Hướng đến Kỷ niệm 100 năm Minh Lý Đạo Khai, Môn sanh Minh Lý cùng dặn lòng tưởng nhớ về những năm tháng đầu khai đạo với những lời dạy ân cần từ các Đấng Thiêng liêng đến các bậc tiền khai trong công cuộc xây dựng một nền tân pháp trong kỳ phổ độ lần thứ ba.
Đạo Minh Lý thờ Thượng Đế và Tam Giáo Đạo Chủ, là: Tây Phương Phật Tổ hay Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Tuyên Khổng Thánh hay Đức Khổng Phu Tử, Thái Thượng Lão Quân hay Đức Lão Tử; và nghiên cứu cả ba giáo lý xưa của Thích, Đạo, Nho, để làm nền tảng cho Đạo Minh Lý. Do đó mà Kinh luận Minh Lý bao gồm tinh hoa của Tam giáo, lời dạy từ Thiêng liêng hầu giúp cho người tu đạt đến cứu cánh là song tu tánh mạng, hoàn thành sứ mạng tự độ và độ tha, mang tình thương lẽ thật đến với vạn vật. Về Thế Đạo, Minh Lý lấy con người làm đích chánh. Người là đại diện của Trời Đất, giữ mối tương quan, làm cho sáng tỏ và rộng bày Đại Đạo. Kinh xưa có dạy: Con người có tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng Thiên địa chi nghi. (Nghĩa là: Con người thễ theo Đạo Trời đất mà cắt xén cho mọi việc được thành tựu, thay Trời đất giúp dân đặng tiện nghi hạnh phúc) Sứ mạng con người là như thế, nhưng tại sao chúng ta gặp hôm nay một hoàn cảnh rất đen tối, thù ghét nhau, mâu thuẩn đến tiêu diệt lẫn nhau? Đó là con người bị ám ảnh bởi lòng tham dục, về một tương lai hão huyền mà say đắm với hoàn cảnh, nên gây ra biết bao sự đổ nát hư hại không đáng có, làm cho đất bằng sóng dậy chẳng có hồi kết. Hiểu là như vậy, thì việc tối quan trọng trong thời kỳ này là phải có những con người lành mạnh tượng trưng, đủ trí tuệ, đủ từ tâm, mới có thể đặt tay vào đời để có thể tái tạo lại cuộc sống nhân bản. Muốn có con người ấy, không phải học giỏi tài cao mà ra gánh đời độ chúng được. Muốn đòi hỏi cho đời được trở nên thanh bình thánh đức, phải có con người chơn tu, chứng đạo, nội thánh ngoại vương, tự giải thoát được thân, để giải cứu loài người ra ngoài đau khổ. Về Thiên đạo, Minh Lý nhìn nhận mỗi người đều có Lý tánh tối thiêng liêng, cái Bác nhã Chơn tâm bất sanh bất diệt, ngang cùng Trời Đất, hoặc gọi là Minh Đức, Minh tánh, Minh giác, v.v... làm căn bản cho sự tu thân. Cho nên bề trên có dạy: Minh Lý tánh, minh tâm kiến tánh, Đạo Tam Tông, thọ lãnh hóa hoằng. Nhưng khó ở chỗ nhìn rõ được cái Lý tánh nói trên. Chết tại đó mà sống cũng tại đó, nên gọi chỗ đó là cửa Sanh Tử. Nhưng làm sao minh được Lý tánh? Làm sao có được con người đủ sự sáng suốt, đủ chơn thanh tịnh để có thể tự giải thoát và khế hợp cùng trời cứu nhơn độ thế? Kính thưa quý vị, Trong phạm vi của bài nói chuyện hôm nay, tôi xin phép được đề cập đến SÁM HỐI và TU THÂN, một phép tu cơ bản và vô cùng thiết yếu mà Ơn trên đã ban dạy và thường xuyên nhắc nhở MLMS trong suốt các chặng đường từ Chỉnh cơ lập pháp đến Khai cơ giáo pháp để chuyển cơ thành đạo, hầu đưa con thuyền từ đến bờ bến giác, hầu có thể hoàn thành sứ mạng thế đạo và thiên đạo mà Ơn trên đã chỉ dạy. Sám hối và Tu thân có mối liên hệ cảm ứng lẫn nhau giúp cho hành giả trên con đường tu tập tiến hóa. Sám hối để gột rửa thân tâm, giải nghiệp tiền khiên, giữ tròn giới luật, gìn tâm thanh tịnh, làm nền tảng cho bước đường công phu tu tiến. Tu thân giúp cho hành giả thêm kiên định đức tin, vững vàng kềm giữ thân tâm trước sự lôi cuốn của vật dục hầu tiến lên quả chơn định, để tiến đến minh minh đức. Xem thêm
Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy Minh Lý môn sanh phải thấu rõ yếu quyết của Minh Lý Đạo là tu Bồ Tát Hạnh, qua đó mà hành trì Pháp Môn Đại Thừa. Muốn hành trì Pháp Môn Đại Thừa trước hết phải thành tâm phát nguyện và trì tâm sám hối. - Phát tâm cầu Chánh Pháp Đại Thừa: Phát nguyện tu tập Tứ Vô Lượng tâm để Tâm không đắm nhiễm, Tâm không tham cầu, Tâm không riêng cho thân, cho nhà, mà phải có lượng lớn bao dung để hành trì pháp đạo, khỏi bị phạm Thiên Điều. Nguyện xóa hận thù, bất bình, oan khúc, khéo dằn tâm nhẫn nhục từ hòa, vị tha quên mình. Phải diệt sạch tam nghiệp do thân, khẩu, ý gây ra. - Phát tâm Sám hối để sửa mình, tẩy tâm tiến đức, đoạn não phiền nghiệp lực tạp căn, giải tiền khiên oan báo nhiều đời, để vẹt mây mù bao vây cái bản thể Chơn Tâm, cản trở con đường tiến tu của hành giả. Bác Nhã Chơn Tâm khi được hiển hiện sẽ soi rọi cho hành giả càng vững vàng. Từ đó, phát Bồ đề tâm dũng mãnh diệt trừ những đen tối, ô uế của chính cái tâm mình như là lòng tham, sự ích kỷ, đố kỵ, hơn thua và lòng thù hận để đón nhận sự thanh tịnh và tự tại. Ơn Trên có răn dạy: “Từ xưa nay, các hiền cũng thấy biết bao kẻ đã tiến lên hầu gần đạt Đạo, song vì nghiệp chướng mà nửa đường buông xuôi, ngã gục, trở lại đầu hàng con ma tội lỗi, chẳng phải ít đâu! Để tránh các sự trở ngại lớn lao cho mình tiến đạo, cho đạo hoằng khai, thì chỉ có một phép Sám Hối mà thôi”. Vì sao phải sám hối? Con người vì vô minh nghiệp chướng mà lầm đường lạc lối qua nhiều kiếp sống, gặp bao trở ngại trên bước làm người, lập chí tu học. Nghiệp chướng đã ràng buộc thân phận rồi, thì trên đường tu thân để nên Thánh, nên Hiền cũng khó được, bởi oan trái kia luôn luôn ám ảnh buộc ràng, cản bước người tu trên con đường tiến hóa. Tiên Phật dạy người tu phải có tâm thiết tha giải hóa hận thù, ân oán, phát tâm sám hối gội sạch nghiệp tiền khiên. Dù mình có muốn giải thoát suôn sẻ đâu phải dễ dàng. Khi đã giết một con thú, làm một việc bất lương thì nghiệp quả cũng đủ trở ngại cho chúng ta trên con đường tu tập. Phương chi mỗi người, dầu ít dầu nhiều, cũng kết buộc oan gia với ngạ quỷ, với súc sanh, với tình ái ân trong gia đình, xã hội… Qua đó, chúng ta có thể nhận ra rằng không ai trong chúng ta được sanh ra đã là người hoàn hảo. Ngược lại, mỗi chúng ta được sanh ra đều có nhiều lớp bụi bẩn bám chặt do chính chúng ta đã tạo ra mà nay chúng ta có bổn phận phải tự lau chùi, tắm gội thật nhiều lần hầu lớp áo sau cùng có thể nhuộm màu đạo trong muôn một. Màu đạo trong sáng trong tâm sẽ phát ra một ý chí quyết tâm sám hối kiên định. Ngoài ý chí kiên định của người tu, cũng phải nhờ đến tha lực của Phật Trời, luôn luôn lân mẫn dắt dìu, ám trợ đường tu. Nhờ thầy sáng bạn lành nương nhau mà giải thoát. Thế nào là sám hối? Đức Huệ Năng Lục Tổ là ông Tổ thứ sáu của phái Thiền Tông, có gọi các môn đệ mà hỏi rằng: “Sao gọi là sám? Sao gọi là hối?”. Sám là khai tội trước của mình đã phạm từ trước, các phần ác nghiệp thuộc về u mê, dối gạt, tật đố, nay đều khai ra hết cả, đời đời chẳng còn gây ra nữa. Hối là chừa bỏ lỗi sau, từ này về sau, các phần ác nghiệp thuộc thuộc về ngu mê, dối gạt, tật đố, nay đã tỉnh ngộ biết rồi, đời đời quyết đoạn dứt hết, không còn tái phạm. Cho nên gọi là “sám hối”. Kỳ thiệt, hai chữ đồng có một nghĩa mà thôi. Nói ngắn gọn thì sám hối là chừa cải lỗi xưa, không tạo gây lỗi mới. Sám hối là “ăn năn chừa bỏ”, đây là trọng tâm của sự sám hối. Nhưng nếu cứ thường xuyên phạm tội, rồi thường xuyên sám hối, lại phạm tội lại sám hối, như vậy không còn ý nghĩa và không phải là phương pháp sám hối tích cực. Sám hối là nhận ra thân hành động sai, lời nói không khéo, ý buông lung niệm ác, nay nhận ra lỗi lầm của mình, tha thiết hối lỗi quyết không tái phạm. Sám hối có nghĩa là: gột rửa thân tâm được sạch sẽ, nhẹ nhàng khoẻ khoắn. Thân bị lấm lem, nhơ bẩn, nặng nề, sanh ghẻ chốc, cần được vệ sinh tắm rửa buổi sớm buổi chiều. Áo quần tẩy giặt cho sạch, đừng bận mãi, mồ hôi bụi bậm bám vào. Muốn giặt áo quần cho sạch, đó là chánh duyên. Muốn giặt cho sạch thì phải có xà phòng, thuốc tẩy, là trợ duyên làm sạch áo quần, mới ra hết bụi, mới khỏi mồ hôi thối bẩn. Nước là trợ duyên làm cho thân gội tắm và áo quần đều được sạch. Đó là sám hối phần ngoài. Còn bên trong tâm, cần có sự nỗ lực tỏ rõ ăn năn, phải có chí dẻo dai, mạnh mẽ khử trừ tội lỗi mà mình đã tạo tác. Phải khơi ngọn đèn trí tuệ ở lòng mình cho tỏ sáng để phân biệt phải trái rõ ràng, ngăn ngừa tham dục, vun trồng công đức. Ngoài ý chí của nội lực, người tu cần phải nhờ pháp, nhờ quyền, nhờ Thầy, nhờ bạn, nhờ kinh, nhờ giới luật làm hướng đạo, mới ra khỏi chỗ tối tăm, địa ngục khổ đau. Sám hối không phải là lúc nào cũng tự nghĩ về những tội lỗi đã gây ra trong quá khứ. Sám hối càng không phải chỉ dành thời gian để buồn bã cho số phận mà sám hối là cho chúng ta một cơ hội để nhận ra nhân xấu của quá khứ để chấp nhận cái quả trong hiện tại và sống có ý nghĩa hơn so với quãng đời mà chúng ta đã bước qua. Ai cũng có nhiều điều phải hối tiếc khi nhìn lại quá khứ. Tuy nhiên, những hối tiếc ấy chỉ có giá trị khi chúng giúp chúng ta sống cuộc đời mình trong phút giây hiện tại và tương lai sao cho không phải lặp lại những lỡ lầm đáng tiếc ấy nữa. Như thế, sám hối không phải là một phương tu để hành giả có thể làm trong một sớm một chiều mà có thể giải quyết cho tất cả. Sám hối là một tiến trình mà người ta phải thực hiện liên tục trong cuộc đời tu học của mình. Mỗi lần sám hối là mỗi lần trí sáng lại được khai mở. Thân tâm lại thêm một lần được giải phóng khỏi cái ách nặng nề của quá khứ. Nhờ đó mà tâm thức của hành giả dần chuyển hóa và hướng đến sự giác ngộ. Trong phép Chơn Sám Hối, Kinh xưa dạy khi đã biết tội lỗi rồi thì không nên tưởng lâu tới tội lỗi đó nữa mà có hại cho tâm đức. Vì nếu chú ý hoài đến sự lầm lạc, e sự lầm lạc vấn vương mãi trong lòng. Vậy thì nên làm sao để được giải thoát? - Người tu cần phải suy gẫm tới gốc của tội lỗi, mới biết tội lỗi là huyễn hư, lý tánh mới là chơn thiệt. Làm như vậy mới thiệt là hữu ích. Lý tánh trước kia vốn là trống rỗng, chẳng có vật chi trong đó hết. Tội chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, cũng chẳng phải ở giữa. Bổn lai của nó vẫn là không, chỉ do tâm tạo nhân duyên điên đảo mà có. Phép xét này gọi là “quán tội tánh không” nghĩa là xét cái tánh của tội lỗi không phải thiệt có. Vậy muốn bỏ tội ác thì cứ xa rời những nhân duyên điên đảo ở ngoài là xong. Xa rời bằng cách không để cho những nhân ấy làm rối loạn tâm điền, rồi sau mới có thể phát triển các đức lành tốt sẵn có trong Lý Tánh. Kinh Phổ Hiền Quán dạy rằng: “Nhược dục sám hối giả, đoan tọa quá thiệt tướng, tội nghiệp như sương lộ, Phật nhựt năng tiêu trừ”. Nghĩa là: Bằng muốn sám hối, ngồi ngay thẳng, xét tưởng tướng chơn thiệt là lý tánh, tội nghiệp như sương mù, mặt nhựt của Phật sẽ làm tiêu hết. Vậy thì phép Sám Hối cũng phải căn cứ vào Lý Tánh, mới có hiệu quả thiệt tốt. Lý Tánh càng rõ ràng chừng nào, thì tội ác tiêu mau chừng nấy. Tỷ như sương móc gặp mặt trời mọc lên thì liền phải tiêu, chẳng cần có ý trừ bỏ. Phép Sám Hối này ở trong Lý Tánh của mình phát ra, chớ chẳng phải việc làm hình thức bề ngoài, nên gọi là vô tướng sám hối. Sám Hối và Tu thân Dù đã sám hối với thái độ vô cùng ăn năn hối lỗi và quyết tâm không lặp lại những hành động cũ, nhưng vào một lúc nào đó chúng ta sẽ không tránh được việc lặp lại sai lầm trước đây, chúng ta sẽ dễ rơi vào trạng thái phán xét và dằn vặt chính mình. Nếu chưa đi vào con đường tu tập để quyết tâm giác ngộ thì những thói quen cũ, tập quán cũ của chúng ta sẽ không thay đổi gì vì nghiệp lực sâu dày từ vô thỉ dồn nén, chất chồng muôn ngàn tội lỗi. Ngay khi đang tu tập, chúng ta cũng chưa thể sửa đổi ngay lập tức thói quen này do tích tụ nghiệp nhiều đời quá khứ. Cuốn Tu Chính Nghĩa của phái Tào Động nói: “Nghiệp dữ trong ba đời, tuy mình phải gánh chịu (theo luật nhân quả), nhưng ai hay sám hối, thì nghiệp nặng cũng ra nhẹ, hay là được tiêu diệt luôn”. Cho nên biết chắc công dụng của phép Sám Hối là lớn lắm. Nhưng đó chẳng qua là một phép tiêu cực, nghĩa là bớt lầm lạc, tiêu tội ác mà thôi. Vì sao nói như vậy? Cái tâm của ta cũng như miếng đất của người làm vườn. Phải cần lo nhổ cỏ, dọn đất. Khi nhổ cỏ dọn đất rồi, phải lo vun vén gieo giống lành sẵn có, thì nó mới kịp nẩy mầm, đâm chồi phát triển lên được. Bằng không cỏ kia sẽ mọc lại, giống lành sẽ không có cơ hội để hiển hiện. Giống lành ở đây chính là công đức do sự tu thân mà có. Hột giống lành lúc mới mọc cái mầm còn yếu, thì phải trông nom nó luôn. Đến khi cây lớn, cành lá xum xuê rồi, thì cỏ kia mới không làm hại nó được nữa. Sám hối và công đức cũng quan hệ vớí nhau như thế đó: Sám hối rồi phải lập công đức. Ban đầu, phải sám hối nhiều để giải oan chi, nghiệp chướng, cũng như nhổ cỏ. Đến sau, lập công đức khá rồi, lý tánh đã hiện rõ ràng, cũng như cây lớn, thì tội lỗi không còn lôi cuốn ta được, tự nhiên sự sám hối cũng theo đó mà dứt. Đức Lục Tổ dạy công đức nói ở đây chỉ tự thấy ở trong tự tánh mà thôi, chớ không phải tìm cầu ở trong việc bố thí, cúng dường. Cho nên công đức khác với phước đức. Cứ theo lời dạy trên: tự mình tu tánh ở trong gọi là công, rồi do công ấy phát diệu dụng ra ngoài gọi là đức, nghĩa là mỗi công việc làm phải thuận lý, tự nhiên theo mệnh lệnh của tự tánh. Công đức này gọi là vô lậu tánh công đức. Vậy muốn giải thoát kiếp sanh tử luân hồi, là cần phải học Đạo. Mà muốn học Đạo, phải có chí cương quyết, dẻo dai, để có sự sáng suốt nhận ra điều phải trái, thấu hiểu luật nhân quả qua bao kiếp. Muốn nên hiền nên thánh, gốc ở lòng được thung dung thanh tịnh. Mà thung dung thanh tịnh, là nhờ xả khước mọi trần tình, đoạn sạch oan gia trái chủ. Oan gia trái chủ không còn quấy nhiễu ở ta, là nhờ nhiều phen sám hối. Muốn đạt đến chỗ tâm thanh tịnh thì phải tu thân để ngăn ngừa lục dục, thất tình quấy nhiễu làm loạn động Tam bửu, Ngũ hành. Tam bửu Ngũ hành bị dấy động sẽ gây hư hại tâm, can, tỳ, phế, thận; làm cho thân thể suy yếu, cản trở bước đường tu. Để ngăn ngừa lục dục, thất tình khuấy động thì căn bản, ngoài việc công phu thiền định, còn phải trì hành giới luật và siêng năng sám hối. Sám hối kiểm điểm hằng ngày rồi dốc lòng tỉnh sát và khắc trị để tiêu trừ tội lỗi và bảo đảm việc hành trì giới luật được tinh nghiêm, tạo thành trì vững chắc bảo vệ cho sáu căn thanh tịnh, tâm thần an định. Sám hối và Tu thân để tiến đến minh Lý Tánh . Tu thân là sửa chữa bản thân mình cho được ngay chánh, hợp theo đạo đức. Sám hối để luôn xét nét lấy chính mình, trì tâm ăn năn chừa lỗi đã gây ra, tu thân để minh cái Lý Tánh đã bi lu mờ để ngọn đèn huệ thắp sáng tâm điền, thông suốt mọi lẽ. Trong Bát Điều Mục của Nho giáo thì tu thân là trung tâm điểm, nên quan trọng hơn tất cả. Muốn tu thân, phải Cách vật, Trí tri, Thành ý và Chánh tâm. Tu thân được rồi thì mới có thể Tề gia, Trị quốc và Bình thiên hạ. Bốn điều mục trước là điều kiện để tu thân và ba điều mục sau là hệ quả của việc tu thân. Đó cũng là ý nghĩa của tự độ và độ tha. Trong đó, cách vật, trí tri là hai phương pháp thần diệu để gỡ màn che Lý Tánh và làm cho nó hiện ra rõ ràng. Lý Tánh sáng tỏ sẽ giúp người tu nhận ra điều trái phải. Cách vật, trí tri là công phu ban đầu nhưng chính là hai yếu điểm của chánh đạo. Các công phu khác đều là phụ thuộc vào đó cả. Nếu hai việc đó mà hiểu sai đi một li, thì các việc làm sau trật không biết mấy ngàn dặm. Ai muốn tu thân cho chín chắn, thì nên tìm hiểu biết nghĩa chơn chánh của nó. Minh Lý Yếu Giải có giải thích như sau: Cách vật nghĩa là đừng cho sự vật chi phối tâm mình, lúc nào cũng phải chống trả với tình tham dục, sự bất chánh. Nói cho đủ chữ là cách vật dục, nghĩa là trừ bỏ lòng ham muốn theo sự vật. Kinh Nhạc ký nói: “Vật chi cảm nhơn vô cùng, nhi nhơn chi háo ố vô tiết, tắc thị vật chí nhi nhơn hóa vật giả dã, diệt thiên lý nhi cùng nhơn dục giả dã”. Nghĩa là: Vật chất cảm động người ta không biết đâu là cùng. Nếu người ta quen thói ưa ghét không chừng, thì khi gặp vật dục, ắt bị vật dục lôi cuốn. Người chạy theo vật dục thì lương tri sẽ không còn, nhơn dục sẽ nổi sóng. Nếu còn lòng tham chấp vật nào, thì lương tri bị món vật đó ám mờ. Ban đầu, lương tri giong ruổi theo vật. Rốt cuộc, món vật che khuất lương tri. Đó là thường tình của người ta, ai ai cũng vậy. Dẫu người có trí uyên bác cũng khó tránh khỏi sự che lấp của nó. Thế lực của vật dục và lương tri đối chọi với nhau, một còn một mất, không thể đứng chung cùng nhau. Hễ dẹp vật dục thì đặng lương tri sáng suốt, còn giữ vật dục thì mất đi lương tri sáng suốt. Cho nên muốn trí tri tất nhiên trước hết phải cách vật (dục). Trí tri nghĩa là phát triển lương tri, làm cho nó đặng trọn sáng suốt. Muốn trí tri, có chi hay hơn là suy ngẫm, xét nét cho một bổn tánh lương tri. Hay là nói một cách khác: thường lấy tánh lương tri mà xét nét, và mình phải có ý chí tỉnh ngộ, tự cường mới được. Nếu cứ theo tập quán cũ, lấy bản ngã (tức là tánh khí chất) mà xem xét, thì con người không bao giờ đặng giải thoát, tới chết cũng còn ở trong vòng vật dục. Công phu trí tri có được ban đầu từ sự chí thành học hỏi ở kinh sách, Thánh ngôn để thanh lọc tư tưởng, biện biệt được tốt xấu, lành dữ và phải nhờ những đoạn công phu tiếp theo mà dần trưởng dưỡng cái tánh lương tri đến thật sáng tỏ. Do đó mà người tu cần phải có học, mà sự học của mọi người là cốt ở sự sửa mình (tu thân), cho nên sách Đại Học nói rằng: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn”. Nghĩa là: Từ vua cho đến dân, ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc. Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh hoàn toàn thì trước hết phải giữ cái ý của mình cho thành (tức là không lòng tham dục, còn gọi là Thành ý), cái tâm của mình cho chánh (Chánh tâm). Trong lúc khởi ý mà hết sức trung thành với lương tri, lẽ phải, thì gọi là Thành Ý. Lương tri vốn sẵn do Trời phú cho con người, vẫn sẵn có đức sáng mà biện biệt được phải trái, lành dữ. Mình cứ theo lương tri, phải thì làm, lành phải theo, ác thì tránh, tất cả đều phải đúng theo lẽ phải, như thế là trung thành với chính mình. Trong một Thánh ngôn, Đức Hà Tiên Cô có dạy: Người tu nên tuân thủ theo giới quy để làm chuẩn mực để hạn chế tâm tà. Giới quy để tô tạo cho con người trở nên thánh khiết. Giới có giữ trọn thì Định mới sanh. Nhờ giới kềm chế vọng tâm, tiêu trừ chướng nghiệp, tạo nên công đức thù thắng, đặng quả Chơn Định mà Trí huệ sinh ra. Trí huệ có rồi thì người tu mới có thể khế hợp cùng Trời Đất mà tài thành Thiên Địa chi đạo. Người biết tu tập phải thành thật lấy mình, xét nét thận trọng khi chỉ có một mình, vì chỉ tư tưởng sai một ly thì đi một dặm. Kính cẩn ở chốn “độc” (một mình) của mình thì không bao giờ tự lừa dối mình, bao giờ cũng thành thật với chính mình, không có gì bên ngoài sai khiến lừa dối tinh thần mình thay đổi. Đó là công phu thận độc. “Thận độc” là cẩn thận kính sợ ở chốn một mình, không ai thấy, không ai nghe đến, mà tự mình cẩn thận lấy mình. Nên thận độc ở cả thân và tâm. Kinh văn sách Đại Học viết: “Tu thân tại chính kỳ tâm”, là vì thân và tâm cùng chung một hạt giống. Muốn tu trì được thân, cũng chỉ tu trì ở nơi tâm mà thôi. Vì thế thân có điều xấu, không qui trách tại thân, mà chỉ trách tại tâm. Tâm muốn cho chính thì luôn luôn phải giữ mực Trung Hòa. Trung thì Tâm được quân bình luôn luôn, Hòa thì tâm luôn được thư thái, an nhàn. Có như thế thì tâm mới chánh được. Tâm chánh tức là tu thân. Tâm thể phải cốt giữ cho thanh tịnh, trung hòa thì những sự vật tiếp xúc ở bề ngoài, không có thứ gì cám dỗ được tâm mình. Dù như tức giận, sợ hãi, ham muốn, lo buồn, có xảy đến cũng không lay động được tâm mình. Đó cũng nhờ công phu tu tập thiền định. Vì vậy, người tu hành muốn tu thân chánh tâm, trước hết phải thành (tức phải răn lòng dục) và lúc nào cũng “giới thận (răn đe)” chỗ mình chẳng thấy, “khủng cụ (e sợ)” chỗ mình chẳng nghe để tránh nghiệp thân, khẩu, ý. Tâm đã chánh, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri lương năng của mình tức là cái Minh Đức trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, làm điều gì hay là đối phó với cảnh huống nào cũng đắc kỳ trung, cũng có điều hòa và hợp đạo lý. Cách được Vật, Trí được Tri, Thành được Ý, Chánh được Tâm là thấm nhuần được thân về tinh thần, tư tưởng không có gì là không chánh đại, đó là Tâm Chánh. Tâm đã chánh, tất nhiên Thân tu. Lỗ tai tất nhiên tỏ, không nghe cái gì lầm, mắt tất nhiên sáng, không thấy cái gì sai trái, tay chơn cử động nhằm lẽ, không trở ngại. Cái Lý Tánh một khi đã tỏ sáng thì Tứ Vô Lượng Tâm sẽ lan tỏa một cách ngoạn mục, đưa nhân loại đến bến bờ Thượng nguơn Thánh đức. TẠM KẾT Kính thưa quý vị, Hiện những cuộc biến thiên của thời thế làm cho nhơn sanh tinh thần hỗn loạn, sống trong nỗi lo sợ cho ngày mai, vì hiện nay toàn cầu đương sống trong một bối cảnh xáo trộn của tai kiếp nạn ách đang hoành hành. Đời sống gặp nhiều trở ngại và tật bệnh lan tràn. Tầng khí quyển đã bị tổn hại ngày càng xấu đi, khiến cho thời tiết đảo lộn gây nên nắng lửa mưa dầu, dịch bệnh đã, đang và sẽ còn kéo dài trên toàn cõi địa cầu. Là những người tu hành, chúng ta càng nên phát tâm sám hối và cầu nguyện để giải bớt nghiệp quả cho chính chúng ta và cho bá tánh vơi đi thống khổ của thời hạ nguơn mạt kiếp. Sự liên kết như vậy mới tạo ra một sức mạnh phi thường, mới mong có chút khả quan hóa giải được mối hiểm nguy đang gần kề, trước nhứt là lập công, hai là tự giải thoát bằng sự hồi hướng công đức cho chúng sanh toàn cõi dinh hoàn này. Để tạm kết, tôi xin được đọc bài Văn Sám Hối mà Minh Lý Môn sanh hằng tâm niệm trước các khóa tu tịnh: Chúng đệ tử từ đời vô thỉ, Bị vô minh che đậy chơn tâm, Thường hành sát, đạo, tà, dâm, Vọng ngôn, ác ngữ, lời sàm dệt thêu. Hỉ, nộ, dục, tình yêu túng tánh, Tham, sân, si, khó tránh loạn tâm, Nghiệp trần nhiều kiếp căn thâm, Ngày nay phát lộ chơn tâm Bồ Đề. Nguyện sám hối mọi bề cải đổi, Cho tiêu trừ hết lỗi, về lành, Nguyện đem dưng hết tấc thành, Thân tâm phụng sự Đạo lành độ dân. Trên lo báo Tứ ân trọng đại, Dưới Tam đồ khai giải thành sầu. Lòng lành trải khắp năm châu, Nguyện đâu đều đặng vẹn cầu toại sanh. Xin quý vị cùng hiệp tâm với chúng tôi, Cầu xin trăm họ bình an, Nước giàu dân mạnh, thanh nhàn muôn năm. Rất lòng thành tín Rút gọn
0 Comments
Leave a Reply. |
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |