Tất cả chúng ta đều muốn sống một cách an lạc và hạnh phúc. Tuy nhiên, ai cũng có lúc bị phiền não, bực dọc; và những khi ấy, chẳng những bản thân mình đã bị bực bội, khổ sở mà cả những người chung quanh cũng có thể bị ảnh hưởng lây do những cử chỉ, lời nói thiếu hòa nhã của mình. Dĩ nhiên, không ai muốn vậy cả. Thế nhưng tại sao chúng ta cứ tiếp tục bị bực bội, khó chịu, khổ sở…? Vì người nào đó làm trái ý với ta, vì một sự việc nào đó xảy ra không như ý muốn, hay một sự việc mình muốn lại không được toại nguyện. Mấy ai trên thế gian này hoàn toàn tránh được những tình huống ấy ? Vậy, vấn đề đặt ra là CÓ CÁCH NÀO ĐỂ GIÚP CHO TA KHỎI BỊ PHIỀN NÃO HAY KHÔNG? LÀM SAO CHÚNG TA LUÔN GIỮ ĐƯỢC SỰ AN LẠC, TỰ TẠI VÀ HẠNH PHÚC? Vấn đề xem ra không phải ai trong chúng ta cũng có một lời giải thỏa đáng cho chính mình. Hôm nay tôi chỉ xin phép đưa ra một gợi ý để chúng ta cùng tư tuy, trao đổi để tự xác lập cho mình một hướng tu học trong cuộc sống. Vậy thử định nghĩa xem phiền não là gì?
Theo tự điển Phật học Huệ Quang: phiền não trong tiếng Phạn là Klesa, tiếng Pali là Kilesa, Hán âm dịch là Kiết lê Xá còn gọi là Hoặc. Đó là trạng thái lo buồn, sầu khổ, sợ hãi, làm náo loạn thân tâm chúng sanh. Nhưng đối với Phật giáo thì những tác dụng tinh thần gây chướng ngại cho sự giác ngộ đều gọi là phiền não. Theo Duy Thức Thuật Ký: Phiền là lo buồn và Não là tán loạn, nghĩa là cái gì làm cho thân tâm lo buồn, loạn động, gọi là phiền não. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ có ghi: Tất cả chúng sanh đời vị lai bị giặc phiền não làm hại. 1. Phiền não từ đâu mà có? Chúng ta cùng nghe một cậu chuyện sau đây để chiêm nghiệm: Có người lượm một cục đá ném vào con chó, bị đau quá con chó giận và chạy theo cục đá sủa để trả thù. Vì vô minh con chó không biết rằng nguồn gốc sự đau khổ của nó không phải là cục đá mà do người ném. Xem thêm
Người đau khổ phiền não cũng vậy. Vì sự chấp nhất của mình, vì sự vô minh trong tâm mình làm mình đau khổ, vậy mà mình cứ đổ lỗi cho lục trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) làm mình đau khổ mà không nhận ra rằng tại ta nhìn những đối tượng chung quanh mình rồi khởi tâm phân biệt vướng mắc quá nhiều nên ta chỉ thấy khổ. Vậy thì nếu là người tu thì nên bớt vướng mắc chừng nào thì ta bớt khổ chừng nấy. Người tu tập đúng nghĩa là phải chuyển hóa cái nhận thức sai lệch của chính mình chứ không phải thù ghét những thứ xung quanh, rồi cho chúng là nguyên nhân gây những khổ đau cho ta: Điều này có nghĩa là chúng ta nên dụng tâm chuyển cảnh chớ đừng buông cho cảnh chuyển tâm. Người xưa vẫn thường nói: Chúng ta thường dùng cái bị phía trước chứa lỗi người, và cái bị sau lưng chứa lỗi mình. Hoặc nói chúng ta là luật sư tốt cho bản thân mình (bênh vực) mà là quan tòa xấu (đổ lỗi) cho người khác. Thánh nhơn vẫn thường dạy: Người tu là thấy lỗi mình chớ thấy lỗi người. Chúng sanh thì đôi mắt ngó ra, người tu thì ngược lại nhìn vào nội tâm, quán chiếu thấy sai lầm của mình và sửa đổi. Sách kinh dạy: Con người ta chỉ có một chử ÁI (ưa mến) mà không trừ bỏ đi được. Mến danh lợi thì bị danh lợi ràng buộc. Mến tửu sắc thì bị tửu sắc ràng buộc, mến thân gia (thân mình, nhà cửa) thì bị thân gia ràng buộc, mến con cháu thì bị con cháu ràng buộc. Nó đem cái chơn tánh nầy ràng qua buộc lại, điên-đảo, đảo-điên, lên xuống cõi trần gian này, mà chịu không biết bao nhiêu sự khổ. Thánh nhơn cũng dạy rằng mọi điều tội lỗi, độc ác, sa đọa đưa đến phiền não đều do bức màn vô minh che lấp Chơn tâm Tự tánh. Sự nhận thức của con người không nhận biết được cái nào là chơn, là giả, điều nào là thiệt, là hư, cũng đều do bức màn vô minh ngăn cách giữa con người và chân lý. Con người thường nhận xét các sự vật qua mắt trần và suy nghĩ chủ quan của mình, nên thường bị thất tình lục dục gạt gẫm đánh lừa. Vậy thì phiền não là do chính chúng ta tự tạo ra cho chúng ta vì vô minh mà sanh lòng ích kỷ, vì tham sân si mà gây bao điều phiền não cho chính mình và cho những người chung quanh. 2. Nhận biết rõ phiền não đang hoành hành thân tâm, nhưng muốn đoạn trừ nó thì không phải dễ. Vì sao? Đức Trần Hưng Đạo dạy khi mỗi người chúng ta bước đầu vào tu, cốt làm lành lánh dữ vì chúng ta hầu hết ở cõi đời này, ai nấy cũng có tạo nhân không lành, chịu quả không tốt, khi tỉnh ngộ nên cải ác tùng thiện, chứa đức tu nhân, chuộc lại tội tình đã gây kiếp này và nhiều kiếp đã qua. Tuy tâm sáng biết cái sự phải, sự trái, việc tốt, việc xấu, song cũng khó mà làm theo sự thấy biết, vì nghiệp chướng tham sân từ vô thỉ, cái che của vô minh còn dày đặc cản trở bước đường tu học. Người tu ai cũng muốn thành đạo quả, thoát biển trần khổ; nhưng vì cái nhân đã gieo, cái nghiệp đã tạo từ nhiều kiếp trước đến nay cứ trôi lăn trong dòng quả báo, biết kiếp kiếp là phù sinh trong cõi tạm, nếm đủ mùi đau khổ; muốn thoát cũng không cách nào thoát ra được. Con người là thích động, thích hướng ngoại. Hể có thân tất có ưa vui sợ khổ, tránh khổ tìm vui. Mỗi một bước thất bại đau thương là một bước tiến sâu vào bài học kinh nghiệm, cho nên biết không một chúng sanh nào mà không tìm lối thoát. Nhưng nếu bàn chân chưa dẫm nát gai chông, khuôn trán chưa răn reo sạm nắng, bát cơm chưa chan nước mắt, dòng sinh mạng chưa từng bị ăn sắt cục, uống nước đồng sôi, thì máu thánh Hiền chưa trổi dậy. Thật là phải nếm mùi đau khổ thì mới nhận ra được chân lý. 3. Phiền não tức Bồ Đề Như trên có nói phiền não làm cho thân tâm lo buồn, loạn động mà con người mình thì sanh đủ mọi phiền não mà lòng chẳng biết chẳng để ý. Có lúc phiền não hiện ra nơi mặt, có lúc mình dấu trong tâm. Khi vô minh mà nổi dậy thì chẳng có biết chuyện chi nữa, đen trắng, phải trái không còn phân biệt thì lòng liền u mê hồ đồ, chúng ta nên biết phiền não là nhân duyên chướng ngại Đạo, là rào cản ngăn bước tiến đạo. Tuy vậy nếu biết khéo tu thì “phiền não là Bồ Đề”. Nếu chẳng biết minh triết thì Bồ Đề trở thành phiền não. Vì phiền não và Bồ Đề vốn cùng một thể như nước biển và sóng biển vậy; cũng đồng một thể là TÁNH ƯỚT. Khi vô minh thì nước biển dậy sóng phiền não nhưng khi thanh tịnh sáng suốt thì sóng dịu gió êm, sóng nước phiền não lại trở về mặt nước biển Bồ Đề thanh tịnh. Có phiền não thì sóng cuộn dâng trào. Chẳng phiền não thì Bồ Đề hiển hiện. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cũng có dạy cho Minh Lý môn sanh: Thánh xưa cũng vẫn có thất tình lục dục, nhưng Thánh xưa biết sử dụng điều khiển những thất tình lục dục ấy đúng chỗ, đúng lúc và hợp hoàn cảnh. ……. Mừng là mừng thấy có ý nghĩ lời nói và hành động có tác động vào sự tế nhân lợi vật. Vui là vui đã làm được những việc giúp đời. Giận là giận khi thấy lòng chưa được thanh tịnh hoặc ý nghĩ lời nói việc làm không thuận Thiên hòa nhơn, tự khắc kỷ để tự hậu không còn tái diễn. Ghét là ghét những điều trái đạo lý luân thường nhân nghĩa mà không thèm nghĩ đến, nhìn đến, nói đến và làm đến. Sợ là sợ những hành động trái với đạo đức, trái với lòng Trời, chớ không phải sợ dư luận khen chê tán tụng. Có điều khiển làm chủ hướng dẫn được thất tình thì chúng nó sẽ ngoan ngoãn tuân theo rồi lần hồi trở thành thói quen. Biết tận dụng điều khiển thất tình, chúng nó sẽ trở nên thất bửu là bảy món báu vô giá để làm tả phù, hữu bật, tiền xung, hậu kích, trước mọi cảnh ngộ đảo điên và chúng sẽ giúp trở lại chủ nhơn ông được trọn vẹn trên đường Thánh thiện . Danh ngôn có câu: Tâm thanh, thủy nguyệt hiện Ý định, thiên vô vân. Nếu tâm có bình, ý có định thì phiền não chẳng thể phát khởi, Bồ đề tâm ắt hiển hiện. Cũng có câu: Tâm lắng, niệm dừng là phú quý thật Dứt hết tư dục ruộng phước mới chân. Người giàu sang chân thật là người biết dừng vọng tưởng, lắng lòng trong sạch, chuyển hóa tam độc. Không lòng tư dục (lòng dục vọng ích kỷ, vì cá nhân mình) thì đó là ruộng phước. Nếu lòng ham muốn ích kỷ riêng tư này mà trừ hết được thì đó mới là ruộng phước chân thật. 4. Các bước công phu … Bước đầu công phu tu học là phải đoạn duyên giản sự, tập buông bỏ hết mọi ngoại cảnh ảnh hưởng đến tâm mình để vào thiền định tiêu trừ những tà niệm. Ngoại cảnh còn ràng buộc, tà niệm còn tuôn trào, thì làm sao an trú được trong thanh tịnh. Không còn vướng mắc vào cái ta thì đạo tâm mới có thể hiển hiện. Đức Hà tiên Cô khuyên: …… nếu đã tu thì phải tiêu trừ vọng niệm, đoạn dứt trần duyên. Dầu một sớm một chiều chưa xong thì gia tăng tốc lực nhiều năm nhiều tháng. Mỗi lúc tâm phàm giảm xuống thì trí huệ tăng lên. Phiền não không còn thì Bồ đề xuất hiện. Tiên với phàm chỉ cách nhau một niệm. Bởi vậy mới có câu: “Bể khổ vô nhai, hồi đầu thị ngạn.” Chỉ có quay đầu, hướng tâm là thành, giác ngộ là đến, xa mà không xa. Xa gần do mê hay giác mà thôi. Từ nhận thức được phiền não là do chính sự vô minh trong tâm mình làm mình đau khổ, vậy nên muốn đoạn trừ phiền não thì phải tu tịnh để gột rửa thân tâm; vén bức màn vô minh đã che cái Chơn Tâm sáng suốt của mình qua nhiều kiếp luân hồi. Đức BNTS dạy: … Muốn tìm lại Chơn Tâm thì chỉ có một hướng phản tỉnh nội cầu, quay ngược cái sở dụng hướng ngoại trở về tự thân, để nhận lại chủ nhơn ông hằng có của mình, đó là cái “bản lai diện mục”bất di bất dịch vạn cổ như như, mà bấy lâu chưa được khải ngộ, bị lãng quên, nhận lầm cái thức tâm vọng tác, chạy theo trần cảnh, lặn hụp trong biển sanh tử, chịu đủ khổ đau. Ngài cũng dạy rằng: Mọi điều đau khổ, phiền nảo, loạn lạc, bất nhứt, phân ly trong xả hội đều phát xuất từ tâm thức con người mà biến thành hiện tượng, hiện tượng trở lại nhiểu loạn gây tan tác khổ đau cho xã hội và con người. Vậy thì muốn cứu giải con người cũng chỉ có bắt tâm thức quay ngược trở về chỗ cội nguồn của tâm thức. Khi tâm thức theo gốc bỏ ngọn thì thiên hạ thái bình. Cũng món thuốc đó, nếu biết chế sao, thì chất độc trở thành chất bổ; thấu đáo cái nguyên nhân, tức thời giải quyết được ngay, chuyển loạn thành trị vậy! Để vửng bước tu tịnh, đoạn trừ vô minh, phiền não, phải giữ sao cho trọn ba điều là TÍN, NGUYỆN, HẠNH. TÍN là phải có lòng tin vững chắc. Tin vào sự nổ lực của mình cho đến cùng. Tin chung quanh còn được bao nhiêu trợ duyên gia hộ, thần thánh dắt dìu. Tin có Trời là chủ nhơn ông cầm quyền tạo hóa. Tin có luật báo ứng, gieo nhân gặt quả. Nên cố làm, làm cầu thanh phước tiêu giải oan trái tiền khiên. Biết mình từ vô thỉ đến nay tạo lấy bao nhiêu nghiệp chướng chưa sao giải được, nên thân này chồng chất vô minh, oan trái không dứt. NGUYỆN LỰC phát ra từ lòng tin mảnh liệt, rộng lớn như Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Đức Phật Di Đà: Nguyện học Pháp môn - Nguyện thành Phật Đạo - Nguyện độ chúng sanh – Nguyện đoạn phiền não. Nguyện lực sâu dày sẽ cảm động Chư Thiên, Bồ Tát. Các Ngài sẽ giúp ta mọi mặt trên con đường công phu tịnh luyện. đoạn trừ phiền não. ĐẠO HẠNH là kết quả của công trình Giới Định Huệ bền bỉ, lâu dài. Người tu phải biết khép mình vào giới quy để hạn chế tâm tà nổi lên, mới giữ được lòng mình dần dần an nhiên tự tại trước cám dỗ của hoàn cảnh, gột rửa lần để thân tâm được thánh khiết. Giới có giữ trọn thì định mới sanh. Nhờ giới kềm chế vọng tâm, tiêu trừ chướng nghiệp, tạo nên công đức thù thắng, đặng quả chơn định mà trí huệ sinh ra. Trí huệ sinh ra là chơn tâm, là Bác Nhã phục sinh thì mới vẹt sạch được bức màn vô minh đã khiến chúng sanh chìm nổi trong biển khổ, mới đoạn trừ được phiền não. TÍN, NGUYỆN, HẠNH là huyền năng đủ khiến cho chúng sanh tỉnh ngộ hồi đầu, an ủi nỗi khổ đau cho muôn loài vạn vật. Kết luận Phiền não đẩy chúng ta đến mọi đau khổ, điên đảo trong cuộc sống cũng như trên con đường tu. Phiền não phát khởi đều do bức màn vô minh che lấp Tự tánh. Bức màn vô minh ngăn cách giữa con người và chân lý. Vậy muốn tìm được chân lý, quay về với Chơn tâm Tự tánh thì phải vẹt bức màn vô minh ngăn cách này chớ không có con đường nào khác. Để vửng bước để đoạn trừ vô minh, phiền não, phải giữ sao cho trọn ba điều là TÍN, NGUYỆN, HẠNH. Công phu giới, định, huệ giúp cho người chơn tu men lần đến cứu cánh là Bồ đềTâm, Bác Nhã trí thì mới vẹt sạch được màn lưới vô minh, đoạn dứt được phiền não. Đoạn dứt phiền não ở đây nên hiểu là SỐNG TRONG PHIỀN NẢO NHƯNG VẪN TỰ TẠI, AN LẠC. Rất lòng thành tín Rút gọn
0 Comments
Leave a Reply. |
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |