Ngày lễ Kỷ-niệm Minh-Lý Đạo Khai,
đêm 26, tháng 11, năm Ất-tị. (D.l, 18 tháng chạp năm 1965) Thưa chư sơn thiền-đức, Thưa chư quí ông, chư quí bà, Thưa chư đạo hữu nam nữ, Hôm nay, Minh-Lý môn sanh tề tựu tại Chùa để thiết lễ cúng “Kỷ-niệm Minh-Lý Đạo khai”, nghĩa là: Lễ ghi nhớ ngày đầu tiên, mà Trời Phật đã chánh thức khai mối đạo “MINH-LÝ”. Năm khai đạo Minh-Lý là năm Giáp Tý (Dương-lịch là năm 1924). Từ năm Giáp-Tý cho tới năm nay là năm Ất-tị (1965), đạo Minh-Lý đã trải qua một thời gian là 41 năm, nghĩa là: Kể từ ngày nay, đạo Minh-Lý bước qua năm thứ 42. Mục đích của cuộc hội hiệp hôm nay là cốt để: 1/ Cầu nguyện Thượng-đế ban ơn lành cho tất cả chúng sanh đặng an hưởng thái bình và mối đạo Minh-Lý đặng diên niên trường cửu. 2/ Tỏ lòng biết ơn các đấng Giáo chủ và chư Phật chư Tiên đã dày công lập thành mối đạo và dắt dìu chúng sanh trên con đường giải thoát. 3/ Hội diện đông đủ, mỗi năm một kỳ, tất cả các đạo hữu Minh-Lý để cùng sum hiệp như bửa cúng giổ tổ tiên trong một gia đình và nhắc nhở nhau về những nguyên tắc tu niệm chơn chánh. Các đạo hữu nên ý thức cái ngày quan trọng này, để mỗi năm về Chùa lo cúng Kỷ-niệm, chớ nên vô cớ bỏ qua, là một tội lỗi đáng trách ! Kế đây, tôi xin nhắc nhở ít điều đại khái về công việc khai đạo buổi ban sơ và dẫn các nguyên tắc lớn tu hành của người đạo Minh-Lý. A.- NGÀY GIỜ KHAI ĐẠO Ngày chúng tôi đặng lịnh khai đàn là ngày 26, tháng 11, năm Giáp-tý (D.L năm 1924, vào lúc 10 giờ tối. Nhưng đến khi khai đàn chánh thức là đã qua 11 giờ khuya (giờ Mậu-tý), nghĩa là: đầu ngày kế là ngày 27 thuộc Bính-tý, tháng 11 cũng thuộc Bính-tý, thì Giáo-chủ mới ban hiệu đạo Minh-Lý. Thế thì Minh-Lý đạo khai, chẳng những trúng vào năm Giáp-tý (1924), mà tháng, ngày, giờ cũng đều thuộc tý cả. Chính là theo Âm-lịch, nhằm:
B.-LÝ DO CHỌN NĂM, THÁNG, NGÀY, GIỜ TÝ ĐỂ KHAI ĐẠO. Quẻ Phục: Đó là một lý do sâu-kín mà Trời Phật không muốn nói rõ ra, có ý muốn cho mọi người tìm mà hiểu lấy. Sau đây tôi xin dẫn sơ ít tài liệu cho các đạo hữu rõ được ý nghĩa, về cái lý sâu kín nói trên. Trong cuốn “Minh-Lý học thuyết ”, tôi có ghi một bài thơ của Thiệu-Khương-Tiết tiên sinh như sau nầy: (Coi cuốn “Hoàng-cực kinh-thế ”) Đông chí tý chi bán, Thiên tâm vô cải di, Nhứt dương sơ động xứ, Vạn vật vị sanh thì. Huyền tửu vị phương đạm, Đại âm thinh chính hi. Thử ngôn như bất tín, Cánh thỉnh vấn Bào-Hi. Nghĩa là: Đông chí vào giữa tý, Thiên tâm mấy thuở sai. Một dương vừa máy động, Muôn vật chửa phôi thai. Rượu huyền còn lạt lẻo, Tiếng nổ mới lai rai. Bằng chẳng tin lời đó, Hỏi Bào-Hi lại coi. (Bào-Hi tức là vua Phục-Hi đã vẽ ra hình Bát-quái). Mỗi năm, vào giữa tháng 11 thuộc tý, nhằm tiết Đông chí (Solstice d’hiver), sau tháng 10 thuộc quẻ thuần khôn (tánh thuần tịnh), một hào dương khí động sanh, tức là quẻ Địa lôi phục . Thiên tâm hiện trở lại lúc nầy. Tuy chưa thấy cái tâm nầy lộ ra hình dáng muôn vật, mà chánh nó là thỉ tổ, là nguồn sanh đầu tiên của muôn vật đó. Lại nói: rượu lạt lẻo (chưa nồng), tiếng lai rai, là có ý nghĩa: Lúc ấy cái thiên tâm mới phát, còn non nớt, chưa có thể dùng (tiềm long vật dụng), ta phải lo ẩn tu, hơn là công khai hành động, rộng mở bên ngoài. - Theo bài thơ nầy, mỗi năm chỉ lo tu có một ngày Đông chí mà thôi sao? - Không phải vậy. Đây nói ngày Đông chí, mà phải biết: năm, tháng, ngày, giờ đều có tý cả. Thỉnh nghe bài thơ sau nầy làm bằng. Niên trung thủ nguyệt, bất dụng niên, Nguyệt trung thử nhựt, nguyệt đồ nhiên. Nhựt trung thủ thời, thời dịch nhựt, Thời trung thủ khắc, nhi huyền huyền. Nghĩa là: Trong năm lấy tháng, chẳng dùng năm, Trong tháng dùng ngày, tháng cũng hoài. Trong bửa (ngày) dùng giờ, giờ thế bửa, Trong giờ lấy khắc, diệu huyền thay ! Thế thì năm, tháng, ngày, giờ đều phải tu, chớ không có bỏ ngày, giờ nào cả ! Phải biết rằng: đây nói tháng 11 ngày Đông-chí, là chỉ lấy một ví dụ mà thôi. Các Đạo-hữu nên hiểu rộng ra, chớ đừng nê chấp mà phải bị mắc kẹt, nghĩa là: chấp nhứt là bất thông. Theo kinh Châu-Dịch, một dương động sanh là Thiên tâm trở lại, ở trong quẻ Địa lôi phục. Tiên Phật truớc không nói gì rõ về việc nầy. Nhưng sau khi tôi chiếu theo năm, tháng, ngày, giờ khai đạo, mà nhận ra cái quẻ Phục rồi, thì Tiên Phật giáng bút sau nầy cũng xác nhận y như thế, cho đó là một cái cẩm nang, ai rõ biết được nó là biết Đạo. Bằng không biết cái quẻ đó, thì người tu huyền công mới do đâu mà hạ thủ? - Xin cho biết cái thiên tâm là cái gì ? - Nói cho đủ chữ là thiên địa chi tâm, nghĩa là: cái tâm ở giữa trời đất, giữa nhựt nguyệt, giữa âm dương, v.v…, cũng gọi là: Huyền tẩn chi môn, Huyền quan nhứt khiếu, là Mồ Kỷ môn, v.v. . . Nếu không nói rõ ra, thì người ta biết đâu mà tu ? Vậy xin nói ngay ra là ý, là sanh-ý, là chơn-ý … Cuốn “Nhập dược cảnh ” có ghi một bài thi về “Ý sở đáo, giai khả vi ” như sau nầy: Thử ý phân minh, tức niệm cầu, Niệm đầu động xứ tiện kham tu. Siêu phàm, nhập thánh, giai do ngã, Chánh thị qui căn, phục mạng thu. Nghĩa là: Ý đó rõ ràng là niệm đầu, Niệm đầu phát động chỗ nên tu. Siêu phàm, nhập thánh, do ta vậy, Phục mạng qui căn ấy công phu. Đủ thấy ! công phu của Tiên gia không phải là ngồi tịnh im lìm, không làm chi hết, mà mong thành Đạo được. Tiên gia căn cứ trên chỗ động đó mà tu, nên có khác hơn các chi phái khác. Đức Trần Hưng Đạo vừa giáng bút có cho một bài trường thiên trong đó có câu: Chủ trương, Lảo tử vô vi, Đem ngay chỗ động, hai nghi trở về. Xin các đạo hữu lưu tâm tìm hiểu chỗ động đó, cần thầy chỉ bảo chỗ động đó mà tu. Ngài cũng dặn thêm rằng: chỗ đó là: Như như, bất diệt, bất sanh, Không ngay vào đó, còn quanh lối nào ? Trên đó là nói về quẻ Địa-Lôi Phục, thuộc về công phu bên trong. Quẻ Tùy Sau nầy là nói về quẻ Trạch-Lôi Tùy, thuộc về phận sự bên ngoài. Thần Tiên có dạy rằng: “Chữ Tùy nghĩa là tương tùng, đi theo nhau. Người nầy tùng người kia. Tùy có hai cách: Tùy hay hoặc tùy dở. “Tùy hay là sao ? “Tùy theo lẽ phải, theo đạo đức là hay. Tùy dở là tùy theo sự quấy, trái lẽ, mà theo phần đông, là tùy theo sở dục, tùy theo đám thân thích của mình, nên mới có ưa, có ghét. Có câu: “Khi ghét đạo hay cũng hóa dở, khi ưa tô điểm méo ra tròn”. “Nếu quẻ Tùy có chữ nguyên (là thiện), tùy mà theo lẽ phải, theo điều thiện thì tốt đẹp. Ta lấy lẽ phải mà tùy người, người cũng lấy lẽ phải mà tùy ta, thì gọi là hanh thông. Tùy mà được đại thiện và thông thuận, thì còn chi hơn nữa ? “Song được nguyên hanh, mà còn phải giữ được lợi trinh. Nếu thông thuận thiên đạo mà không lâu dài, chung thỉ , đâu phải lợi tiện: Đã được lợi tiện, mà không chính đáng, chánh trung, thì cũng không lấy làm thỏa thích. Nên có nguyên hanh, mà còn phải có lợi trinh, được vậy có gì gọi là tội lỗi (vô cựu). “Quẻ đôi Trạch-Lôi Tùy có hai quẻ chiếc hiệp thành: trên là quẻ đoài, có nghĩa là duyệt, là vui đẹp. Dưới là quẻ Chấn, có nghĩa là động, là làm việc nầy việc nọ. Hiệp lại, quẻ nầy có nghĩa là: làm việc chi cho người đặng vui đẹp. “Theo đạo Dịch, dương bao giờ cũng làm chủ âm, nhưng trong quẻ Tùy dương lại tùy thời, mà há nhu (hạ xuống dưới hào âm nhu), nên hào âm đứng trên quẻ ngoài, còn hào dương phải thối hạ ở quẻ trong, cho được tương tùy với nhau, nên nói “động nhi duyệt” . . . Nếu đạo đức có hay, khôn ngoan có lắm, mà không biết tùy thời, thì có ai theo ? “Chữ Tùy lớn lao, to rộng như Trời đất. Mặt trời, mặt trăng, các hành tinh cũng tùy nhau mà luân lưu tuần tự, lúc phải ngày thì sáng, lúc phải đêm thì tối, sáng có mặt trời, tối có trăng sao. Trời đất cũng tùy xuân mà mát, tùy hạ mà nóng, qua thu thì dịu, đến đông lại lạnh. Tùy như vua Thuấn, cũng phải bỏ ý mình mà theo ý dân. Khổng phu tử đại thánh cũng phải “trạch thiện tùy chi”, thì ai tránh được chữ tùy ? “Đã đành ai cũng phải tùy, con tùy cha, vợ tùy chồng, trò tùy thầy, quân tùy tướng, bầy ong theo ong chúa, đoàn kiến theo kiến ràng (kiến chúa), thì ta nên coi đó mà học, mà hành, mà tu, mà dạy. “Ong kiến là loài nhỏ bé, mà còn biết tùy nhau, huống chi đạo làm người của nhơn loại ở thế nầy, mà bỏ chữ Tùy thì trên dưới loạn hàng, ngoài trong hổn độn, nhỏ lớn không trật tự, thì có gì vui đẹp, có gì hạnh phúc ? “Nên quẻ Tùy thuộc về đạo Tùy, mà còn ở ngay thời Tùy nữa, thì thời bây giờ, người quân tử, kẻ hướng đạo phải biết nhún nhường, đê tâm hạ khí, để làm cho được việc là hơn cả. Bởi vậy mà ta phải nghĩ tùy người, tùy đây là thuận sở dục của đời để cho đời vui lòng, mà cùng ta trở về lẽ Đạo. Đó là chỗ gọi “dĩ tánh cầu tình” để sau nầy “dĩ tình qui tánh”. “ Nên biết ta là tánh, người là tình. Trước kia tánh tình là một, song vì giao cảm với hậu thiên, mà tánh ra ngoài, tình lưu dục. Bây giờ cần lấy tánh qui tình, để cùng nhau trở về cội gốc xưa. “Hào đầu của quẻ Tùy ta đứng trước đám đời đen tối, kẻ biết ít, người không biết thì nhiều, ta là người tiên giác phải đánh thức kẻ hậu giác. Dầu mình là Thánh, là Hiền, mà ai có biết mình là Hiền hay Thánh, nên phải hạ mình, hòa quang hổn tục, để gần gũi người, gầy mối thông cảm, dẫn bước đưa đường, cho kẻ còn trôi nổi bến mê ”. Đức Quan-Âm Bồ-tát có giáng bút cho một bài trường thiên, để khuyến khích các đạo hữu, rán lo bổn phận trong lúc nầy. Chư hiền nam nữ gắng từ đây, Lập đức bòn công, được đủ đầy. Để kịp Long hoa vào chiếm bảng, Lánh đời gió bụi, chớ mê say ! Mê say, sao kịp hội nầy ? Ngàn năm đâu dễ gặp Thầy, gặp Tiên. Rán tu thân phận bình yên, Quên mình vì đạo, pháp quyền được trao. Ngọn đèn Minh Lý nêu cao, Sáng soi khắp chốn, ra vào được thông. Ngày mai cõi thế đại đồng, Ngày nay, các đệ mở lòng rộng sâu. Khó khăn chung sức đương đầu, Làm cho tỏ rạng đạo mầu gần xa. Trễ tràng cơ hội trôi qua, Cứu người cũng lở, cứu ta không rồi. May duyên Chánh pháp phục hồi, Mau đi độ thế, cứ ngồi đây sao ? Đoái trông nước non đồng bào, Dạ nào chẳng thảm, lòng nào chẳng thương. Cùng nhau xúm xít lên đường, Phất cờ giống trống, phô trương đạo lành. Để người tỉnh ngộ tu hành, Để đời dẹp bớt cạnh tranh loạn cuồng. Đời nương lấy đạo làm khuôn, Đạo toan giải khổ, dạy khôn cho người. Các hiền đừng quá dễ duôi, Đóng vai sứ mạng, buông xuôi sao đành ? Từ đây, trên dưới thi hành, Công phu, công quả, công trình cố kiên. Nữ nam nội bộ cho liền, Cho ra kẻ Thánh, người Hiền làm gương. Cho giàu sự sống tình thương, Cho đầy đạo đức, phi thường hơn ai. Gái đáng gái, trai đáng trai, Đáng người bồ tát, tương lai chờ mình. Làm sao quyền pháp thành hình, Làm sao tu chứng Viên minh mới là. Con đường giải thoát lần qua, Bên kia bờ giác chẳng xa mấy hồi ! Hễ là cao hạnh, cao ngôi ! Đời nầy là đời mạt kiếp, tai nạn lâm đầu chồng chất. Chúng ta phải nỗ lực lo tu để cứu mình, cứu người. Đó là chữ Tùy của thời nầy, có khác với lúc thái bình an lạc. Xin chư đạo hữu ghi nhớ ! ghi nhớ ! C.- GIẢI NGHĨA HIỆU ĐẠO MINH LÝ Do năm tháng, ngày, giờ khai đạo, mà ta đặng biết: Hành đạo bên trong là ở nội tâm, thì cần biết quẻ Địa – Lội – Phục; còn hành đạo bên ngoài, là đối với nhơn quần xã hội, đối với người cùng một đạo, thì cần biết quẻ Trạch – Lôi – Tùy. Hai quẻ đó là rường cột của đạo Minh Lý, nên các đạo hữu khi nghe giảng sơ ở đây rồi, cần phải tìm hiểu thêm trong kinh Châu Dịch. Nghĩa lý của hai quẻ đó rất áo diệu, ta cần phải nghiền ngẫm, suy tầm bằng tâm lãnh thần hội, chớ lý trí thuộc về phàm chất không thể thông đạt tới việc cao siêu. Đây tôi xin giải hai chữ Minh Lý là căn bổn, là Chủ nhơn ông, để tìm hiểu và thực thi hai quẻ nói trên, cho đúng đạo lý, cho hiệp thời tiết. - Minh Lý nghĩa là gì ? - Theo cuốn “Minh Lý yếu giải ” của đạo Minh Lý, Minh là thông hiểu, nhận thức rõ ràng. Đó là nghĩa thông thường. Theo đạo đức, Minh là: “tự giác nhi giới tự khi ”. “Tự giác” nghĩa là: tự mình tỉnh ngộ, tự mình xét biết trong tâm. Còn “giới tự khi ” nghĩa là: răn chỗ mình dối gạt lấy mình. Nói một cách khác: mình đã biết lẽ phải rồi, thì đừng làm tuồng như không biết, mà cứ lầm lũi theo ý kiến riêng ích kỷ của mình. Nếu chỉ biết mà không chịu tin và làm theo, thì cũng chưa được gọi là Minh. - Còn Lý là nghĩa gì ? - Chữ Lý nầy không phải dùng trí thức, do chỗ ngũ quan nghe biết ở ngoài, mà suy diễn ra. Vì đó là một thứ Lý hẹp hòi, rời rã, tùy sở học, tùy tập quán, tùy dục vọng mà ở mỗi người mỗi khác. Thậm chí, tuy ở một người, mà vì tâm thân biến cải, nên nay vầy mai khác, thay đổi không chừng. Trái lại, Lý nói đây là lẽ phải tuyệt đối, thuộc về tiên thiên, nghĩa là: vốn có tự nhiên trong tâm của mỗi người, làm tiêu biểu cho trăm hạnh nết. Các việc ở ngoài phải căn cứ vào Lý trong tâm, mà nhứt định phải chăng, lành dữ. Trước hành vi thì nó phán đoán, sau hành vi thì nó phê bình. Lý tuy nhứt định đồng cho mọi người, mà không phải ở cứng một chỗ. Sách Nho gọi là: “Định trung nhi vô định”. Bởi nó tùy mỗi trường hợp mà ứng dụng, rất là hoạt bát, viên dung. Hễ phóng ra thì nó tràn đầy sáu hướng, còn thâu lại thì nó rút ẩn vào chỗ kín. Tỉ như lửa trong đá: khi đập đá, bất kỳ ở chỗ nào, thì đều thấy nhoáng lửa, mà chừng thôi đập, thì không biết nó về đâu. - Đức Khổng tử hỏi thầy Tử Cống rằng: “Trò Tử, người tưởng ta học nhiều mà nhớ hết đó chăng ? - Trả lời: Thưa phải, (rồi dựt mình hỏi lại thầy rằng: )như thế có lầm chăng? - Lầm ngay ! Ta lấy một (Lý) mà xét hiểu mọi sự mọi vật. Ngài gọi là “Nhứt dĩ quán chi ”, nên người sau gọi đạo của Ngài là đạo “ Nhứt quán”. Thầy Châu-tử giải thêm rõ rằng: “Thánh nhơn chi tâm, hồn nhiên nhứt Lý, nhi phiếm ứng khúc dáng, dụng các bất đồng”. Nghĩa là: cái tâm của Thánh nhơn chỉ có một Lý bao trùm hết, ứng khắp muôn vật, mà riêng đối với mỗi vật, đều theo lẽ phải cả; công dụng của Nó vào mỗi trường hợp đều là khác nhau. Trong cuốn Bố-cáo của đạo Minh Lý, Tiên Phật có giải nghĩa hai chữ Minh Lý trong bài thơ sau nầy: Đạo là căn bổn, khá tầm mò, Minh mẫn lương tâm cạn xét dò. Lý ấy tánh chơn, vô nhị thị, Giải phân họa phước, chẳng so đo. Chữ “vô nhị thị ” nghĩa là: Chỉ có một lẽ phải, chớ không hai, tức là tuyệt đối rồi. Chữ Lý nói đây tức là Tánh chơn tuyệt đối. Thế thì Lý đồng với chơn tánh, chơn tánh tức là Lý. Cho nên cũng có tiếng kép là Lý tánh (nature raisonnable), hay là Tánh lý( Raison naturelle) mà xưa kia Ông Phạm Quỳnh là chủ nhiệm báo “Nam Phong” ở ngoài Bắc Việt dịch là: Raison mystique, nghĩa là: cái lý huyền bí, sâu kín, ít ai hiểu được. Đạo Nho, đạo Tiên, đạo Phật đều nhìn nhận mỗi con người đều có cái tánh nầy, nhưng mỗi giáo lại đặt tên khác nhau. Nho giáo gọi cái Một ấy là: Thái cực trong kinh Dịch, Đạo tâm trong kinh Thơ, Minh đức trong sách Đại học, Thiên mạng chi tánh trong sách Trung dung, Lương tri, Lương năng, Lương tâm trong sách Mạnh Tử, Nhân trong sách Luận ngữ, Thiên lý trong sách Tánh lý. Đạo giáo gọi cái Một đó là: Cốc thần, Chơn thường, Thiên lương, Chơn tánh, Kim đơn. Lại nói rằng: “Thiên đắc nhứt dĩ thanh, địa đắc nhứt dĩ ninh, thần đắc nhứt dĩ linh”. Phật giáo gọi cái Một đó là: Chơn như, Phật tánh, Nguơn minh diệu tâm, Như lai tạng, Bạch tịnh thức, Pháp thân, Xá lợi, Viên giác, v.v. . . Kinh Phật có câu: “Tâm Phật cập chúng sanh, thị tam vô sai biệt ”. Lại nói: “Giải nhứt tức thiên tùng, mê nhứt tức vạn hoặc ”. Thế thì, tuy cũng đồng một chơn lý, mà cái chơn lý ấy biến ra thiên hình vạn trạng, ta phải tìm xét cho thấu đến chỗ đó, thì mới khỏi sai đường lạc nẽo, lập phái chia phe, có hại đến nền hạnh phúc của nhơn loại. Trong cuốn Qui Nguơn của nhà Phật, có một bài thơ xưa, tôi xin tạm dịch ra sau nầy: Trên non, nhập tịnh, ý thầm lo, Hồng tía nhiều màu loạn sắc nhu. Phải biết tiên thiên duy một Lý, Cốc thần, Thái cực, ấy Chơn như. - Hỏi: Cái Lý tánh nói đây, gọi tắt là Lý, có khác với cái Thiên địa chi tâm ở trong kinh Dịch nói trước kia không ? - Đáp: Bản thể của “Lý tánh” và “Thiên địa chi tâm”, thì không có gì khác nhau. Có khác nhau chăng, là khác ở thời kỳ. Tôi có thể nói: Cái “Thiên địa chi tâm” là cái tâm mới phát, chưa được vững vàng (rồng còn ở vực sâu), nhưng ta phải bắt từ đó mà tu, để đi lần lần lên. Như trong quẻ Kiền có sáu hào, bắt đầu từ hào sơ cửu dương khí còn yếu mà tu dưỡng, để phát triển lên mãi mãi, tột cao là hào thượng cửu, cho đến hào giả lập là hào dụng cửu, đặng “quần long vô thủ”, nghĩa là: bầy rồng mà không thấy đầu, mới là mục đích cứu cánh, đặng hoàn toàn Lý tánh (kinh Dịch gọi là Thiên đức) [1], mới là chứng quả Tiên Phật. Sáu hào nầy kiêm bốn đức tánh của quẻ Kiền, là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Tôi có thể nói: Thiên địa chi tâm là nguyên. Nguyên có nghĩa là đầu, là cả, là trước tiên. Phải trải qua đức Hanh, đức Lợi, rồi tới đức Trinh, mới là đặng kết quả cứu cánh. Đây tôi xin đọc câu kinh Châu Dịch của Ơn Trên giải về bốn đức tánh đó: “Nguyên” đức lớn, dựng ngôi tánh mạng (hiệp thần khí), “Hanh” đức thông, rỡ rạng tồn sanh (nảy nở, sanh sôi), “Lợi” nên, thuần thục hoàn thành (đơm bông, kết quả), “Trinh” bền kết thúc, giống lành y nhiên. Cái đạo Kiền hay là thiên đạo, tỉ như hột giống. Mùa xuân ta gieo nó xuống đất, nhờ sanh khí mà nảy mầm nứt mộng, vọt lên khỏi mặt đất. Mùa hạ, cái mầm non kia thành ra cây lớn, đâm ra nhành lá sum suê, vô cùng mạnh mẽ. Sang qua mùa thu, nó đơm hoa, kết quả, giúp cho đời nhờ chung. Chừng tới mùa đông, công phu của nó đã thành tựu, trở lại hột giống lành y như thuở xưa (phản bổn huờn nguyên). Đó là ý nghĩa câu chót ở vé trên kia. “Trinh” bền kết thúc, giống lành y nhiên. Cây cối có thể huờn nguyên, nghĩa là: trở lại gốc xưa được, thì con người linh hơn muôn vật, lẽ nào không bằng cây cỏ sao ? Không có cái lý đó! Bất quá là ta không biết phương pháp chánh, để đi tới mục đích cứu cánh của Đạo đó thôi. Đạo Minh Lý có cái sứ mạng để dắt dìu chúng sanh để đi tới cái kết quả tốt đẹp ấy. Nhưng kết quả cũng không chẳng phải do các bực truyền Đạo, mà cũng do nơi các đạo hữu dụng công, hết lòng cùng không hết lòng tu đúng chánh pháp cùng không đúng mà thôi. D – GIẢI NGHĨA HIỆU CHÙA TAM-TÔNG MIẾU Tam-Tông đây là: Tam Tông-giáo nói tắt, cũng như Minh Lý là Minh Lý tánh nói tắt vậy. Ở Đông Nam Á có sản xuất ba tông giáo lớn, là: đạo Thánh, đạo Tiên, đạo Phật. Tam-Tông Miếu là đền thờ ba tông giáo lớn nói trên. - Có người hỏi: Một giáo mà học còn chưa kham, làm sao học hết cả ba giáo ? - Chẳng phải chúng tôi học hết cả ba giáo. - Tại sao mà thờ luôn cả ba ? - Chúng tôi sưu tầm các tài liệu thuộc về ba giáo, rồi chọn riêng sở trường của mỗi giáo mà học, chớ không phải học hết giáo lý của ba giáo. Về Phật giáo, sở trường là tu tánh. Về Đạo giáo, sở trường là luyện mạng. Về Nho giáo, sở trường là luân lý. Chúng tôi hiệp ba cái sở trường nói trên, chia ra ba lớp học, rồi bỏ hình thức ra ngoài, để tìm cái Thiên tâm, Lý tánh nói trên, gọi là “Tam giáo qui nguyên”. Cũng như cái vòng tròn, không phải đứng ở ngoài châu vi mà dòm về trung ương, phải tìm đến gốc Đạo ở trung ương, đứng tại Bản thể mà ngó ra ngoài, thì không còn thấy chi chẳng liên lạc cùng nhau. Vậy Minh Lý đạo ban sơ do Tam giáo mà lập thành, nhưng tới thời kỳ qui nguyên, Minh Lý đạo là Trung đạo, là Trung tông, chớ không còn phải là Nho giáo, Đạo giáo hay là Thíc giáo nữa. Đủ thấy, học đạo Minh Lý chẳng phải khó khăn, phiền phức gì, như người ta lầm tưởng, mà trái lại có phần giản dị hơn xưa, vì rốt cuộc chỉ học một chữ Tâm mà thôi. Ba thời kỳ nầy cũng đặng tượng trưng cái đèn hỏa hậu của đạo Minh Lý, đốt nhân dịp lễ Kỷ niệm nầy, để nhắc nhở cái nguyên tắc lớn đó. Từng ngoài, có ba vòng tròn lớn: vàng, xanh, đỏ tượng trưng cho Tam giáo ở thời kỳ thứ nhứt. Từng kế trong, có cái hình tam giác, tuy tam giác đồng một màu trắng, ý nói đồng một bản thể, mà còn thấy hình ba góc, nghĩa là cũng còn có chỗ phân biệt nhau, là thời kỳ thứ nhì. Đến từng chót ở chính giữa trung ương, chỉ có cái hình vòng tròn nhỏ, tượng trưng cho Thiên tâm, cho Phật tánh, không có hình tướng, không có ranh hạn, trải khắp mười phương mà không ở đâu có (Nho gọi là: vô tại nhi vô hồ bất tại). Nhơn loại đi tới đó, mới có thể đồng nhứt với nhau, mà không còn xâu xé, tranh đua bỉ thử với nhau nữa, mới là mong đi tới cảnh hòa bình thiệt thọ, vĩnh viễn, cùng hưởng hạnh phúc muôn đời. Muốn đạt tới mục đích đó, về phần nhơn đạo, thì đạo Minh Lý chỉ dùng tình thương và lẽ thật, không hay tranh giành, mà chỉ tùy sức làm lợi thiên hạ. Thỉnh xem năm bộ kinh của đạo Minh Lý do Thần Tiên giáng bút theo thời kỳ nầy: 1/ Bố cáo, 2/ Sám hối, 3/ Nhựt tụng, 4/ Giác thế, 5/ Tịnh nghiệp vản. và các kinh sách xưa khác, đã dịch và in ra phổ thông khắp trong dân gian, như Minh Lý yếu giải, Nhị thập tứ điều, Dưỡng Chơn tập, Thiền pháp yếu giải, Chỉ quán tọa thiền, Đạo Đức kinh, v.v. . . Về phần thiên đạo thì đạo Minh Lý lấy bài Qui y tăng làm căn bổn , các quyết tu luyện, đại ý gom trong bài Tam ngũ nhứt sau nầy: Tam, Ngũ, nhứt dô tam cá tự, Cổ kim minh giả định nhiên hi. Đông tam, nam nhị, đông thành ngũ, Bắc nhứt, tây phương, tứ cộng chi. Mồ kỉ tư cư sanh số ngũ, Tam gia tương kiến kiết anh nhi. Anh nhi thị Nhứt hàm chơn khí, Thập ngoạt thai viên, nhập thánh ki. Nghĩa là: Nhứt, tam, ngũ là ba số nầy, Xưa nay hiểu được ít người thay ! Đông tam, nam nhị, hiệp thanh ngũ, Bắc nhứt, tây tư cộng cũng vầy. Mồ Kỉ một ngôi sanh số ngũ, Ba nhà gặp gỡ kết anh nhi. Anh nhi là Một, gom chơn khí, Mười tháng thai thành ngự thánh đài. Đại khái, bài thơ nầy nói: Phải hiệp ngũ hành, tam gia, gom lại làm một gọi là Anh nhi (tức là Thái cực), mới mong đặng thành Đạo. Kinh Dịch lại nói: “Nhứt âm, nhứt dương chi vị Đạo”, nghĩa là: Đạo không ra ngoài hai khí âm dương hiệp nhứt. Thế thì Chánh pháp tu hành là phải bắt từ ngoài mà đi vào trong, gom nhiều sai biệt để trở lại cái Một mới là thấy được chỗ mầu nhiệm của Đạo, của Chơn lý, là thấy được Thượng Đế trong tâm mình. Trái lại, những người xu hướng ra ngoài, theo hình tướng sai biệt nhiều chừng nào, lại càng thêm thất vọng nhiều chừng nấy ! Khi thành Đạo rồi, thì tâm ta và Thượng Đế không phải là hai, nghĩa là: có một mà thôi. Do Ngôi Một đó mà chánh pháp đặng giữ vững, do Ngôi Một đó mà sanh dục muôn loài. Cho nên nói: Một là tất cả, tất cả là Một. D.- KẾT LUẬN Các tông giáo đều thờ Ngôi Một đó, có khác nhau chăng là ở hình thức bề ngoài, ở danh từ kêu gọi, ở cách lập luận. Xin các đạo hữu chớ nê chấp hình thức, danh từ, luận thuyết, mà quên Bản thể là Ngôi Một, là Thần Lẽ thật ở trong thâm tâm của mỗi người. Dầu cho Phật giáo thường nói đến Bản thể, mà ít nói về Ngôi Một, nhưng phái Mật giáo cũng nhìn nhận một vị Phật tối cao là A-Đề-Phật (Adi-boudha) thống lãnh tất cả chư Phật, Bồ tát. Chúng sanh có biết rằng ai cũng do một gốc là Thượng đế, là cha chung, thì cũng như anh em cùng chung một gia đình ruột thịt với nhau, thì có lý nào lại chia rẽ, hiềm thù, giết chóc lẫn nhau. Có biết như thế mới có tình thương yêu lẫn nhau, nương nhờ cùng nhau, để đi tìm một hạnh phúc chung cho nhau. Thế thì đại đồng là hòa bình thế giới, là Cực lạc Niết bàn ở cõi thế gian nầy vậy. Các đạo hữu nên chú ý: Đạo Minh Lý lấy đại đồng làm mục đích cứu cánh. Ước mong ai nấy đều lưu ý đến thuyết đại đồng, là nòng cốt của Đạo, mà đừng chấp các chỗ hiểu riêng thuộc về chi tiết, các sự phiền trách nhỏ nhen vụn vặt, thì có lo gì là chúng ta không đi đến cảnh Trời Nghiêu đất Thuấn, hạnh phúc yên vui. Phải đó là nghĩa câu sau chót trong bài kinh cầu nguyện của đạo Minh Lý chăng ? Ngàn năm một thuở thanh bình, Trời Nghiêu, đất Thuấn vạn sinh cộng đồng. (Cộng đồng nói đây tức là đại đồng vậy). Trước khi dứt bài giảng hôm nay, tôi xin mời chư quí ông, chư quí bà và chư đạo hữu nam nữđồng đứng dậy, để tâm thanh tịnh một phút mà mặc nhiên hộ niệm chúng tôi bằng những câu sau nầy: Minh Lý hoằng khai, Tam tông trường cửu, Thế giái hòa bình. Nhứt thiết sanh linh, tề thành Đại Đạo. Xin đa tạ chư quí vị và cung thỉnh 15 phút sau lên làm lễ Cầu Nguyện tại Chánh điện. Rất lòng thành tín NGUYỄN MINH THIỆN [1] Kinh Dịch có câu : “Dụng cửu, Thiên đức bất khả vi thủ dã”. Nghĩa là : Hào dụng cửu (là Trung đạo) tức là đức của Trời, không thể nào mà thấy đầu của bầy rồng.
0 Comments
Leave a Reply. |
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |