TỨ ĐẠI ĐIỀU QUY Năm 1924, MINH LÝ ĐẠO-TAM TÔNG MIẾU được các Đấng Thiêng Liêng khai lập tại Sài Gòn. Năm 1925, các Ngài ban cho môn sanh Minh Lý bài kinh TỨ ĐẠI ĐIỀU QUY, là bốn điều quy định lớn về tư cách đạo đức, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, trong tu hành. Các Ngài truyền dạy rằng bài kinh TỨ ĐẠI ĐIỀU QUY được ban bằng văn vần tiếng Việt để Minh Lý môn sanh dễ hiểu, dễ nhớ và thực hành đúng. Minh Lý môn sanh phải lập thệ tuân hành, ngày ngày tụng niệm, khắc khắc kỉnh vưng, dẹp lui lục tặc, trừ dứt thất tình, lập công bồi đức, tiêu hết nghiệt oan, thì mới khỏi phạm luật Trời rất nghiêm. Minh Lý môn sanh phải thuộc nằm lòng, luôn nhắc nhở tâm mình lấy đó làm khuôn phép để trau dồi tâm chí phẩm hạnh, diệt lần các tội xấu, tự rèn luyện mình trong cuộc sống, làm việc và cư xử cho đúng đạo lý, xứng đáng là học trò Tiên. Từ đó, Minh Lý môn sanh luôn tụng niệm bài kinh này vào thời cúng buổi sáng và thực hành lời răn dạy của các Đấng Thiêng Liêng, ráng tập sửa mình cho ngày càng hoàn thiện hơn. TỨ ĐẠI ĐIỀU QUY Họ… … tên … … thành tâm lập thệ, Đệ nhứt điều tuân lệ Phật Tiên. Kỉnh người trên, vưng thửa dạy truyền, Mến kẻ dưới, lòng nguyền điều hộ. Việc cư xử, noi theo pháp độ, Lòng từ hòa, ái mộ người đời. Sửa mình ngay, giảng giáo đạo Trời, E phàm tục, còn nơi sai thố. Nghe người biết, chỉ phân dạy dỗ, Mau ăn năn, tỉnh ngộ tiền phi. Đối đãi đời, thấy quấy bỏ đi, Tuân huấn giáo, tội thì tiêu rỗi. Chẳng nệ nhọc, khuyên người tránh lỗi, Trên Phật Trời giảm tội ghi công. Hai là tuân Tam Giáo Điều Qui, Năng kiệm dụng, chẳng khi lãng phí. Biết tiện tặn là bòn phước quí, Bày việc chi xét kỹ thị phi. Phòng ngày sau tai biến không kỳ, Tánh kiêu ngạo khinh khi chừa cải. Liều công khó giúp tròn nhân ngãi, Noi Thánh Hiền lời dạy đâu sai. Không kể công, khoe giỏi, rằng tài, Đừng thù chạ, ẩn mai người phải. Điều thứ ba, tiền tài xem xét, Sổ sách đều biên chép rõ ràng. Chẳng chút lòng khi dối ẩn man, Đừng tiêu ít, ghi gian thêm thiếu. Lòng chẳng khá thâu đa nạp thiểu, Một mảy lông chớ chịu tiếng tà. Đối đãi nhau, lớn nhỏ thuận hòa, Trên dạy dưới, lễ ra nghiêm chánh. Nhỏ can trên, chớ buông tâm tánh, Gìn cho tròn Đạo Thánh đừng hư. Ngày xét xem lỗi dữ cải trừ. Noi Hiền Thánh khư khư giữ vẹn, Đặng sửa giồi tâm đức thuần quen. Bốn tránh đừng diện thị bối phi, Trước mặt người giả bộ kỉnh vì. Sau lưng lại khinh khi chẳng nể, Chớ nham hiểm, thấy người tồi tệ. Ngồi nhắm xem, không kể sửa ngăn, Gìn tấm lòng, giữ mực thăng bằng. Chẳng thiên vị, mới rằng công chánh, Đừng bày của tư riêng lường gạnh. Sanh lòng tà ngoan ngạnh người trên. Kẻ dưới quyền, hiếp chế sao nên. Lời ngay thẳng, nói lên rằng vạy. Miệng chuốt ngót, giục người làm quấy, Tánh sân si lừng lẫy dọc ngang. Trái qui điều, sét đánh hồn tan. Đọa mạt kiếp, khôn toan chuyển thế. |
GIẢI NGHĨA
Ngài Định Pháp Tổng Lý Minh Thiện đã giảng nghĩa TỨ ĐẠI ĐIỀU QUY của Minh Lý Đạo như sau: “Điều quy là gì? Ấy là đường thẳng lên cõi Thiên đường, là phép hay vượt miền Địa ngục. Học Thánh, học Hiền không điều quy chẳng vững; độ mình, độ thế, không điều quy khó thành. Đó là một cái bè để vớt chúng sanh khỏi chốn trầm luân bể khổ. Bởi nhiều kẻ còn mê muội, không thông Đạo lý, vọng tác vọng vi, cho nên Tiên Phật đinh ninh chỉ bảo phải tuân điều quy của Tam giáo là vậy. Tam giáo là ba mối đạo Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Ba vị Giáo chủ là: Văn Tuyên Khổng Thánh, Tây Phương Phật Tổ, Thái Thượng Lão Quân. Ước mong các bạn đồng tâm cộng đức, hiểu rõ huyền cơ, suốt thông chí nghĩa, cứ vưng theo điều quy mà tu hành, thì sẽ chắc chắn thành kỷ thành nhơn, thành chung thành thỉ, có ngày thành công đắc quả, chứng bực Phật Tiên”. Bài kinh được dạy bằng tiếng Việt, rất dễ hiểu. Sau đây, xin tóm lược phần giảng nghĩa của một số từ: Điều thứ nhứt: Thành tâm lập thệ nghĩa là hết lòng thành thiệt hứa nguyện với Trời Phật sẽ làm y theo như lời dạy sau nầy. Thử xem các vị Tiên Phật thuở trước có ai không nhờ thệ nguyện mà đặng thành chăng? Cho nên người tu trước phải thệ nguyện làm tin, rồi sau mới vững lòng mà hành Đạo. Nhưng trước khi thệ nguyện, ta cần phải xét nét cẩn thận, chẳng nên làm liều, e có chỗ hối hận về sau. Tuân lệ Phật Tiên, nghĩa là: Y theo điều lệ của Phật Tiên lập ra, cùng là lời Tiên Phật dạy bảo, hoặc có ghi trong kinh sách xưa nay, hoặc mới giáng bút theo hội nầy. Người trên là ai? Ấy là người phẩm vị cao theo phần đạo đức, là người chấp chưởng quyền hành của Tam Giáo Tổ Sư, nối truyền tâm pháp, thế Trời khai đạo, phổ cứu quần sanh, hành công tế thế, tu đức xuất thế, làm gương cho hậu học, kêu tỉnh người mê, là người mà trên trời dưới đất ai ai cũng đều kỉnh trọng. Dạy truyền là chỉ dẫn người nam nữ ở thế gian, bỏ tà về chánh, trừ quấy học phải, xiển minh chánh giáo, nói rõ nhân duyên sanh tử quả báo, cùng là cách giữ quy giới thế nào cho tinh nghiêm, tu hành sao cho đúng đắn. Kẻ dưới là người có phẩm vị thấp hơn hoặc người mới vào đạo, nên hư chưa rõ. Người trên phải thương mến kẻ dưới, trông nom nhắc nhở dìu dắt kẻ dưới, hết lòng chỉ bảo mọi điều cho người dưới biết tội lỗi mà tránh xa. Lòng từ hòa nghĩa là: Người trên phải có dạ nhân từ, xót thương kẻ dưới, còn kẻ dưới phải kỉnh vì người trên, chẳng nên sanh lòng tật đố, tranh giành. Ái mộ người đời, nghĩa là: Phải coi thiên hạ như một nhà, cả nước như một người, yêu mến như bà con, như thân thể mình vậy. Tình thân ái rất quan trọng, bỏ nó ra ngoài, thì các đức tánh khác không đủ sức mà làm việc chi nữa được. Sửa mình ngay là làm thế nào? Là noi theo điều quy mà sửa mình: vạy đổi ra ngay, tà hóa thành chánh, thân tâm trong sạch, cử chỉ mực thước. Người nào sửa mình ngay rồi, thì ai lại không cảm phục? Có cảm phục thì người ta mới vưng theo lời dạy. Vì xưa nay chưa từng có ai mình chẳng chánh, mà sửa người được chánh. Sách Đại Học nói: “Muốn tề gia trị quốc, thì trước phải chánh tâm tu thân”, là cũng vì lẽ đó. Tiền phi là lỗi mình phạm trước kia. Hễ biết lỗi thì phải chừa. Chừa chẳng phải nội trong lúc đó mà thôi. Phải y theo lời dạy bảo đó luôn luôn, thì tội lỗi kia tự nhiên tiêu rỗi. Nếu đã biết điều lỗi đó rồi, mà thấy người khác phạm, thì phải chịu nhọc mà khuyên lơn. Chớ thấy khó mà ngã lòng. Đã khỏi tội lại đặng ban ơn, vừa độ mình lại vừa độ thế, người làm nên cả hai việc đó, thì có chi vui bằng. Kệ rằng Hòa dưới, vưng trên, lễ chẳng ngoa, Giữ gìn qui củ, Đạo truyền ra. Sửa mình dạy chúng, lòng không hổ, Hạnh đủ, công đầy, gặp Thích Ca. Điều thứ nhì: Bòn phước quí là sao? Phải hiểu rằng một sợi tơ, một hột thóc, cũng là ân đức của Trời ban, công sức của người vật để làm ra rất dầy. Vì vậy, cần phải cần kiệm trong mỗi việc tiêu xài, mỗi việc cũng liệu vừa đủ dùng thì thôi, chớ không nên ỷ nhiều tiền mà quăng ra ngoài cửa sổ. Nhất là người có trách nhiệm sử dụng tiền của chùa, của chung, dầu cho một đồng, một ly nếu không có ích cho Đạo, thì chớ khá xài. Xài phí như thế là tự gây tội lỗi cho mình chẳng phải nhỏ. Bớt đi một phần lãng phí, thì sẽ có điều kiện làm thêm được một phần phước thiện. Đừng thù chạ, nghĩa là: đừng sanh lòng ganh ghét. Ẩn mai nghĩa là che lấp, vùi chôn. Ẩn mai người phải là cậy thế thần vùi dập những người đạo đức, những người tài giỏi, làm cho người ta không thể tiến thủ, luống mất một đời, chung cuộc không thành việc chi cả. Ẩn mai hiền lương là một đại tội ác, cho nên Trời rất ghét. Kệ rằng Bòn phước kiệm dùng, lợi chúng sanh, Sửa mình hòa nhã, chẳng khoe danh. Cử người hiền đức, công vô lượng, Đại Thánh, đại Hiền dễ đặng thành. Điều thứ ba: Khi dối là khi trá, dối giả. Ẩn man là dấu đút, khỏa lấp. Nếu lạm dụng của công, dầu một phân hào, cũng là trái điều quy, cũng là phạm Thiên luật. Can là khuyên ngăn cho người quấy hồi đầu. Như người trên có lầm sai, thì kẻ dưới được noi theo đạo luật, điều qui mà can gián. Chớ không được buông lung tâm tánh, dùng lời khiếm nhã, chẳng đặng lớn tiếng cả lời trước mặt thiên hạ. Sửa dồi tâm đức thuần quen, là khuyên mọi người, ngày ngày phải xét mình, ráng chừa bỏ lỗi cũ, hằng thể lòng Trời Đất háo sanh, học chí Thánh Hiền cứu kiếp. Giữ y như vậy cho lâu ngày, thì tâm đức đặng thuần quen, tự nhiên theo lẽ chánh. Kệ rằng Không riêng, cứ thẳng, hiệp lòng Trời, Tế độ xưa nay để tiếng đời. Trái phép, hư danh, Trời Phật ghét, Sa vào Địa ngục khổ vơi vơi. Điều thứ tư: Diện thị bối phi: diện là trước mặt; bối là sau lưng, thị là phải, phi là trái, quấy. Nghĩa là khuyên mọi người tránh việc ở trước mặt nói là phải, mà sau lưng lại cho là quấy; đừng trước mặt chịu vưng lời, mà sau lưng lại làm trái. Cũng đừng trước mặt làm bộ kính nể, mà sau lưng lại chế diễu. Người tồi tệ là người làm việc không đoan chánh, làm cho nhơ danh Đại Đạo. Nếu ta thấy có kẻ tồi tệ, chớ nên để vậy mà xem, đem lòng sâu độc cười thầm, mà không tìm phương cứu chữa. Đây nhắc lại: Hễ người trên tồi tệ, thì kẻ dưới phải lấy điều qui mà nhắc nhở, nhỏ nhẹ khuyên can. Còn kẻ dưới tồi tệ, thì người trên phải lấy lễ nghĩa, là gồm dụng cang nhu để sửa trị. Trên dưới đồng một đức, thì có làm việc chi mà không thành? Nếu ta không lo cứu chữa, dễ sanh hậu hoạn, phải liên lụy cả đoàn, thì tội kia chẳng phải nhỏ. Thăng bằng là chỉ cái cân hai đĩa, một bên để món vật phải cân, một bên sắp trái cân. Khi cân, giữ hai bên ngang bằng với nhau. Người tu hành phải giữ lòng mình y như cái cân thăng bằng đó, nghĩa là phải giữ mực công bình, chánh trực, chẳng nên tư vị bên nào. Sanh lòng tà là cứ theo ý tứ riêng của mình, chẳng tuân điều quy là lẽ chánh. Đối với người trên thì ngoan ngạnh, nghĩa là ngỗ ngang, tự cao tự đại, chẳng gìn lòng trung kỉnh. Kệ rằng Bốn điều giải nghĩa đã phân minh, Thành kỷ, thành nhơn, phép rất tinh. Vạn pháp diễn thành văn Việt ngữ, Phụng hành thường bữa, quỉ thần kinh. Vertical Divider
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |