Thế đạo nơi tâm gắng giữ gìn, Khó khăn cũng nguyện một lòng tin. Cơ đồ sự nghiệp chung xây đấp, MINH LÝ nay mai được hiện hình. Hôm nay, đợt tu công phu tu tập ôn luyện để hoàn tất chương trình của chư đạo tâm được ƠN TRÊN chọn vào mật thất. Vào mật thất là một bước tu vượt đẳng mà xưa nay MINH LÝ chưa ai nghĩ đến. Nếu tu mà không lấy tâm làm chuẩn xác thì không hề chứng ngộ. Bỡi vậy nên Đức CHÍ TÔN mới sai các bậc Đại Tiên đến để hộ mạng trợ duyên cho chư đạo tâm đạt đến công phu Trung Nhứt, công phu tối thượng trong môn yếu Đại Thừa. Nếu không “chuyên tâm nhứt xứ” thì tâm phân tán, dong ruổi với trần duyên, mà trần căn là mối loạn che mờ tự tánh, không cho người hành giả thấy được bản giác Chơn Tâm. Chẳng những lấp khuất nguyên thể mà còn tạo nghiệp lôi cuốn tự ngả quanh quẩn trong nẽo luân hồi. Nên “chuyên tâm nhứt xứ” là khiến tâm trở về yên nghĩ, không còn động loạn, dẹp được tướng duyên của vọng thức. “Chuyên tâm nhứt xứ” là làm cho tâm nhứt tâm, tâm qui hoàn nguyên thể.Nhứt tâm là tâm được khế đồng cùng Đạo, tâm không đối tượng, tâm nhứt nguyên. Đã nhứt nguyên thì nhứt thể cùng vạn pháp vạn duyên. Tâm hiệp với Đạo thì tất cả nhứt như, bình đẳng, không hai, không khác, nên không có đối đải sanh nhị tâm, thì dầu đối cảnh xúc chạm với tiền trần, hòa hợp giữa vạn vật, mà không đắm mê vướng mắc, nên tự tại giải thoát, ngày tháng tự do, sống như ngày nào chung lộn mà chưa hề phân cách, vật là vật, tâm là tâm, tâm không trước vật, vật không nhiểm tâm. Như thế tâm được làm chủ hoàn toàn, dầu sống cảnh ngộ nào cũng thung dung, chẳng gì làm cho lay chuyển, buồn vui vô cớ. Nên sự chuyên nhứt tâm là khiến cho bảy tình, sáu thức được hoàn nguyên lại tự thể, không cần chế phục mà tự chúng qui thuận, không dụng tâm ngăn cấm, chống cự với căn trần, mà căn trần chẳng còn hí lộng. Vì vậy mà luyện tâm chuyên nhứt là môn đốn ngộ Đại thừa, không khó nhọc mà thành quả lớn vậy. Song các đạo tâm có giác ngộ tự phủi buông bỏ cái danh lợi, ân ái tầm thường để cầu chứng cái diệu tâm làm chủ cả Kiền Khôn đại địa? Nếu chưa giác ngộ về đường sanh tử thì làm sao nhập Thánh siêu phàm . Nếu không giác ngộ thì mãi cứ nuối tiếc của đời, lấy khôn khéo vụng về của tâm thức cho là vinh, mà tâm thức là giặc lòng, người đời gọi đó là con, nên mấy ai dám từ bỏ ! Ngày nào chư đạo tâm chưa mạnh mẻ bước thẳng vào “Tỳ Lô”, nhập “hải ấn”, thì ngày đó các đạo tâm còn nô lệ cho nghiệp căn. Mà Bần Đạo thấy chư hành giả chưa chịu ngồi yên ở nhà giác ngộ, chốc chốc ra, chốc chốc vào, thoạt đứng, thoạt đi, không thấy đó là nguồn hạnh phúc đời đời sẽ đến cho mình….. PHẬT nói : “ 7 ngày tâm không loạn thì liền được vào An lạc quốc Di Đà; mà 7 ngày niệm danh hiệu Di ĐÀ mà còn được thế , vì sao? Vì chỉ có chuyên tâm nhớ Phật Di ĐÀ, ngoài ra không còn biết chi hơn nữa. …..Nếu chư hành giả ý thức mà thực nghiệm thì tự mình là Thánh đồng với vạn hóa thần linh, mà còn làm cho quyền pháp MINH LÝ hiển đạt, sự nghiệp MINH LÝ bao la. Vậy môn nhập “Tỳ Lô hải ấn” là môn chấp Trung thủ Nhứt, còn đâu hơn nữa !... ĐỨC VĂN THÙ BỒ TÁT 24 tháng 4, Quý Hợi (9/6/83)
0 Comments
Mồng 1 tháng 3 năm Nhâm Tuất
(25-3-1982) BÁC NHÃ tâm khai được mấy người? THIỀN phòng vận dụng đã đầy vơi. SƯ đồ mật nhiệm ai thâm hiểu? Giáng giáng thăng thăng phải ứng thời. Hôm nay, Bần Tăng thể lòng đạo sự lâm đàn để lời nhắc bảo chư Thiên ân luôn luôn y hành quyền pháp. Quyền pháp là kim chỉ nam, phải theo đó mà tu, mà hành. Bỏ nó thì lạc hướng, sai đường, từ chỗ siêu vi sa nơi sắc tướng. Vì vậy mà người Thiên ân và đạo hữu nên tiểu tâm mới còn trong ơn cứu độ trong giai đoạn quyền pháp bước sang tinh yếu của Đạo. Sự giác ngộ tu hành của mỗi người (là) được nhận thấy vị trí của mình đương đứng trong đẳng thứ nào, để cho thấy mức độ quyền pháp đến đâu. Nên đàn cơ cũng vì đó và cũng vì hoàn cảnh bên ngoài phải được giảm thiểu tối đa. Nhưng đã là hồng ân thì mỗi năm cũng đặc biệt cho đạo hữu một vài kỳ gọi là đàn ban ơn điểm hóa. Còn chỉ dành cho các khóa mật phòng, các kỳ tu hội. Nói thế, chắc các hiền hiểu ý Thánh cơ, thì nên nghiêm chỉnh giữ tôn nghiêm cho quyền pháp được bền vững. Nghĩa là từ đây trở đi, các đàn cơ dành cho thanh tịnh giới; dành cho chư chức sắc đương hành quyền xử vị; dành cho những cơ vi biến động trong ngoài. Nên Thánh ý dạy những lời thâm uyên ẩn áo về bí pháp tâm truyền, đặc biệt cho những người phát tâm cầu pháp. Xem thêm
Bần Tăng cũng thường nhắc đi nhắc lại chư hiền đệ muội Thiên ân: Học cho chính, cho thâm, đừng nên học nhiều mà không nắm được yếu chỉ. Hơn nữa, những Thánh huấn ban ra mà học cũng chưa thâm nghĩa nhập thần. Đàn cơ cũng không nên thiết lập những khi chưa phải cần thiết, làm phiền đến Thánh Tiên. Đôi khi Ơn Trên đến mà Hội Thánh thiếu lễ tiếp nghinh, thiếu phần tâm đức. Thần Tiên lúc nào cũng từ bi, nhưng đối với người quyền pháp luôn luôn có sự tôn kính tuyệt đối, lễ nghi hiến cúng đầy đủ, trừ phi cẩn cấp Ơn Trên chuyển đàn thì đó là sự bất ngờ, chúng ta có thiếu sót cũng không lỗi. … … … Đây Bần Tăng nhắc lại chư Thiên ân về sứ mạng của mình, chính cốt ở nơi lòng thanh tịnh giải thoát. Có giải thoát được mọi danh sắc mới không bị nô lệ duyên trần, có thanh tịnh được mới phát Bồ Đề tâm mà cùng Trời làm một. Nên người Thiên ân ý thức được quyền pháp nơi mình, phải nâng mình lên cho ngang với địa vị thánh thiện, thì công việc hoằng thâm giáo pháp mới không bị sai lầm, mà còn làm cho địa vị của Hội Thánh được tôn vinh, làm cho phẩm cách Thiên ân được quí trọng; danh nghĩa của Hội Thánh, uy đức của Thiên ân được lan tỏa xa gần, gây nhiều ảnh hưởng nhiếp hóa quần sanh, đạo Trời trùng hưng, cơ phục sinh mới hiển lộ ở lòng quần chúng. Muốn làm được bao nhiêu việc đó, cốt ở: Trí thức siêu phàm; Đạo đức tột bực; Tài lực hùng dũng. Ba điều đó, Phật giáo gọi: Bi, Trí, Dũng; Nho giáo gọi: Nhân, Trí, Dũng. Có Nhân là đạo đức, mà không Trí thì đạo đức khô khan, chết nguội. Có Trí là huệ, mà không đủ đạo đức cũng gây loạn, làm tàn hại lẫn nhau. Có “đạo đức” và “trí thức” mà thiếu “dũng cảm” cũng chẳng thành công, cũng không nên việc cho mình thực hiện. Nên sức mạnh là công cụ để chiến thắng mọi khó khăn ở tâm nghiệp, ở chướng cảnh. Người giác ngộ thấy được đạo là phương cứu cánh mà không có dũng lực thì không thắng nổi nghiệp chướng, không trừ dẹp được tâm dục, không ngăn được tình cảm riêng tư, không dám buông tay mà độc lập, không thể làm được những việc mà người khác cản ngăn. Không gan góc mãnh liệt thì không vượt qua nổi thiên nguy vạn khổ và vào chỗ quyền uy, gươm đạn để cứu người. Chúng ta phần đông thiếu sức mạnh để làm Thánh, để nên Đạo. Cái vụn vặt nhỏ nhen, những thứ ăn quà ngoài bữa, tập quán chơi bời, thói quen không sao rứt bỏ nổi thì không làm sao bóp chết ý thức triền miên trong thân tâm trí não. Sức mạnh mà có là nhờ ở gom thần chỉ niệm, tập trung tư tưởng, ít nghe, ít nói, ít thấy, ít ăn ngủ; chăm chăm chiều sớm giữ đừng phóng tâm, giữ tâm y hành thánh pháp. Định trụ được nhiều ngày, tinh thần được chuyên nhứt, thì sức mạnh hét lên cũng làm cho đá bay nhà đổ, sức mạnh có thể khiến được nước chảy ngược, mặt đất rung rinh. Sức mạnh của định lực sai sử được ngũ lôi vạn thần, muốn mưa thì có mưa, muốn gió thì có gió, … muốn kẻ đui được sáng, kẻ què được lành, kẻ chết được sống lại, … Cái quyền lực của sức mạnh nơi người đâu phải nhiêu đó là đủ vĩ đại, mà còn khiến cho loạn thành trị, nguy ra an, thay đời đổi cảnh. Sức mạnh nhờ ở định tâm, nhờ ở thiền quán, nhờ tu tập nhiều ngày, nhờ có trợ duyên bên trong bên ngoài. Nó là “nguyên tử hạch tâm” của khoa học mà họ đương nghĩ sẽ làm cho thế giới trở thành hoàng kim, nhưng vì họ thiếu đạo đức, thiếu trí Bác Nhã mà hóa ra cơ tận diệt đến cho đời. Hôm nay đây, Bần Tăng khuyên chư đạo tâm nên giữ giới để ngăn phòng vọng tâm, để chế kềm vọng ý. Tâm đã chế, ý đã kềm thì lòng được yên. Yên trong yên ngoài thì thể tâm được định. Định thì sanh Huệ. Định huệ có rồi thì vọng ý dục tâm tự mất, định lực giải trừ, vãn hồi sức mạnh do đó mà ra. Nên cốt vào mật thất là tăng huy sức mạnh của tâm, hiển hiện sự sáng suốt và đạo đức nơi lòng. Bởi vậy, vào mật phòng rất cần cho Thiên ân sớm thành công, làm tròn sứ mạng. … … … Nói chung, chư mật thất thiền viên cũng khá khen. Mới một vài thất cũng như một vài năm tu học của nhiều người. Khá khen, nhưng sức mạnh và trí sáng đó còn ở bên ngoài, như Minh Cường: “Tri nhơn giả, trí; Tự tri giả, minh. Thắng nhơn giả, lực; Tự thắng giả, cường”, mà đây còn lực, còn trí. Phải đi vào các thất 14 ngày sắp đến, các hiền nghĩ sao? … … … Khi đã làm thì cũng đừng nghĩ đến sức, đến vị. Mọi việc đã xong, tất cả hiến dâng, tất cả cúng dường cho chúng sanh pháp giới. Nói là thế, khi tình chí đã hoàn về gốc thì sức khỏe tự tăng, tinh thần tự túc. Về khóa Xuân phân năm nay, tinh thần tịnh viên có phần sâu hơn, thâm nhập căn đề đạo pháp ba phần mười hơn mỗi năm qua. Cũng đáng mừng cho Minh Lý Thiên ân tinh thần tự giác. … … … Thôi, Bần Tăng chào chư thiên ân, chư đạo tâm. - Khai Ngộ bạch: Pháp môn tu tịnh của Minh Lý xưa nay chưa dạy phải nhịn ăn trong khóa tu. Nay có đạo hữu muốn nhập thất xin không ăn, chỉ uống nước. Xin Ngài chỉ dạy điều ấy có chấp nhận được không? - Miễn làm như thế nào mà giữ còn cái tự nhiên ở trong tâm thanh tịnh. Không ăn cũng là một việc phải đến. Chưa đến, đừng để tinh huyết kém, sức khỏe yếu, con ngựa không đủ sức đưa mình đến nơi. Mà ai cũng phải cần đến nơi cứu cánh cho mình, cho Đạo, cho chung quanh. Nếu nửa đường sức khỏe làm trở ngại thì phải chuyển sanh để hoàn tất là việc bất dĩ mà thôi. Song Tường Minh, Diệu Chơn Không, Diệu Chơn Chơn, đó là việc thường làm, cũng không hại. Song cùng nhau nhứt trí một chương trình là hay. … … … Thăng 22g40 Rút gọn
Tam Tông Miếu Ngày 29 , tháng 10 năm Bính Thìn (19– 12- 1976) 20g 20 T H I : Gíó bấc đêm đông lạnh buốt người, Vưng hồng sưởi ấm khắp nơi nơi. Xuân về còn phải qua bao đoạn, Khóc mướt rồi sau lắm tiếng cười. Bần Đạo chào chư huynh đệ môn trung thanh tịnh nghe dạy. Chư thiên ân đệ muội đã từng trải qua những bước đời buồn vui cười khóc thế sự vô thường gẫ đến người đến ta, ai cũng chung chịu kiếp đồ linh đinh chìm nổi, có có không không, chỉ Đạo là nguồn sống miên trường, chư Thiên ân đệ muội đã từng theo Bần Đạo tu học bao năm ít nhiều cũng nếm được hương vị thâm trầm của Đạo pháp thì nên cố gắng hết tuổi Trời, chung vun đắp nền đạo đức cho vững mạnh để làm nơi y cứ, làm cho con thuyền vượt khỏi chốn bể khổ sông mê. Xem thêm
Hôm nay, đợt tu Đông Chí, chư Thiên ân đệ muội đã dọn mình đón nhận Nhứt dương lai phục ân phước dành cho để trợ trưởng đạo tâm làm tròn nhiệm vụ. Bần Đạo mừng vui được thấy ngày nầy sự tu học có phần tiến triển. Mỗi một khi vượt qua lên một tầng công phu đạo hạnh là một lần chịu thử thách gay go. Nếu thắng được ngoại cảnh mà không thắng được nội tâm thì cũng chưa mấy kết quả. Về môn Huyền Công Bác Nhã năm nay sở dĩ cho tịnh trước ba ngày là vì hoàn cảnh đặc biệt nhứt của giai đoạn gay go nầy. Dầu các Thiên ân đệ muội đạo tâm có kiên cố đến đâu cũng không chủ nổi ý tình bị ngoại giới lung lạc làm phân tâm tinh thần bất định. Nếu muốn đón Nhứt dương sơ phục của ngày Đông Chí đến hằng năm, thì chư Thiên ân đệ muội phải chỉnh tu quyền pháp nơi lòng, khiến cho tâm địa an nhiên mà hòa nhịp cùng thiên địa sanh cơ, nhịp nhàng đồng tiến, nội ngoại tương tùy thì sự kết quả mùa tu mới mong thu lượm. Đó là lý do khác hẳn những năm về trước hoàn cảnh không xáo trộn đổi thay như năm này. Mặc dầu đã lặng lẽ chờ đón Nhứt dương sơ động song cũng coi chừng lòng biến trả đổi thay mà hư việc. Chư thiên ân đệ muội nếu đã giác ngộ trên đường Đạo pháp thì nên buông bỏ mọi sự không đâu làm bận tâm, cởi mở tất cả những gì (ràng buộc tinh thần) làm trở ngại cho bước tu. Cũng nên thung dung tự tại, đừng bám theo qui luật hay một khuôn khổ nào trong thời gian tu, cứ để lòng như nhiên thanh tịnh, sống nhàn, sống khỏe, sống tự do. Tự do nghĩa là không để cho một cớ gì ràng buộc câu thúc ép cưởng tâm tư. Tự do là không còn biết sợ một quyền lực nào, dầu quyền lực ấy của Trời của Thần. Trời Thần sao đủ bẻ gảy, bóp nặn được tâm tự tại như như. Tự do là Thể Đạo, là ngôi Vô cực căn cốt của Đất Trời. Học Đạo, tu Đạo căn cứ vào đó mà hành trì. Theo Dịch lý mà suy ra Vô cực là Tịch, Thái cực là Chiếu. Tịch Chiếu Nhứt như. Tịch không ngoài Chiếu, Chiếu không lìa Tịch. Tịch Chiếu là thể của Tâm. Nếu thiên Định thành mê, thiên Huệ thành loạn, vì Huệ hay biến ra trí mới hay sinh thức nên Huệ không lìa Định thì Huệ mới chơn Huệ. Định không lìa được Huệ thì Định mới chơn Định, mới linh hoát biến thông, hàm dung trải khắp. Nếu Định thâm không Huệ thì có thể thành mê, lạc cảnh ngoan không. Vì vậy mới nói Đạo là sự sống, sự sống hồn nhiên, đầy tràn vũ trụ. Bởi vậy chư Thiên ân đệ muội đợt tu nầy cần nhớ lấy hai chữ THUNG DUNG làm đề mục bước vào thánh cảnh, đừng để cho tâm thân nầy như người sống bằng tình cảm, bằng lý trí, bằng con người máy móc, con người bị tình thức trần căn sử dịch chỉ huy. Tóm lại không nên tỉnh như người thức, không nên mê như người ngủ mà khéo làm sao cho tâm vừa yếu vừa minh, hư mà linh. Hư linh bất muội, dường như nữa tỉnh nữa mê. Nói nữa tỉnh nữa mê cũng không đúng, mà nói như lúc bình minh, như ngày mà không phải ngày, như đêm mà không phải đêm, như nguội mà không lạnh, như ấm mà không nóng, như biết mà không để ý, như ngủ mà không có gì không nghe. Tu tập được như vậy là cùng với thể Vô Cực Thái Cực làm Một. Nếu đắc được khí nầy thì làm chủ được đối tượng âm dương. Nếu chưa được lòng Như Như ấy thì nên chấp Trung để thăng bằng hai đối cực âm dương. Như lúc thiên về động là Dương thì nên xê lịch qua Âm cho quân bình. Nếu thiên về tịnh là Âm thì nghiêng về Dương cho cân đối TRUNG, nghĩa là Tịch Tịch thì dùng pháp “ Chiếu”. Nghĩa là Tịch mà nhiểm “ không” thì dùng pháp “ Chiếu”. Nếu Chiếu mà thiên về trí xét đoán thì nên dùng pháp “Chỉ”, nghĩa là luôn luôn tỉnh ngộ theo dỏi tâm tư, thấy nó đi đường nào thì lấy quẻ cân (Trung) gióng lại cho tâm được thăng bằng. Thăng bằng là Đạo. Tập tu như thế nhiều ngày thì sự huân tập của Chơn như được kết quả. Hể Chơn như tâm hiện lộ một phần thì phiền não chướng tiêu đi một phần. Lộ hai, ba phần thì vô minh lậu cũng tiêu đi hai ba phần. Mỗi ngày mỗi tiến huân tập Chơn như được mãi thì cấu uế tiêu trừ mà chư Thiên ân là hiện thân của Bần Đạo . Bần Đạo được trường thọ hay yểu vong, danh dự quyền pháp được tuyên dương hay mai một, trông vào chư Thiên ân đệ muội đoán biết sự hư nên tất cả. Chư Thiên ân đệ muội thương Đạo, thương Bần Đạo thì ráng thương lấy tự thân. Cái danh dự của Minh Lý, của Bần Tăng, đều trông vào chư Thiên ân đệ muội. Chư Thiên ân đệ muội khi trưởng thành thì cũng phải để cho mọi thử thách thử coi đã được chứng đến mức nào. Vàng cần có lửa mới biết tuổi vàng. Chuông có đánh thử mới biết tiếng trong đục xa gần. Ngựa có chạy đường dài mới hay sức ngựa. Chư Thiên ân đừng phiền trách Thần Tiên lúc nầy ít lo cho mình. Các Thiên ân nên suy gẩm như đứa bé mẹ phải bồng phải dắt, khi nó biết đi biết chạy thì tự nó đùa giởn tự do, cần gì phải dìu phải dẩn. Đợt tu nầy cũng phải gặp một vài khó khăn nhưng rồi cũng ổn. Chư Thiên ân trong hàng Khai Pháp và trong hàng Nữ đồ, đáng ra, lịnh buộc mỗi kỳ Đông Chí phải nhập tịnh đều nhưng ít thấy mùa tu nào đủ trọn. Bần Đạo nếu sanh tiền tu công lập hạnh đủ đầy thì hôm nay mới được cái hân hạnh là chư Thiên ân nhứt nhứt hiện tiền dám làm dám quên thân vì Đạo. Mặc dầu hoàn cảng cầm chưn không cùng đồng tiến lên một lượt thì đợt tu nầy cũng đi lại trợ lực cho khóa tịnh đủ duyên lành nhưng bận chi thì Chủ Trì cũng tìm cách có mặt cùng anh chị em trong một ít giờ, ít ngày trong khóa để cho tinh thần quyền pháp được trọn. Bác Nhã Tịnh Đường bất lực vì tuổi già thiếu cố gắng của KHAI DIỆU, KHAI CHƠN, con thuyền đạo triền nghiên, muốn thăng bằng phải đưa KHAI TÂM thừa hành tịnh pháp mà chưa khởi trình còn đợi ngày nào ? Việc liên tục đôi ba hôm sẽ nhắc chừng chổ sai chổ thiếu trong mùa nầy nên LIÊN HOA nán sau Lễ Kỷ Niệm Khai Đạo sẽ ra tịnh để tiếp Ơn. Thôi. - KHAI SẮC bạch : Thơ của Thánh Tịnh Tam Thanh Bửu Điện. - Hoàn thành khóa nầy sẽ định. Thôi Bần Đạo chào. - KHAI MINH bạch : Bạch Ngài khóa tịnh Hạ Chí rồi Ngài dạy rằng muốn mời một số đạo tâm cầu tìm chơn lý đạo pháp, cầu tu giải thoát để trở nên một Thiên ân lành mạnh . . . thì lập danh sách để Thiêng Liêng chứng. Bạch Ngài đã có hai danh sách Cơ Quan và Minh Lý Thánh Hội, xin thượng lên Ngài dạy. - Có hai phần trở ngại. Một là đôi bên chưa nhứt trí và hoàn cảnh đương ngăn chận bước tiến. Hai, đồng tử trác táng tâm nghiêng về phước thiện, cần đợi quân bình cả hai. Đòi Chủ Trì khi rảnh việc nên có mặt. Bần Đạo chào chư Thiên ân. Sau Đông Chí sẽ lịnh chuyển cơ. Bần Đạo . Thăng 22g15 Rút gọn
|
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |