Bài giảng tại Tam Tông Miếu
NGÀY LỄ HẠ NGUƠN (RẰM THÁNG MƯỜI) NĂM NHÂM DẦN ( 2022 ) Thưa quý Thiên ân chức sắc, Thưa quý đạo hữu và đạo tâm nam nữ, Hôm nay, nhơn ngày vía Hạ nguơn, Thủy quan giải ách, tôi xin được chia sẽ với quý vị một đề tài gần gủi với mổi chúng ta mà người xưa cũng đã từng dạy, một vấn đề mà một người khi mới bước vào Đạo cho đến cả cuộc đời tu học của mình cũng phải luôn nên suy nghiệm và tu tập để luôn noi theo con đường thiện lành mà đi đến giải thoát. KHẨU ĐỨC TRONG TU TẬP Trong phương pháp tu tập có pháp “nói lời ái ngữ”, tức là nói những lời dễ thương, những lời có chất liệu giải thoát, mang đến an lạc cho người nghe, đó cũng là “chánh ngữ” mà Đức Phật dạy trong giáo lý ‘Bát Chánh Đạo’và từ đó hình hiện nên khẩu đức cho người tu tập. Động cơ của một lời nói nặng hoặc nhẹ nhàng rất quan trọng, hay nói đúng hơn nó phát xuất từ ý niệm ban đầu của người nói, mà sẽ cho ra thiện nghiệp hay ác nghiệp. Vậy thì muốn có ý niệm thiện lành từ ban đầu thì phải biết bình tâm định ý, nghĩa là phải giữ tâm an tịnh thì mới có thể khởi được ý thiện lành. Lời nói phát nguồn từ niệm chưa lành có thể sắc bén như gươm giáo làm trọng thương người khác nhưng một niệm lành cũng có thể là nguồn nước thanh lương dập tắt mọi não phiền, điên đảo có khi cứu cả một sinh mạng, thay đổi cả một lối sống. Khởi được ý thiện lành thì Tam độc “Tham, Sân, Si” không thể trổi dậy làm rối loạn thân tâm mà gây ra nghiệp thân, khẩu, ý mà khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà chúng ta tạo ra. Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn nhưng vết thương gây ra do lời nói bất thiện sẽ khó lành và sẽ mang lại nghiệp báo, oan gia cho người tạo tác. Lời nói từ cửa miệng là quả từ tâm ý phát khởi và là nhân của hành động tạo tác. Xem thêm
Chuyện xưa có kể như thế này: Ngày trước ở thành phố Shravasti, khi trên đường về tịnh xá, Phật và chúng tăng dừng chân nghỉ ngơi dưới một tán cây to ven hồ, bỗng một con khỉ từ trên cây nhảy xuống, xin mượn chiếc bát trong tay Phật. Sau khi đón nhận chiếc bát từ Phật rồi nhanh chóng rời đi, chỉ một chốc đã thấy nó quay lại. Nó cung kính dâng chiếc bát chứa đầy mật ong lên cho Phật. Phật nhận bát mật ong, chia đều cho các tăng nhân cùng dùng. Khỉ ta thấy vậy, thích thú nhảy múa xung quanh. Một thời gian sau, khỉ chết được chuyển kiếp thành người, sinh ra trong gia đình đạo đức. Khi đứa trẻ này được sinh ra, mọi bát đĩa nồi niêu trong nhà đều đựng đầy mật ong. Người mẹ lấy làm lạ, bèn đặt tên cho đứa trẻ là Mật Thăng. Thời gian thấm thoắt trôi đi, chẳng mấy chốc Mật Thăng đã trưởng thành. Anh chán ghét hồng trần thế tục nên xin cha mẹ cho phép anh xuất gia. Sau khi được cha mẹ cho phép, Mật Thăng đã đến tịnh xá quy y cửa Phật. Do thiện duyên từ kiếp trước, anh rất nhanh đã tu thành chính quả. Có một vị sư đã nói với Phật: “Trước kia Mật Thăng đã tu được phúc gì? Tại sao mọi lúc mọi chỗ đều có thể dễ dàng cầu xin được mật ong?” Phật đáp: “Các ngươi có nhớ cách đây rất lâu, có một con khỉ đã mượn chiếc bát đi lấy đầy mật để dâng lên Phật và chúng tăng hay không? Vì thiện tâm đó, nên khi chết nó đã được chuyển kiếp làm người, và vì người đó thành tâm, nên bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể có được mật.” Nghe Phật nói xong, chúng tăng lại hỏi: “Thưa Phật, vậy kiếp trước của Mật Thăng vì lí do gì lại đầu thai làm khỉ ạ?” Lúc này có rất nhiều đệ tử đều vây quanh Phật, Phật nhìn một lượt các chúng tăng, chậm rãi nói: “Mật Thăng bị đày thành kiếp khỉ, là việc của 500 năm trước, đó là khi Phật Ca Diệp Như Lai còn tại thế. Khi đó có một vị sư trẻ tuổi, tình cờ trông thấy một vị sư khác nhảy qua một con suối nhỏ, liền cười nói trông bộ dạng sư kia cứ như con khỉ, do đó đã phạm vào tội ác khẩu và bị đày làm kiếp khỉ. Sau đó vị sư đó đã nhận ra tội lỗi của mình, đã sám hối nên không bị đày xuống địa ngục chịu tội nhưng vẫn phải bị đọa làm kiếp khỉ. Cũng vì cái kết duyên đó, con khỉ mới có thể gặp được Phật, kiếp này mới nhanh chóng thành chính quả như vậy.” Nghe Phật nói xong, chư tăng đều đã hiểu ra: Chỉ một câu nói ác khẩu, cũng có thể gây nên nghiệp chướng quả báo sau này. Qua mẩu chuyện trên chúng ta thấy rõ quả báo của khẩu nghiệp nặng như thế nào. Chỉ một lời nói ác trong mấy giây mà phải chịu quả báo đau khổ nơi ác đạo trong nhiều đời nhiều kiếp. Vì vậy chúng hãy cẩn thận lời nói của mình. Chúng ta nói thì phải nói lời hay ý đẹp, nói những điều lợi ích. Nếu không nói được những điều tốt đẹp thì nên im lặng để có thời gian tự quán xét, chứ tuyệt đối không nói những lời xấu ác để khỏi mang họa vào thân. Điều xấu mình tạo tác có thể không ai biết nhưng Trời đất biết, luật nhân quả sẽ minh định không một mãi mai. Đức Phật dạy “Nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp” là vậy. Dân gian cũng có câu ca dao rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Kính thưa quý vị, Trong mười điều bất thiện mà nhà Phật dạy thì đã có đến bốn điều thuộc về cái miệng, có thể kể ra như sau: “ nói dối, nói thêu dệt, nói hai chiều, nói lời ác). 1‐ Nói dối là bất thiện thì chúng ta nên nói lời trung thực, vì nói dối hoài sẽ thành thói quen, mà thường nói dối thì dần sẽ có hành động sai, tạo nên nghiệp xấu… Hậu quả nghiêm trọng đôi khi cũng từ việc nói dối. Nhất sự bất tín, vạn sự bất tin, sống mà không ai tin mình thì thật là thãm họa cho cuộc đời của mình. 2‐ Nói thêu dệt là nói thêm bớt, nghe câu chuyện ở đây xong đi kể cho người khác nghe, mà thường khi kể lại thì hay thêm chút ít gia vị để tăng phần hấp dẫn, không còn giữ được sự thật ban đầu gây nên dư luận thị phi, hiểu lầm không đáng có. Là người đạo đức, tu hành, khi nói ra bất cứ điều gì đều là lời nói chân thật, đạo đức, khế hợp với ý đạo nhằm đem lại an vui cho bản thân và mọi người. 3‐ Nói hai chiều là nói hai lưỡi, như đến người này rồi lại nói xấu người kia, rồi đến người kia lại nói xấu người này. Mới khen người ta đó quay lưng đi liền nói xấu người này với người khác, làm cho mọi người hiểu lầm nhau, vô tình gây chia rẻ tình bạn, tình gia đình. Là người đạo đức, tu hành, chúng ta cần phải dùng những lời nói đạo đức để hóa giải mọi sự mâu thuẩn giửa nhau và giúp nhau sáng suốt dứt bỏ hành động tạo đau khổ cho nhau, để không vướng vào nghiệp báo oan gia qua nhiều kiếp. 4‐ Nói lời ác là nói lời không đẹp nhục mạ làm tổn thương người khác, tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì con đường đi xuống không còn xa. Là người đạo đức, người tu hành, khi nói ra điều gì, chúng ta luôn nói những lời dịu dàng, từ ái hợp với đạo lý, thì mới có thể dung hòa với mọi người sống trong an vui, hạnh phúc. Tạo hóa sinh ra con người có hai lổ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên, được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức lắm rồi nên chúng ta hãy nhân vốn phước báu này mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo tu cái miệng là điều rất cần thiết vì cái miệng có thể đem đến công đức vô lượng nhưng cũng tạo nên cái nghiệp nhiều đời không dứt. Cái miệng cũng có nhiều cái lợi: dùng để ăn uống, nuôi dưỡng cơ thể, giúp thân thể khỏe mạnh để làm việc nuôi sống bản thân và giúp ích người khác. Nhưng cũng cái miệng cũng rất tai hại: do ăn uống không điều độ, do ham ăn cầu kỳ, thích ăn những món ngon vật lạ mà vô tình mang vào mình những mầm bệnh, tự làm khổ mình và cho những người chung quanh. Cái miệng cũng được dùng để nói năng giao tiếp trong hằng ngày, tạo mối thâm tình, giao hảo hài hòa, thông hiểu lẫn nhau, dùng để thuyết giảng, tụng niệm, dạy học, truyền kiến thức và những điều lợi ích đến được nhiều người. Một lời nói ra phải giúp cho nhiều người thông hiểu, an lạc, lợi ích thì chúng ta không tiếc lời và phước đức cũng rất vô biên, nhưng rất phải cẩn thận trong từng lời nói ra khi phải nói ra những lời khiến người khác phải khổ đau, thiệt hại, thì chúng ta sẽ phải gặt hái những điều tương ứng. Tạo phước đức cả một đời, nhưng chỉ cần một lời ác ý với người khác là tiêu tan trong giây phút. Nhất là chúng ta muốn tu hành được tinh tấn và thành tựu thì phải tránh những chuyện thị phi, vì thị phi mất rất nhiều thời gian một cách vô ích, mà lại gây tạo rất nhiều nghiệp khẩu, oan trái. Chỉ có khẩu đức mới có thể giải hóa được khẩu nghiệp đã tạo ra. Thường thì một số người khi dùng lời lẽ không hay làm tổn thương người khác đều biện lý do là vì ngay thẳng: “Tôi rất thẳng thắn, có sao nói vậy”. Vì thế giới này vốn không hoàn mỹ nên khi muốn nói đến thiếu sót của người khác thì phải cẩn thận, nếu chưa thấu rỏ vấn đề thì tốt nhất đừng tuỳ tiện nói ra. Đa số chúng ta có cái thói quen nghe người nào nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì liền phải tìm cho ra manh mối để rồi nổi sân si phiền não, đó là điều mà người có tu tập nên tránh bị lôi cuốn theo mà tạo khẩu nghiệp đáng tiếc. Sự bình tâm sẽ giúp cho người tu vượt lên trên thị phi vì những lời thị phi sẽ chỉ ảnh hưởng được những ai hời hợt qua loa đánh giá vấn đề từ cửa miệng; những người sâu sắc, bình tỉnh, có tri thức thì biết nhìn sâu nhìn rộng và chỉ có nhận xét khi đã thẩm định kĩ càng. Thế nên, nếu ta đúng thì hãy giữ vững sự kiên định của tâm thức thì sẽ vượt qua được thị phi. Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Với những người vốn có tính cách bộc trực, muốn “nói thẳng nói thật” – tức là bản chất là có “tâm tốt”, nhưng để lời nói của mình không gieo nhân xấu, nên tự cân nhắc những điều sau đây: 1. Nói có đúng lúc, đúng nơi không? 2. Nói có đúng sự thật không? 3. Nói có tốt cho người nghe không? 4. Nói có đi cùng thái độ hòa nhã không? 5. Nói có xuất phát từ tâm ý tốt, từ lòng vị tha không? Việc thường xuyên tự vấn lấy mình trước khi “nói thẳng nói thật” sẽ giúp chính người nói kiểm soát cơn giận, bởi luyện khẩu cũng chính là điều tâm. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc ưa “nói thẳng, nói thật” với hay “nói lời thô bạo, có ác ý” lại rất mong manh, nếu không tỉnh giác có thể khiến chúng ta sa vào ác khẩu lúc nào không hay. Bậc tu hành là người biết vì người khác mà vị tha, không hành xử theo cảm xúc thông thường và thấu tỏ mọi quy luật nhân quả báo ứng trong vũ trụ. Đức Khổng Tử là bậc đại trí biết tùy thời mà xử hợp đạo lý, dùng lẽ Một mà thông suốt tất cả. Ngài cho rằng người quân tử ở trong thiên hạ không chủ trương phải thế này hay không phải thế khác, chỉ hợp nghĩa thì làm. Còn người bình thường thì thích tranh luận hơn thua vì chỉ muốn hơn nhau một chút khẩu khí. Kính thưa quý vị, Nhớ đến một lời dạy của người xưa: “Lùi một bước biển rộng trời trong”, cũng như câu: “ Vong nộ tắc công, quán lý tắc thuận”, thì quả đúng như vậy, đôi khi vì tranh đấu giành được điều mà mình cho là lẽ phải, nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn. Và nếu chúng ta biết tự quán xét, biết nhường nhịn và lắng nghe thì có lẽ chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều hơn. Hãy luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ. Hơn hết là biết nhìn lại và chỉnh sửa tâm ý của chính mình. Đừng gắng sức tranh giành, rồi sau có hối hận thì cũng đã muộn! Trong tất cả vấn đề thì chữ cẩn trọng rất là trọng yếu, bất luận điều gì chưa rõ, thì không nên vội phán đoán và hành xử thô lỗ, hãy tìm hiểu kỹ sự việc, rất có thể nguyên nhân đó ở chính bản thân mình, khi hiểu được vấn đề thì hãy cùng nhau bàn bạc để giải quyết để đạt đến chổ hòa. Nếu không, sai một niệm, sái một câu, có thể sẽ hỏng cã một đời, hỏng cã một đại sự… Điều này thật sự rất đáng để chúng ta suy ngẩm. Xưa không biết thì đã đành, giờ biết Khẩu Nghiệp thế nào rồi thì sám hối, nhận lỗi và sửa sai, đùng bao giờ tái phạm nữa. Nên nói lời dễ nghe, lời hay, lời có ích cho mọi người, nói lời vui vẻ hòa nhã, nói lời gắn kết yêu thương, nói lời chân thật… Giữ cho Ý trong sạch, Thân trong sạch thì Khẩu cũng trong sạch. Nhân lành ắt quà lành. Khẩu nghiệp ắt được chuyển hóa. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: Trong buổi Hạ ngươn này, Phật Tiên vẫn có trên không trung bao trùm mọi hướng trần gian và dùng điển lực của mình ứng vào tâm thiện mỗi người nơi trần thế để cảnh tỉnh hoặc độ dẫn, hoặc cứu rỗi người đời trong cơn sảy sàng, con Phật, Phật rước; con ma, ma bắt là đây. Mỗi một người trong thế gian, khi lòng được an định, tâm được hướng thượng sẽ tiếp nhận được luồng thanh điển ấy. Nói ra những lời vàng ngọc, tỉnh thế ngộ chơn, có khi chính mình mà mình cũng không biết đó là lời điển của chư Tiên, Phật. Trái lại không phải là hàng thiện lương, đã có sẵn tư tưởng xấu, tâm tà, tánh độc, thì đó là miếng đất tốt cho ma vương, ác quỉ, dụng võ gieo rắc tai họa cho nhân gian và cho chính bản thân của người ấy. Vì việc hệ trọng như vậy, nên đầu mùa xuân nầy, Bần Tăng dặn dò chư đạo hữu, phải luôn luôn tập lòng thanh tịnh, tư tưởng thanh cao hướng thượng, hằng nghĩ điều đạo đức, hằng nói lời đạo đức, bác ái, vị tha, hằng làm điều đạo đức giúp đời cứu chúng, nhứt là phải cẩn hạnh, cẩn ngôn để hiểu câu họa tùng khẩu xuất. Bài học này thiết nghĩ cũng liên quan ít nhiều trong mổi chúng ta, những người đã chọn con đường tu tập cho cuộc đời còn lại của mình. Nhưng khi còn là thân phàm thì trong chúng ta vẫn còn nhiều uẩn khuất trong suy nghĩ mỗi khi đến với nhau trong các đạo sự. Cái tiểu ngã nhỏ nhoi của mổi chúng ta vẫn đôi khi xuất hiện không đúng lúc mà gây ra bất đồng đáng tiếc. Phải chăng chính ý niệm ban đầu của mổi chúng ta đã lệch đi chổ Trung đạo mà chúng ta vô tình tự làm khổ mình và làm khổ lẫn nhau để rồi tạo tác nên khẩu nghiệp. Cái ý niệm phát xuất từ chổ Trung này mà ta tạm gọi là trung niệm sẽ là chất liệu để tạo nên Khẩu đức đến khi xuất khẩu thì vào mỗi trường hợp đều được chánh đáng, thì gọi là hòa. Đã hòa tất nhiên sẽ đặng yên ổn, vui vẻ, thì còn có trở ngại nào mà không đặng thông suốt. Trong Trung Dung nói “Hòa là con đường suốt, chung cho cả thiên hạ”. Chỉ có hòa mới có thễ đưa cá nhân và cả thế giới đạt đến cứu cánh của Đại Đạo. Khẩu đức không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể có mà mổi chúng ta phải trải qua tu tập và thử thách thì mới mong vươn tới đễ có thể làm tròn nghĩa lớn với Ơn trên và các bậc tiền bối. Ơn trên luôn dạy người môn sanh phải chuyên tâm lo tu ba nghiệp thân, khẩu, ý để chế hóa những tư tưởng xấu, tánh độc, tâm tà, là những chủng tử xấu đã ăn sâu vào tâm thức chúng ta. Phép tu không ngoài giữ tâm chánh niệm, giữ ý thiện lành để tu cái nghiệp khẩu, tránh cái nghiệp thân. Nói năng không cẩn trọng, thiếu chánh niệm sẽ mang họa vào mình, cái họa trước mắt có thể là bị phản ứng của người khác như phỉ báng, chê cười, bị xa lánh, … Xa hơn là khẩu nghiệp phải mang theo và phải trả nhiều đời nhiều kiếp, nguy hại không cùng. Người xưa cũng có dạy: “ Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tỗn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê...để rồi phải tranh đấu, đấu tranh gây bao đau khổ, phiền não. Cũng có câu “Cái lưỡi không có xương nhưng nó đủ cứng để sát thương người khác”. Nhưng cái lưởi biết tu thì sẽ tiếp được Ơn điển của Phật Tiên mới tạo nên khẩu đức có đủ sức mạnh cảm hóa được chúng sanh, mang hạnh phúc an vui đến mọi người. Kính thưa quý vị, Lá trà nếu đủ thời gian tẩm ướp thì sẽ có thể tỏa ra mùi hương thơm ngát, sưởi ấm lòng người. Người tu tập biết huân tập bình tâm định ý thì khẩu đức sẽ là nguồn nước thanh lương xóa tan mọi phiền nảo, giải hóa mọi nghiệp chướng vậy. Rất lòng thành tín. Rút gọn
0 Comments
Leave a Reply. |
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |