâm thì cõi thế nầy bằng an như cõi Thiên đàng rồi. Sách Đạo Học Chỉ Nam Bửu Kinh viết: “Một tình thương cao thượng thiêng liêng sẽ giải quyết được vạn sự kiện của nhơn sinh. Giòng nước bản thể luân lưu, trong các hình tướng biến hiện, sẳn có đủ vô lượng tánh để soi rọi Chơn Như (tức là Phật Tánh) của vạn thể chúng sanh”. Với cái tình thương đó, sách Đạo Học viết tiếp:“Sau khi đã nhận thức phần nào hai chữ hòa ái trên căn bản tri thức, bổn tiết cùng chư đạo hữu xét đến những phương cách hành động. Đã xây dựng một quan niệm và thiết tha trọn lòng với ý tưởng ấy, thì việc thực hiện chỉ là thời gian, sớm muộn gì cũng thành công trong quyết định. “ Một phương cách hành động hay nhứt là bớt phê phán tha nhơn, hãy thương yêu tha nhơn và dìu dẫn để đồng tiến cùng thiên hạ. “Đừng bảo rằng tại sao thiên hạ phải làm như thế nầy, mà không làm như thế khác. Đừng bảo rằng tại sao thiên hạ cứ cưỡng lại ý thánh của mình. Hãy xét lại tự nơi lòng mình coi có thương thật thương thiên hạ hay chưa. Nếu chưa thì hãy cố gắng thực hiện đi ”. Vây hai chữ Hòa Ái là con đường duy nhứt để đi đến mức cứu cánh của Đạo. Đời Đạo biết nương nhau thì mới có thể thiết lập cảnh Thái hòa, cảnh Thiên đàng Cực lạc ở cõi trần gian nầy. Tổng quát, Tiêu ngữ Bình Đẳng, Cộng Tác, Hòa Ái của Minh Lý Đạo mà chúng tôi vừa trình bày ở trên đều căn cứ vào chữ Tâm. Mà cái Tâm ấy phải chăng là cái Tâm Bình Đẳng, cái Tâm Cộng Tác mang lợi ích cho Đạo, cho Đời đi đến Thiên Nhơn hợp nhứt, và cái Tâm Hòa Ái đạt đến cứu cánh Từ Bi, Bác Ái của Đạo? Đã nói Tiêu ngữ hay Cương lĩnh là cây nêu chỉ rõ cái mục đích chánh đáng, cái chí nguyện cao cả để cho mỗi người biết đại lược và chú ý đến cái mục đích của Đạo mà tuân hành. Và mục đích chánh đáng, cao cả của một môn sanh, của một tín đồ là tu tập để trở về quê xưa vị cũ, tức trở về Ngôi Viên Nhứt, hay Thượng Đế, bằng con Đường Phản Bổn Hoàn Nguyên. |
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |