Đức Trần Hưng Đạo giáng đàn giải thich về nguyên nhân ra đời của Minh Lý Đạo như sau:
Hướng đạo nầy ôi! Cố gắng lên!
Trời ban sứ mạng, khá tâm bền.
Đuốc linh rọi bước đưa người thế,
Gánh đạo, nghiêng vai, xứng đáp đền.
Nầy chư hiền! Ngày giờ nhặt thúc, công cuộc hoằng dương giáo lý còn đòi hỏi nhiều nghị lực, tâm hạnh ở các hiền. Các hiền nên nhận kỹ sứ mạng của Trời đã đặt lên vai của mỗi người. Làm sao đây cho tròn trách nhiệm lớn lao ấy?
- Nếu chư hiền không cố gắng suy xét, thì chưa thấy được trọng trách của mình ra sao.
- Nếu lần nầy Thượng Đế thị hiện ở thế gian bởi công vụ hết sức to tát, thì chư hiền phải hiểu đó là một cơ hội may mắn đặc biệt, chẳng dễ gì gặp lại lần thứ hai.
- Nếu chư hiền chẳng phóng tầm mắt xa rộng, thì chắc coi mình như các nhà sư ở Phật giáo, các đạo sĩ ở Lão, Trang, các môn đồ của Khổng Mạnh.
- Nếu các tôn giáo kia đã hoàn tất sứ mạng rồi, thì đâu còn cần dùng đến ai nữa làm chi?
Minh Lý ra đời với một sứ mạng quan hệ, là để tiếp tục hoàn thành công cuộc cứu rỗi của các nhà đạo học kia mà! Sứ mạng có khác, thì việc làm không thể giống nhau được. Xin chớ hiểu lầm mà hư việc.
- Nếu Minh Lý xuất hiện dưới hình thức một tôn giáo như: Phật giáo, Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, … thì không có ý nghĩa, mà còn bày nhiều khối, nhiều chi, gây thêm rắc rối cho thiên hạ.
- Nếu Minh Lý ra đời cốt để truyền pháp độ sanh, giải thoát linh hồn cho nhơn loại, thì đã có Tam giáo rồi.
- Nếu Minh Lý ra đời chỉ lo giải quyết về đời sanh sống, thì có các học thuyết, các chủ nghĩa.
- Nếu Minh Lý ra đời, cố trị an thế gian, thì có các nhà chánh trị, đâu cần gì đến ta, mà có ta lại càng thêm nhiều mối tranh chấp.
Nhưng chắc chi mỗi hiền thiệt đem lòng tin tưởng về cái sứ mạng thiêng liêng nầy mà làm xong nhiệm vụ cao cả đó, vì đời nay người ta tiến bộ đủ cả mọi mặt.
Nói về giáo lý thì các tôn giáo trên hoàn cầu đều có một tổ chức sâu rộng khắp nhơn gian, ảnh hưởng thâm nhập ở quần chúng, như đã nhuộm thấm vào lòng người. Trên lịch sử, thì đã bảo đảm triết lý hoàn thiện và đoàn thể đông đúc. Về học thuyết, thì đủ thuật tài tình, tuyệt diệu. Về chính trị, xã hội, họ giàu mạnh, nào bom súng, tàu thủy, máy bay, chiến xa, quân lực… Ta thì sanh sau đẻ muộn, nước yếu dân hèn, làm gì mà dám cao vọng đề xướng những việc bằng Trời. Thật khó mà tin!
Nhưng các hiền bình tĩnh một chút mà suy nghĩ cho kỹ càng: Thế giới ngày nay sẽ làm gì? Nhơn loại ra sao? Các tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa trên hoàn cầu sẽ đi đến đâu? Người ta đương nghĩ gì, muốn gì, tin tưởng những gì, để giải quyết được bao nhiêu nỗi khổ đương ngự trị ở lòng họ?
Có phải họ muốn hòa bình không? Muốn sống cuộc đời yêu thương lành mạnh không? Sự khao khát đó, sự trông chờ một vị Thần bảo tồn cho sanh mạng họ đặng an ổn thanh bình chăng? Nhưng ngày nay chưa ai nghe ai, chưa người thiệt tình để ý đến đó, là vì ai cũng nghĩ chỗ “ưu thắng liệt bại” mà thôi, nên có ai chịu nhường ai?
Vì lẽ đó mà rồi đây các cuộc chiến tranh nguội, chiến tranh nóng sẽ tiếp diễn, trận địa nầy đến trận địa khác cứ tiêu diệt lẫn nhau. Cho đến một ngày nào đó, thế giới sẽ còn một anh hùng vô địch. Nhưng anh hùng đó cũng bị thiên khiển, mà nhơn loại cũng oán thù nhau.
Thế thì chỉ có kẻ nào ưng sống bằng lẽ thật, bằng tình thương là được tồn tại mà thôi.
Các hiền cũng thấy ở thời cuộc nay mai thế nào, nếu không có tiếng gọi vang lên, không được lòng Trời ngó lại, thì buổi hạ nguơn nầy sẽ đến tận diệt. Vì vậy mà các Thiên sứ của Trời đã rảo khắp nhơn gian, đốt đuốc dẫn đường, túc giọng còi linh, mà kêu gào nhơn thế dừng chơn, đón ngày hạnh phúc.
Tuy sức mình yếu, tài mình hèn, nhưng lòng mình đầy dẫy sự sáng suốt, yêu thương. Bên cạnh mình có một quyền năng điều động. Con đường mình đi là lối bằng phẳng, đến sau mình còn biết bao nhiêu quyền pháp tiếp tục làm hậu thuẫn cho công cuộc tương lai duy nhứt hoàn cầu!
Bổn phận của nền giáo lý mới ra đời, không lập một pháp gì khác hơn là kết tinh giáo lý, học thuyết Đông Tây kim cổ làm một chương trình để tự tu, tự độ, mà độ dẫn loài người. Cái tinh ba thuần nhứt đó được qui tựu, trở thành một tổ chức dung hòa, mà sứ mạng của chúng ta có bổn phận tiên phong, dọn đường cho một Đấng Quyền pháp trọn lành đến sau. Đấng ấy đủ ân oai chận đứng được nỗi thống khổ đương diễn hành, mà cảm hóa được lòng người trở về cùng chơn lý đồng nhứt. Quyền ấy, pháp ấy đã trao cho các hiền một phần để lập công, để gây thiện duyên cùng nhơn loại và để nương đó mà phản bổn huờn nguyên.
Các hiền cứ tin và vững tin ở sau lưng mình, trước mặt mình, trên đầu mình và trong lòng mình có một Thần Lẽ Thật đương bảo hộ mình làm tròn nhiệm vụ. Thần ấy chưa hiện ra một cách rõ ràng, là bởi mình còn thiếu lòng tín ngưỡng và kém phần đạo hạnh.
Thần Lẽ Thật sẽ đến cùng ta và cũng đến trước mọi người. Nếu không có Thần ấy ra đời, thì chắc gì chúng ta làm tròn cái sứ mạng đó. Nhưng tuy vận hội đã suy, mà vì cộng nghiệp loài người còn to, cơ hủy diệt còn đương trình diễn để phá hoại cái cũ kỹ, mà xây dựng cái tương lai mới mẻ, nên Thần ấy còn đương ẩn chờ mạng lịnh.
Vậy muốn biết tôn chỉ của Minh lý như thế nào và chương trình sinh hoạt của mỗi người phải làm gì, hãy đi sâu vào chương lý giải sau nầy sẽ rõ.
NGUYÊN TẮC LẬP ĐẠO
Đạo Minh Lý được lập dựa trên 3 nguyên tắc sau: 1/ Tam giáo hiệp nhứt: Tam giáo : Nho, Thích, Đạo có những dị điểm mà cũng có đồng điểm. Minh Lý đạo hiệp các dị điểm đó lại để thành lập một hình thức hoàn toàn mới hơn. Các dị điểm đó cũng là cũng sở trường của mỗi giáo; như sở trường của Nho giáo là Nhơn đạo, nghĩa là đạo làm người, đạo ăn ở sao cho phải lẽ. Sở trường của Đạo giáo là luyện khí, thường gọi là luyện đơn. Sở trường của Phật giáo là tu tâm để thuận theo giác tánh. Trong ba sở trường nói trên, xét kỹ thì chẳng thể bỏ điều nào, tất cả đều cần phải trau giồi, như tu tâm và luyện khí là hai phương pháp bổ trợ cho nhau. Nếu thiếu một là không thành công. Tóm lại, trong Tam giáo, mỗi giáo đều có phần dạy kỹ các phần như đã kể ở trên là : Luân lý, Luyện khí, Tu tâm. Ba phần đó đều là phương pháp cần thiết cho sự tu hành, nên như đã nói, không thể bỏ ra ngoài một phương pháp nào. Do vậy, Tam giáo hiệp nhứt là nguyên tắc lập đạo thứ nhất của Đạo Minh Lý. 2/ Tam giáo quy nguyên: Nếu chỉ hiệp nhứt Tam giáo như đã nói trên là chỉ hiệp đằng ngọn, chưa đúng lẽ Đạo, vì Đạo chỉ có Một. Minh Lý Đạo phải truy về nguồn cội của ba giáo, tìm cho thấy ba giáo chỉ có một gốc chung mà thôi. Nếu thấy được gốc chung đó thì ba giáo cùng hướng về ngôi Nhứt, tức là “ Tam giáo quy nguyên ”. C Tam giáo quy nguyên là nguyên tắc lập đạo thứ hai của đạo Minh Lý. 3/ Chấp trung thủ nhứt: Chấp trung thủ nhứt là nắm giữ ngôi Viên Nhứt. Viên tức là Trung, là Chơn không, tuy không mà không phải không. Nhứt là Diệu hữu, tuy có mà chẳng phải có. Tóm lại, Viên và Nhứt là Nhứt Như, chỉ có một thể Chơn như mà thôi. Đó gọi là Trung đạo. Chấp trung thủ nhứt là nguyên tắc lập đạo thứ ba của đạo Minh Lý. Tóm lại, đạo Minh Lý có ba nguyên tắc lớn, hay là ba giai đoạn hành đạo như sau : a. “Tam giáo hiệp nhứt ”, là giai đoạn phải gom ba giáo đem về một mối. b. “Tam giáo quy nguyên”, là giai đoạn hết còn thấy Tam giáo nữa, mà chỉ thấy có một gốc lớn, một nguồn đầu. c. “Chấp trung thủ nhứt”, là giai đoạn nắm giữ cái gốc lớn, cái nguồn đầu, mà như không nắm giữ, để đi tới cái Đạo Tự Nhiên “ Trung Nhứt ” hay là “ Viên Nhứt ”, có đủ vô lượng tánh công đức”. Đó là sự dung hòa để đạt đến nhứt lý như trong bài khuyến Cáo có viết : TAM TÔNG GIÁO, tuy là khác chủ MINH LÝ rồi, phải đủ cả ba. .... Thất MINH LÝ, miếu TAM TÔNG Phụng thờ ba Đạo, giữ tồn nghĩa nhân. Tìm kinh, kiếm sách tu thân, Độ người tỉnh ngộ vào lần cửa Không. Từ những nguyên tắc lập đạo kể trên, môn sanh trong MINH-LÝ THÁNH HỘI phải nhận cho được mục đích để đến, tôn chỉ để làm, lập trường để đứng vững. Vertical Divider
|
MỤC ĐÍCH - TÔN CHỈ - LẬP TRƯỜNG
1/ Mục đích của Minh Lý Đạo là hiệp nhứt tinh hoa của ba tôn giáo lớn ở phương Đông là Thích - Đạo - Nho để tìm lại cội gốc là Đạo (quy nguyên Tam giáo), để từ đó mà tu hành, tự độ, độ tha, góp phần phục vụ dân tộc, xây dựng hòa bình, an lạc cho Tổ quốc và trên thế giới. 2/ Minh Lý Đạo theo tôn chỉ dung hòa mọi tín ngưỡng, cùng học thuyết Đông Tây kim cổ, trong đó dựa theo giáo lý của Tam giáo: Thích - Đạo - Nho mà thi thiết giới quy, giới luật. Dung hòa xu hướng cộng đồng, mở rộng tình thương, không phân chia màu sắc địa phương, nhằm hoằng dương chánh pháp, phục vụ nhơn sanh trên cương lĩnh từ bi, giác ngộ và giải thoát. Cho nên người MINH-LÝ phải nới rộng lòng mình, xích gần lại với nhau, không phân chia màu sắc địa phương giữ đúng tinh thần câu “Thất MINH-LÝ nền chung các đạo”. 3/ Lập trường của Minh Lý Đạo là thuần túy tu hành, đem Đạo độ Đời mà không xen lẫn ý tư riêng của việc đời vào việc Đạo. 4/ Minh Lý Đạo hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Thánh ngôn ngày 18-9-1965, Đức ĐÔNG PHƯƠNG LÃO TỔ dạy: môn sanh Minh Lý may duyên được sống trong quyền pháp che chở, ơn Trời chọn lựa. Để cùng quần Tiên Thánh Phật lãnh lấy sứ mạng cứu thế độ đời. Đứng trong hệ thống “TÂN PHÁP ĐẠI ĐẠO”, phải có lòng vô tư, coi mọi người như một, đem giáo lý của mình mà khuyên dạy đồng bào nhơn loại; khuyến khích nhau làm những điều hay lẽ phải. Hãy khích lệ nhau trên sự hợp tác cộng đồng, đồng dị, riêng tư, làm cho ai nấy cảm thông trên tình linh sơn cốt nhục. Về tư tưởng huyền đồng nhất thể, người Việt Nam xưa nay được coi mọi người như một, tiếp đón tất cả cái hay, cái phải bất cứ nước nào, màu da sắc tộc nào, miễn là bổ ích cho tinh thần sống còn trong bản thể.
- Lão giáo thì lặn sâu trong tiềm thức để phăng nguồn vào bản thể vô cực, để hòa điệu với thiên nhiên. - Khổng giáo lại mở rộng ra, cùng nhơn loại bốn biển kết cấu thành một xã hội đại đồng, xây đấp cho cõi đời trở nên hoàn thiện hoàn mỹ, cùng với Tạo Hóa sinh sinh, cùng với loài người tương hệ. Hai đường, kẻ tới người lui, cũng không ngoài mục đích rộng lớn: “Tài thành Thiên địa chi Đạo, Phụ tướng Thiên địa chi nghi”. Đạo học Đông phương đã thấm nhuần trong tâm khảm người Việt, trở nên tư tưởng hệ thâm trầm khoáng đảng, chí công vô tư. Vì lẽ đó mà tại Việt Nam đã sớm xướng lên cái thuyết “Tam giáo đồng nguyên”, bắt đầu từ đời Lý, đời Trần. Tinh thần đồng nhất đã ăn sâu vào tâm lý con người, vào lẽ sống còn ở chỗ tinh thần vô ngã từ bi, không ngoài con đường phục hồi nguyên lý. Nhơn loại hiện nay đương chờ đợi một cứu tinh sáng suốt, bất thiên kim, bất nệ cổ, không ngã theo duy vật, không chấp ở duy tâm. Đó là một tinh thần rộng lớn, bao trùm cả Á, Âu, kim cổ. Tinh thần ấy chỉ được phát sanh ở Việt Nam là nền giáo lý mới. Và giáo lý mới ấy xuất phát từ GIÁO HỘI TRUNG TÔNG ĐẠI ĐẠO. Đường hướng và tôn chỉ của Giáo Hội phải theo giữ đã được minh định bằng cái biểu hiệu “Hỏa Hậu” và sự thờ Tam Giáo để nhắm vào sự tổng hợp và hoàn nguyên bất cứ Đông Tây giáo lý sai thù. Bổn phận người Thiên ân nên xuyên qua tất thảy để tìm cái lẽ chung của Tạo Hóa hầu kết nên một tôn chỉ sự lý viên dung. Đừng chê, đừng khen, đừng trách, như nhìn một bản thể phải đủ ba mặt: Thượng Đế trên hết, chung quanh ta và trong thân ta. Để dung hòa nhiều phương tu của vạn giáo, nói Nhứt nguyên hay Nhị nguyên, độc thần hay phiếm thần, phải tìm cách dung hòa. Đó là sứ mạng! |
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |