Ngày 16 tháng 11 năm Ất Tỵ
(8-12-1965) ĐÔNG chấn chuyển thông tỉnh mộng trần, PHƯƠNG tu sám hối sớm canh tân. LÃO khuyên nam nữ quày chơn lại, TỔ tổ truyền tâm, xuất chí nhơn. Bần Đạo chào chư môn sanh nam nữ, thành tâm nghe dạy (Cắm cây nhang lại - Nhớ cẩn thận - Không được, cắm lại). Hôm nay, Bần Đạo đến để chứng lễ sám hối của chư môn sanh và ban phước huệ cho mỗi hiền đồ, sớm hoạch đắc chơn lý, mà làm tròn bổn phận của quyền pháp đã trao gắn ở mỗi hiền đồ. Nhận thấy lễ sám hối đã được kết quả 20%. Tuy không trọn vẹn, nhưng bước đầu khơi nguồn xẻ rạch rồi, cũng lần hồi ngọn nước từ tâm sẽ khơi rộng lạch nguồn, mà tuôn chảy vượt qua những thác gành trở ngại. Một phần lớn trong cuộc lễ sám hối còn thờ ơ, chưa thiết tha đau đớn cho tội lỗi mà tự thân, khẩu, ý của mình đã gây nhiều ngày, nhiều kiếp. Nhơn cơ hội hồng ân chảy đến, mà không cố gắng gột tẩy lòng phàm, thì thiệt là uổng biết dường nào! Xem thêm
Các đệ tử chưa nhận được những lỗi lầm mình đã gây ra. Có nhiều mối oan gia trái chủ buộc ràng, không để cho thân mình tự do, nên mỗi ngày loanh quanh trong xó hẹp lòng trần. Nếu ngày nào các đệ tử nhận được nghiệp chướng buộc ràng, làm trở ngại cho tâm hồn giải thoát, mà đau buồn, xấu hổ, thì ngày ấy đã tiến sâu một đôi khoảng vào đường thanh tịnh. Nhắc lại một chuyện: Ngày xưa, có một đạo sĩ tham thiền, đứng trước bao nhiêu cảnh thử thách quyến rũ, mà lòng không lay chuyển. Vị quan đại thần kia được nghe tiếng, mời người đi coi hát xướng. Người cũng đi, nhưng rốt cùng vị đại thần hỏi lại những thú vui linh hoạt trong hí trường, thì Người nói không thấy, không nghe gì, lạ thay! Vị đại thần không tin được. Để chứng minh bằng một cách cụ thể lòng thành thật của mình, Người bảo vị đại thần: Muốn biết rõ lòng tôi không dối trá, ngoa ngôn, thì cho tôi một người tù tử hình. Rồi quan cứ tổ chức các cuộc vui ly kỳ, để tôi đem người tử hình đó thí nghiệm. Ngày ấy, vị đại thần tổ chức một cuộc vui linh động. Vị tu sĩ kia bảo người tử hình: Ngươi bưng chén nước nầy, từ đây đi đến đằng kia, mà không chao đổ, thì ta sẽ xin án ngươi được tha bổng. Người tù vui mừng chắc sẽ thoát được cái chết bên lưng, bằng lòng bưng chén nước đi ngang qua đám trò múa rối, đủ đờn hát ca xang, đủ cách cuốn lôi quyến rũ. Khán giả say sưa, tiếng cười, tiếng vỗ tay vang dậy, mà người tù chăm chỉ bưng đi một mạch, đến nơi không chao lắc.
Phải chăng người tù đó muốn sao cho mình khỏi chết, khỏi bị hành hình, lấy đó làm mục đích, nên còn vui gì, biết gì ngoài cái thân nầy, ngoài cái chén nước nầy! Ôi! Có phải người tù thấy được cái tội lỗi ghê gớm của mình, chỉ mong cầu thoát khỏi là hạnh phúc hơn hết chăng? Cũng vậy đó, vì các hiền đồ chưa thấy được mình bị tội tử hình như gã tù kia, mà chưa có lòng ăn năn sợ sệt, cho nên thiếu sự chủ tâm, thiếu lòng thiết tha vào đường sám hối, để giải phóng cho thân, giải thoát cho linh hồn. Nếu các đệ tử nhận thấy được lòng mình là một kho tội lỗi, thì ai đâu không hết sức van lạy cầu xin! Các mối oan trái đã sâu, thắt chặt giữa trò với con vợ trò, cha mẹ trò, anh chị em trò, người ở và kẻ quen biết của trò. Cái ổ tội lỗi đó gây ra từ trong gia đình, gia tộc, rồi mới đến làng nước, quê hương. Vì vậy mà từ xưa nay kẻ thù oán của trò, kẻ vay mượn của trò, là con, là chồng, là vợ, là cha mẹ, anh em, họ hàng, bậu bạn. Rồi đến đoàn thể và kẻ chung quanh, mà mối nhân duyên đó cứ kéo níu nhau, từ kiếp xa xăm quá khứ đến ngày nay, rồi lôi dắt mãi cho đến kiếp sau và nhiều kiếp nữa. Cái dây oan trái đó không đoạn cắt được, thì mãi cứ chằng chịt, mà đưa nhau vào nẻo luân hồi. Ở đời mạt kiếp nầy, ai là người thì không ai khỏi lỗi, nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động? Liếc trừng một cái, xủ mặt một khi, đã gieo vào lòng mình một hay nhiều hạt giống nhân quả, đã phóng vòng dây đến người, rồi sẽ báo trả với nhau. Hôm nay, các hiền đồ được Ơn Trời mở lượng từ bi, được tiếng chuông giác tỉnh mai chiều. Nếu ngọn thác nguy hiểm kia đã kéo các trò dừng bước, mà không chịu đứng lại, thì cái chết đã đành! Sau nầy, đừng trách Thần Thánh không thương, Phật Trời không độ! Lễ sám hối là một thang thuốc khử độc diệt trùng, chữa bệnh trầm kha cho các đệ tử. Nếu không ráng mà uống, không nhận là hay, thì Phật Tiên cũng ôm trán mà than. Ôi! Nước mắt vì thương trò chảy xuống, cũng cam lấy lòng buồn, chớ biết sao mà cứu được? Các trò ráng, ráng đi! Thuốc có đắng mới dã tật, lời thật phải mích lòng. Nhưng không dùng lời thật, thuốc đắng nầy, ôi! Làm sao cứu được các trò? Chẳng những sau nầy các trò bị khiển trách, vì tội lỗi không biết ăn năn. Mà cho đến kẻ chịu trách nhiệm dìu dắt các trò là Thần, Thánh, Tiên, Phật, cũng xấu hổ, vì bất tài bất lực, bị Cha Trời quở trách, bởi Người phó thác để độ đám con cái của Người. Nào khác chi kẻ đi chăn chiên mà để chiên đói, chiên nhớp, chiên ghẻ và sài, chiên bị lạc mất đi, chiên bị cọp beo bắt thịt, thì sao khỏi bị chủ la rầy? Ôi! Thần Tiên đến với các trò, nào khác kẻ chăn chiên, thì làm sao khỏi buồn, khỏi khổ? Phải chi dễ dàng mạng thế mạng, thân thế thân, cũng không ngại. Ngặt đâu phải cần thế! Mà cần ở tình thương của Thượng Đế, sự sống ở nơi trò. Ôi! Bất đắc dĩ, hôm nay cũng phải cạn lời. Dầu các hiền đồ có cảm thông hay chăng, cũng làm lấy bổn phận, như mật rót vào tai, các hiền đồ cũng nên thương mình, mà thương giùm cho Tiên Phật ! (Đọc . . .) (Điển Ký vì quá cảm xúc những lời Thánh giáo, nên nghẹn ngào không đọc được). Thôi không đọc được thì thôi. Đây Bần Đạo nói qua về chương lý giải này là trăm sự khó. Một phần lớn là người đồng chưa ý thức được tổ chức Minh Lý. Hai là sự kiện thâm vi đạo pháp, không dễ đặt lời. Ba là các hiền đồ thiếu lòng thanh tịnh tập trung. Cho nên Đức Ngọc Đế cũng lo, mà Trần Hưng Đạo cũng thấy nhiều phần khó được trọn vẹn. Nhưng dầu sao cũng cố gắng với nhau, để tương quan trên sự tiếp nhận: cốt là giúp cho đồng tử trọn lấy điển quang. Thôi, Bần Đạo nhường Cơ cho HƯNG ĐẠO. Các hiền đem bình trấn điển, rồi nghỉ một chút, sẽ tái cầu. Hiền nào mệt thì được nghỉ. Nhưng cần đóng góp với nhau một vài phần công phu lý giải. (Ngài làm phép trong Ngọc bình). Bần Đạo chào. Thăng (12g25) Rút gọn
0 Comments
Ngày 1 tháng 11 năm Bính Ngọ
(12-12-1966) THÁI hư một khí gốc sanh thành, ẤT giáp dễ gì biết được danh. CHƠN lý dương dương đầy vũ trụ, NHƠN tình hiểm hóc khó phân minh. Bần Đạo chào chư Thiên ân, chư đạo tâm nam nữ. Nhơn dịp ghé lại đàn để ban trợ điển lành cho toàn đạo. Gốc được vững chắc thì ngọn mới nở nang, sung nẫm, mà rồi hoa quả được kết nên nhiều. Của quí này nhờ công phu vun tưới, cộng với thời tiết, mà trở nên trái ngọt, bông thơm, để cùng nhau chung hưởng. Ngoài ra, chia cho mọi người được nếm mùi vị, để rồi người người cũng biết là quí mà trồng lấy, đâu đâu cũng được kết quả như mình, thì xét ra đâu phải riêng ai mà được. Dầu thời tiết của trời có thuận, song không có người trồng cấy, chăm nom vun bón, thì làm gì có quả ngon bông quí. Trái lại, có người biết lo, mà không có trời, cũng khó thâu gặt kết quả. Vì vậy, bất cứ là ai, làm một việc gì cũng đều có tương quan mật thiết vô cùng. Nên kẻ hiện tiền biết lo làm điều lành, lánh sự dữ, thì đến khi lâm chung, sẽ được ban thưởng công trình. Hôm nay chư đệ tử có lòng muốn vời Minh Truyền lâm cơ, để trò chuyện cùng nhau trên tình đồng đạo: người khuất mặt, kẻ hiện tiền, đôi bên tương ngộ. Đó phải chăng cái tình xưa nghĩa cũ, tuy là cách nhau, song ở lòng mỗi người còn lưu niệm nhớ nhung. Tình ấy mà xưa nay đã quấn quít nhau, đã trở thành một nền đạo di truyền trong nòi giống, rất thiêng liêng. Nên kẻ mất, người còn, tuy không thấy nhau, chớ luôn luôn gần nhau như trong gang tấc. Xem thêm
Bần Đạo hôm nay giúp điển cho Minh Truyền, để đặt lại vấn đề hữu bằng tương hệ. (Đọc) Chư đệ tử một vài phần nơi đây có những mối phân vân, mà hôm nay Bần Đạo đến, để gỡ cho những gút mắc được suốt thông, thì lòng phân vân trở nên minh bạch. Minh Truyền ngày sống cũng như vạn người sống. Lẽ tất nhiên, đã là nguời thì có tâm tư, có tình cảm. Tâm tình phối ngẫu, mà sanh ra có phải có trái, chỗ đồng chỗ dị. Khác nhau, đồng dị không ở tánh bản nhiên, mà ở tình do Hậu thiên kết cấu. Song tình có nhiều mối, mà nảy sanh có sáng có mờ, có thân có sơ, có rộng có hẹp. Rộng hẹp do ở người đã kết cấu hoặc lành hay dữ mà ra. Nên dị mà đồng, đồng mà dị, cũng chỉ là tình, thì khỏi cần bàn thêm. Đã nói trong vạn trùng thiên hạ, không ai giống ai, là vì cái đó. Cái đó đã gây nên sóng gió mịt mù, mà cũng cái đó đã tạo nên cho đời quang minh, hạnh phúc. Tình thì có ghét thương, lấy bỏ, song ghét thương đâu phải là bậy. Bậy ở người ghét không nhằm lẽ, thương chẳng đúng đường. Nhưng ở đời ai chịu cha mình ăn cướp, cứ nói mình là phải, dầu sai muôn vạn lần, cũng không hề nhận được sai. Ôi! Sao mê muội quá vậy! Đã nói người có tâm trí, thì tất nhiên có sự phán đoán. Lẽ nào không nhận cái quấy là quấy, cái phải là phải! Song nhận thì có nhận, nhưng vì cái sự nhận đó nó lệch đi một bên, nên chỉ thấy mình, mình là bản ngã. Bản ngã nào cũng ưng cho mình hơn, mình phải, mình no, mình ấm, mình có con khôn vợ đẹp, dầu có hại cho ai cũng trối thây thiên hạ, vì cái che đó là cái vô minh. Vô minh chẳng những ở kẻ ngu, kẻ hèn, mà cho chí đến bậc thượng nhơn, đại trí cũng vô minh như dĩ (vô minh mà thôi), càng cao thì vô minh càng thiện xảo. Nhưng phần nhiều kẻ trên cho kẻ dưới là khờ, chớ chưa hề thấy kẻ dưới cho người trên là ngốc. Song dầu sao mặc lòng, đã nói có tâm tư, tất nhiên phải có tình cảm. Tình cảm hoặc rộng, hoặc hẹp, hoặc trái, hoặc phải, do sự tiến bộ hay thối lui của tinh thần bên trong, thì các đệ tử cũng nên suy nghĩ. Minh Truyền đã được phong Thánh, nhiều nơi có lâm đàn dạy đạo. Trái lại, nơi này là cội rễ của sự phát sanh, mà như tuồng thanh tịnh. Hay lắm! Đúng lắm! Đã nói là tình, đã nói là tâm, căn cứ vào tình, thì lại thấy tình là thiên biến vạn hóa. Còn căn cứ vào tâm, thì tịch nhiên thường trụ. Tịch nhiên là đoan nghê của Chơn Lý, gốc sự thật và lẽ phải. Các hiền đồ nên phăng lại mối đầu, hay phải dò theo vạn trùng biến hóa? Bần Đạo khuyên chư hiền đồ giữ thái độ tịch nhiên bất khả tư nghị là hay hơn cả. (Đọc) Vậy Bần Đạo từ đây ban nhiều ơn cho mỗi đệ tử, dầu nam hay nữ, cũng được nhận ơn huệ từ Trời đổ xuống, không riêng cho một ai. Nhưng ơn huệ khác gì đám mưa xuân, mà có hứng được nước ngọt, chứa lại dành cho nóng khát của trời hè hay không là do người biết lo xa hay không để ý. Mà sự công bình đó xét lại, kẻ thì nhiều, người thì ít, cũng có kẻ chẳng được giọt nào, là vì đồ chứa bé hay to, hoặc hứng hay không, nên nghĩ cho kỹ. Bần Đạo nhượng cơ Minh Truyền tiếp điển, chư hiền đồ thanh tịnh mà rước người. Bần Đạo Thăng TIẾP ĐIỂN MINH bạch nên người mới mến thân, TRUYỀN cho ai nấy một tinh thần. ĐẠO Trời rộng rãi dung muôn vật, SĨ tử cùng nhau lãnh lấy phần. Tệ Sĩ chào chư đạo trưởng, chư đạo tâm thân mến. Kính mời quí đạo trưởng, quí đạo tâm an tọa. Rất sung sướng được ngày này! Chư đạo hữu thiết đàn để giữa chúng ta gặp nhau, thật là một kỷ niệm vô cùng thâm thiết. Tệ Sĩ không sao quên được cái tình sâu xa, cái nghĩa tương hệ sống đời, mà lúc hiện tiền đã may duyên gặp Đạo, nhờ Đạo mà giao thiệp đó đây. Bởi vậy mà sự tương quan giữa tình đồng đạo, đã cho nhiều bài học hay ho. Xét lại mình còn lắm sai lầm, nhưng tình đời nghĩa đạo đôi bên khéo chắp mà se săn, lại hay tha thứ. Quí báu thay là Đạo! Kính mến thay là Đạo! Nếu sống giữa đời mà không có Đạo để làm trung gian, thì tránh sao khỏi đụng chạm nhau, trách phiền nhau, mà gây nên khó khăn muôn thuở. Không sao quên được khi chén cơm, chén thuốc của đạo đồng! Không quên được những kẻ xa, người gần đi lại, tới lui viếng thăm, nhắc nhở! Không quên được lòng cao cả của bực đạo cao đức rộng hay thứ tha, mà hay an ủi! Tóm lại, không quên được ơn Thầy, ơn bạn! Nhờ bạn mà yên vững trên bước đời chông gai, nhờ Thầy mà phá được mây mù trong khoảng đường tăm tối. Thầy bạn đã là ruột gan, mà thân tộc họ hàng cũng là tay chơn, nhờ đó đỡ cho mình biết mấy! Hôm nay, cũng như những ngày đau yếu và lúc chung qui, được tiếp nhận một nguồn an ủi. Lúc còn, lúc mất, đã thấy nhau đông đúc lạ thường, khuyến khích cho tâm hồn Tệ Sĩ còn phải cố gắng nhiều, để đáp lại thạnh tình của toàn đạo. Tệ sĩ hôm nay ghé về đây để tỏ ít lời tâm sự. Nói ghé về là nói hiện ra ở ngòi Cơ, ở bàn đàn, chớ đâu phải ở đâu mà ghé. Luôn luôn Tệ Sĩ hằng sát cánh nhau với đồng đạo, để phò trì Chánh pháp, để giúp sức cho huynh đệ trong giờ giấc (T.), trong việc làm và khi đi ra, hầu bòn mót một ít công để vá đắp lại những chỗ rạn nứt, hỏng hư, những ngày còn mang xác thịt, thì tình dài ý vắn để cảm thông và thành thật gởi đến anh chị em xa gần với tấm lòng biết ơn của Tệ Sĩ. Đường đời mù mịt, cũng không một ai tài chi mà dám tự hào là suốt thông, chưa từng vấp ngã. Tệ Sĩ cũng như mọi người, hạnh phước là biết tự trỗi lên trong khi phải té. Thì chúng ta nhờ đuốc thần soi dẫn, nhờ đồng đạo cộng sức mà tiến lên. Vậy Tệ Sĩ có bài thi để kỷ niệm ngày này, được gởi đến những tình tri giao, tri kỷ. BÀI Đường đời mờ mịt gai chông, Nhờ Thầy, nhờ bạn, khai thông dễ dàng. Trải qua mà được bình an, Lòng tôi ghi nhớ đạo tràng gần xa. Nhớ hồi gặp phải phong ba, Nhờ người lèo lái, vượt qua dễ dàng. Nhớ hồi cực khổ, gian nan, Nhờ Trời giúp đỡ, tính toan lẹ làng. Nhớ khi sống với đạo tràng, Khi vui, khi khổ, chung bàn sớt chia. Nhờ người thế giới bên kia, Âm phò mặc hộ, mà lìa nghiệp duyên. Hôm nay, liễu đạo về Tiên, Lòng hằng ghi tạc (mối) tương liên ngày còn. Hôm nay, Minh Lý được tròn, Pháp quyền được tỏ, lòng son được bày. Công trình đạo hữu xưa nay, Đã từng chịu đựng, đắng cay tu hành. Bảng Trời, ai cũng rạng danh, Ân oai sứ mạng, Trời dành trao ban. Nay mai, mối chính mở mang, Thành hình trọn vẹn, huy hoàng biết bao! Mỗi ngày, tâm đức mỗi trau, Đường tu tiến mãi, mà vào cung Tiên. Mấy lời kính tặng chư hiền, Công phu hoằng hóa, hoàn tuyền từ đây. (Đọc) Giấy vắn, tình dài, không gì hơn là anh em biết thương nhau, mà tha thứ, giúp đỡ nhau, là quí hơn tất cả. Đây cũng khuyên đạo trưởng Minh Thiện, gắng nhiều để hoàn thành sự nghiệp cho Minh Lý, mà cũng hoàn thành công phu tu học của đạo tràng. Minh Lý đã trải qua nhiều khó khăn nhờ có sự trì thủ của đạo trưởng và có lòng nhẫn nhục, nên thuyền đạo mới được ghé bến một cách dễ dàng. Còn mọi sự nói chung, mong anh chị em đạo hữu tiếp tay cùng Minh Thiện để chia lo sứ mạng quyền pháp nơi nhà đạo của mình. Tệ Sĩ và các Thánh Thiên đồ mãi đeo đuổi cùng anh em đến tận mục đích.
Sự vật thì biến đổi vô thường, mà tâm là tịch tịnh. Tịch là nguồn sinh của vạn hữu, tịnh là mối đầu của muôn tượng, muôn pháp. Nếu không dụng tâm mà trị vật, thì bị vật mãi đảo điên. Nên muốn nghĩa tử nhớ lại lời xưa, về chung hiệp với nơi đây, để trước bồi căn cho bản thể, sau giúp đạo mở mang. Nhiêu đó, tự xét. Tệ Sĩ làm phiền cũng quá nhiều thì giờ. Tệ Sĩ chào chư đạo trưởng… Rút gọn
|
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |