Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy: “Cái mục đích cứu cánh của MINH LÝ là con đường “phản bổn huờn nguyên”, giải thoát cho tâm linh ngoài vòng huyễn hóa, xác nhận cái lẽ chơn thật chỉ có nằm gọn trong thâm tâm của con người, ngoài cái thân không có CHƠN không có THẬT”.
Ngay trong thân duyên hợp nầy tức là pháp thân. Giác ngộ pháp thân thấy không có một hình tướng sự vật gì. Pháp thân nầy cũng gọi là bổn nguyên, tự tánh, Pháp thân là tên khác của tâm thể lặng lẽ, tròn đầy, trong sáng của mọi chúng ta. Nó không có hình tướng nên không bị vô thường, không dấy động nên không sanh diệt, hàng trong sáng nên chẳng phải ngu ngơ. Vì chúng ta quen nhìn cái gì cũng theo hình tướng, theo dấy động mới cho là có, ngược lại cho là không? Tâm thể lặng lẽ tròn đầy trong sáng có sẵn trong mọi người. Nên nói là bổn nguyên, là tự tánh. Tại vì vọng tưởng dấy khởi liên miên, khiến chúng ta chỉ thấy vọng tưởng, không thấy được tâm thể nầy. Bởi chỉ thấy vọng tưởng nên chấp nhận vọng tưởng làm tâm mình, hài lòng ngang đây, cam chịu nó lôi chạy trong lục đạo luân hồi. Mỗi vọng tưởng dấy lên, mỗi niệm khởi đã cắt xén tâm thể tròn đầy thành những mảnh vụn. Những mảnh vụn này tung tóe lên che khuất tâm thể lặng lẽ tròn đầy trong sáng. Như mặt biển lặng lẽ, tròn đầy trong sáng, một cơn gió mạnh thổi qua, những lượn sóng trỗi dậy nối tiếp, đã cắt xén mặt biển phẳng lì thành vô lượng mảnh vụn săn đuổi nhau. Khi nầy người ta nhìn không còn thấy mặt biển phẳng, chỉ thấy bao nhiêu lượn sóng gầm thét rượt đuổi nhau. Sóng đã dậy, làm sao dừng? Sóng Tâm muốn dừng chỉ khi nào gió nghiệp lặng. Vọng tưởng dấy lên đều có đối tượng. Ngã và pháp là đối tượng chủ yếu của vọng tưởng. Xem thêm
Thường thì ta nghĩ về cái gì? Nghĩ về ta, về người hay về vạn vật. Nếu ta xem giả cảnh đó là thật thì ta sẽ là một vai chính trong vở kịch cuộc đời đó mà không có một kết cuộc có hậu!!! Ðã biết thân cảnh hư dối thì còn gì phải bận lòng, đối tượng đã phá vỡ thì vọng niệm không còn chỗ tựa để phát sanh. Thế là gió nghiệp lặng, sóng vọng niệm từ từ im bặt, chỉ còn mặt biển tâm lặng lẽ tròn đầy trong sáng như xưa. Con đường tắc quan trọng của người tu là trí tuệ Bác Nhã, nhờ nó chúng ta mới phá được ngã chấp, mê lầm muôn kiếp. Nó góp công lớn lao trong việc đem lại an bình cho tâm thể. Vọng niệm dấy khởi là loạn động, sanh diệt, khiến chúng sanh không thể thấy được tâm thể lặng lẽ tròn đầy trong sáng trong chính mình. Ðã không nhận ra, thì dù tu hành cũng không tin mình có thể thành Phật. Ðây là nguyên nhân thối lùi của đa số người tu. Nghe trong kinh nói có Chơn tâm, Phật tánh, tri kiến Phật...nhưng thực tế có bao giờ họ nhận thấy nó ra sao. Tu lâu rồi họ xoay ra lo cất chùa to, tổ chức lễ lớn... lấy đó làm Phật sự nên việc giác ngộ giải thoát xem như gặp nhiều trở ngại. Muốn thấy Chơn tâm, Phật tánh, trước tiên chúng ta phải dừng vọng niệm. Vọng niệm đã dừng thì cái bổn thể chơn tâm tròn đầy trong sáng hiện tiền. Chẳng cần cầu mong trông đợi cũng tự cảm thấy. Vọng niệm không phải dễ dừng, nó đã thành một dòng sinh diệt liên tục trong chúng ta. Ðể chận đứng nó, trước tiên chúng ta phải đập nát đối tượng chủ yếu làm cơ sở phát sinh của nó là ngã và pháp. Chỉ có Trí Bác Nhã thấy ngã pháp như huyễn hóa, là Huệ kiếm chặt lìa đối tượng chủ yếu của vọng niệm. Ðối tượng đã đổ vỡ thì vọng niệm không còn nơi phát sinh. Thế là, nhờ trí tuệ Bác Nhã thấy ngã pháp như huyễn hóa mà hành giả đạt đếkhôngn bổn thể chân thật hằng còn. Ơn Trên dạy: Tất cã cõi vũ trụ bao la, trên trời dưới đất, đâu đâu cũng huyễn hóa, ảo ảnh, giả tượng; khắp vũ trụ, suốt vạn vật, thấu hết thân người, không đâu không là hiện tượng của âm dương tiêu trưởng, mà âm dương là cái diệu dụng của Trời Đất, chưa phải cái nguyên thể linh không vô cực, là cái tự tánh thanh tịnh như như bất động của chính mình. Cái linh không ấy mới chơn thật thường còn; phải hướng tâm về đó, tập trung tất cả, qui gọn vào đó; mắt, tai, mũi, miệng, tình, ý, tưởng, niệm hội tụ ở đó, nhồi trộn đúc kết tất cả trở thành một khối nguyên vẹn, gọi là phản hoàn trở lại bổn thể. Đó là cái mặt thật của chính mình, được Một rồi là Phật, Tiên, là Đạo, là Thành, thay Trời mà điều động âm dương và vạn pháp. Muốn được vậy thì hành giả phải thực hành phản tỉnh nội cầu, quay ngược cái tâm thức vốn luôn hướng ngoại chạy theo trần cảnh trở về tự thân, để nhận cái bộ mặt thật của chính mình là cái “bản lai diện mục”, là cái tự tánh bất di bất dịch vạn cổ như như. Sách Dưỡng Chơn Tập có giải thích về phép phản tỉnh nội cầu như sau: Phản quán hay phản tỉnh nội cầu là quay vào xem xét bên trong cái tâm của mình để tìm thấy cái Thiên tánh, cái Chơn tâm hằng ngự trong lòng mỗi chúng ta; nhà Phật gọi là minh tâm kiến tánh hay sáng lòng để thấy tánh. Quán xét một cách tinh tường để phát hiện được cái bản linh chơn tánh của mình, vốn linh minh sáng suốt, giúp ta hiểu rõ được cái chơn giả, hư thiệt, chánh tà hay lành dữ để biết đường ngay mà đi, đường tà vạy mà tránh, cho khỏi vương mang những điều lầm lạc tội lỗi. Đức Bác Nhã Thiền Sư có dạy: Tham thiền tịnh tọa không phải để dưỡng sức cho qua ngày mãn khóa theo luật của người tu, mà tham thiền tịnh tọa cốt yếu đạt được mảy may nào trong cơ vi diệu của đạo pháp. ……. Chỗ đạt đạo là phải : Thân an, Tâm định, Trí huệ, tự Tánh sáng tỏ mới thấy chổ công hiệu của nội tại huyền linh. Thế nên người tu hành cần phải tham thiền tịnh định, dứt hết niệm lự trong những ngày vào tịnh phòng để tìm thấy chổ Chơn tâm, tức là đến chốn Như Lai bản thể hoặc Ngọc Hư cung rồi đó. … chư hiền đệ hiền muội hiện diện hôm nay lưu ý phải cố gắng cho được an, được định, để thần khí tương giao, tâm tức tương ứng, điều hòa luôn luôn trong khóa tịnh để phát huệ, soi sáng diệt trừ hết vọng tâm. Chừng đó chư hiền đệ hiền muội sẽ thấy vững an như bàn thạch, dầu thế sự có bao năm cũng không lay chuyển tinh thần đạo đức, dầu mảnh thân phàm tục có lăn lộn trong khung trần cấu cũng chẳng hoen ố được điểm linh quang. Đó là chư hiền đệ hiền muội có một bảo pháp để hộ thân bất cứ lúc nào còn nơi cõi tạm. Để có những bước đi vững vàng trên con đường tiến tu, Đức Hà Tiên Cô dạy người tu học phải là người hơn hết kẻ trên đời, vượt trên danh lợi, thị phi sống chết; ngăn ngừa những cám dỗ lôi cuốn trong cuộc sống; làm không để vết tích; hằng lo ngăn chận mọi tập nhiễm bất chánh ở trong tiềm thức, không cho vọng loạn khởi lên; chuyên cần thực tập cách vật dục, trí lương tri, thì ý sẽ thành tâm sẽ chánh, sóng lòng sẽ dần yên lặng cho Bác Nhã chơn tâm hiển hiện. Khi tâm ấy phục sinh thì mới thiệt chơn chánh, vĩnh tồn. Muốn có chơn tâm đó hiện, Bác Nhã xuất sanh, phải luyện được quên mình. Coi theo quẻ Phục đủ thấy phương châm vào đạo. Nên nói: “Tâm phàm cần phải chết thì tâm đạo mới sanh”. Muốn đạt huyền công, giữ sao lòng hằng thanh tịnh. Chỉ niệm thì không dục, nên sách Đại Học bảo ta tri chỉ, định đến tịnh, tịnh rồi mới an, an rồi mới lự. Lự đây là suy nghĩ chân chính, mà có suy nghĩ chân chính là do tâm đã an định. Nếu tâm chưa an định thì cái niệm đâu phải là trí huệ, là Bác Nhã. Nên bước công phu vào tu cốt là tập buông bỏ hết mọi trần duyên, tiêu trừ vọng niệm. Dầu một sớm một chiều chưa xong thì chuyên cần trì chí nhiều năm nhiều tháng. Mỗi lúc tâm phàm giảm xuống thì trí huệ tăng lên. Phiền não không còn thì bồ đề xuất hiện. Tiên với phàm chỉ cách nhau một niệm. Bởi vậy mới có câu: “Bể khổ vô nhai, hồi đầu thị ngạn”. Chỉ có hồi đầu là thành, giác ngộ là đến, xa mà không xa. Phải giữ sao cho trọn ba điều là TÍN, NGUYỆN, HẠNH. Phải có lòng tin vững chắc. Tin sức mình có đủ, dầu khó khăn cũng vượt qua đến chỗ đến nơi. Tin chung quanh còn được bao nhiêu trợ duyên gia hộ, thần thánh dắt dìu. Tin có Trời là chủ nhơn ông cầm quyền tạo hóa. Tin có luật báo ứng, gieo nhân gặt quả. Nên cố làm, làm cầu thanh phước tiêu giải oan trái tiền khiên. Biết mình từ vô thỉ đến nay tạo lấy tội lỗi hằng hà, chác thù kết oán cùng kẻ sống và người chết chưa sao giải được, nên thân này chồng chất vô minh, oan oan trái trái theo hoài. Nếu muốn giải thoát suôn sẻ đâu phải dễ dàng. Giết một con thú, làm một việc bất lương cũng đủ ngăn ngại cho ta lúc lên đường, họ xúm nhau mà cản trở. Phương chi mỗi người, dầu ít dầu nhiều, cũng kết buộc oan gia với ngạ quỷ, với súc sanh, với tình ái ân trong gia đình, xã hội. Nên phải nhờ tha lực Phật Trời âm phò mặc hộ, luôn luôn lân mẫn dắt dìu, ám trợ đường tu. Nhờ thầy sáng bạn lành nương nhau mà giải thoát. Nhờ tâm thường thiết tha cởi bỏ oán thù, phát tâm sám hối gội sạch tiền khiên. Lòng tin mãnh liệt mà phát ra nguyện lực rộng lớn như Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Đức Phật Di Đà: Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành, Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Nguyện lực mạnh mẽ sẽ giúp hành giả một động cơ tu tập chuyên cần không thối chuyển, tâm chí thành với đạo, từ đó lan tỏa ra mọi người chung quanh. Nếu niềm tin kiên cố, nguyện lực sâu dày, mà còn giới hạnh đủ đầy, tạo cho hành giả một quyền năng, đủ oai nghi hạnh đức, quỷ phục thần khâm. Giới quy để làm chuẩn mực hạn chế tâm tà. Giới quy để tô tạo cho con người trở nên thánh khiết. Giới có giữ trọn thì định mới sanh. Nhờ giới kềm chế vọng tâm, tiêu trừ chướng nghiệp, tạo nên công đức thù thắng, đặng quả chơn định mà trí huệ sinh ra. Trí huệ có rồi thì Trời Đất với ta là một. Sự tu hành là dừng vọng niệm, mới hiển hiện được tự tánh, quay ngược cái dụng lại thì phiền não tức Bồ Đề. Tâm thể ly niệm là giác, giác tánh vọng động là vô minh. Cho nên mỗi ngày luôn luôn người hành giả cần kiểm tu. Phải đặt mình trong quyền pháp, trang nghiêm cảnh giới tâm. Tâm có thanh tịnh mới cùng Trời làm một. Một cùng tất cả khắp giới, hiệp ý xa gần, tạo một sức mạnh tinh thần để có đủ điều kiện vượt qua chướng nghiệp, giải thoát thân tâm và trợ duyên cho lân hữu, cho nhân sanh cộng đồng phúc huệ. Rất lòng thành tín, Rút gọn
0 Comments
Leave a Reply. |
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |