TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Hôm nay là ngày vía Đức Thái Thượng Lão Quân, chúng ta cùng nhau ôn lại vài nét chính về sự tích và công nghiệp của Ngài. Đức Thái Thượng Lão quân là Tổ Sư của Đạo giáo, nên cũng xưng là Đạo Tổ. Đạo Tổ vốn là người Trung Hoa ở huyện Khúc Nhơn, nước Sở (thuở trước là huyện Khổ nước Trần). Ngài giáng sanh nhằm ngày rằm, tháng 2, đời vua Châu Linh Vương, lối 570 trước kỷ nguyên Tây Lịch. Theo sử ký, họ của Ngài là Lý, tên thiệt là Nhĩ, tên chữ là Đam (Đam nghĩa là lỗ tai lớn, có trái dài thòng xuống). Còn theo Liệt Tiên Truyện, Ngài cũng là họ Lý, tên thiệt là Nhĩ, mà tên chữ là Bá Dương, còn Đam là tên thụy (tên đặt sau khi mất). Đức Lão Tử ở vào một thời kỳ đồng với Đức Khổng Tử. Người phỏng đoán Đức Lão Tử lớn hơn Đức Khổng Tử lối 20 tuổi và lúc hai Ngài gặp nhau, Đức Lão Tử đã già có lối 60 tuổi, đương làm quan Trụ hạ sử (giữ tàng thơ viện) cho nhà Châu. Khi trở về, Đức Khổng Tử khen Đức Lão Tử như con rồng, nên sách có câu: “Du long chi thán”, chỉ vào lúc hai Ngài gặp gỡ nhau đây. Sau nhà Châu suy, Đức Lão Tử từ chức, đi về hướng Tây, gặp Doãn Hỉ làm quan lịnh giữ ải Hàm Cốc, có truyền cho ông nầy cuốn Kinh Đạo Đức. Rồi từ đó, bặt tích không ai biết Ngài đăng tiên hồi nào, ở xứ nào. Vì Ngài là người ẩn dật, ít ai đặng biết đời sống Ngài ra sao, nên sự tích của Ngài rất khó tra cứu. chỉ biết được phần nào qua tra cứu tài liệu hay qua các Thánh ngôn Ngài ban dạy. Theo Kinh Thanh Tịnh, công nghiệp của Đức Thái Thượng Lão Quân chẳng phải ở trong một đời giáng sanh lấy hiệu là Lão Tử mà thôi. Ngài thiên biến vạn hóa, không sao kể xiết. Từ thuở hỗn độn tới bây giờ, không đời nào mà chẳng có Ngài xuất thế. Như: Đời Thượng Tam Hoàng, hiệu của Ngài là Vạn Pháp Thiên Tôn, Đời Trung Tam Hoàng, hiệu là Uất Hoa Tử, Đời Thần Nông, hiệu là Đại Thành Tử, Đời Hiên Viên, hiệu là Quảng Thành Tử, Đời Văn Vương, hiệu là Nhiếp Ấp Tử. Đời Võ Vương, hiệu là Dục Thành Tử, Đời Khương Vương, hiệu là Quách Thúc Tử, Đời Hán Sơ, hiệu là Huỳnh Thạch Công, Đời Hán Văn Đế, hiệu là Hà Thượng Công. Thuyết của Ngài căn cứ vào kinh Dịch, theo lẽ hóa sanh tự nhiên của Trời Đất. Ngài chẳng phải sáng kiến ra thuyết nào mới, mà chánh là tập đại thành các tư tưởng theo Kinh Dịch từ đời cổ nước Tàu. Thuyết của vua Huỳnh Đế, ta thấy rải rác trong các sách Tàu, rõ ràng là tư tưởng về phái Đạo gia. Cho nên người ta bây giờ thường lấy hai họ hiệp (họ Huỳnh và họ Lão) mà gọi Đạo giáo là đạo Huỳnh Lão (Tu luyện phép đơn ngươn Huỳnh Lão – Thông Minh Chú). Khi Đức Lão Tử còn sanh tiền, Ngài chỉ truyền kinh cho ít người đồ đệ, như Quan Doãn Hỉ. Ông nầy là người Tần, sau tự xưng là Văn Thỉ tiên sinh, có làm ra bộ sách, gọi là Văn Thỉ Chơn Kinh. Lần lần tới nhiều đời sau, có ông Liệt Tử phác họa những câu kinh văn vắn tắt, huyền bí cao siêu của Đức Lão Tử, mà làm ra bộ Xung Hư Chơn Kinh. Kế đó, lại có ông Trang Tử lại là một người rất thông minh và hùng biện cũng binh vực cái thuyết của Đức Lão Tử, làm ra cuốn Nam Hoa Chơn Kinh. Nhưng lúc ấy, Đạo giáo còn ở trong thời kỳ triết lý, chỉ có hàng thượng lưu trí thức hiểu được, chớ lời dạy của Ngài chưa có phổ cập dân gian. Đến đời Đường, vua Cao Tông tôn Ngài là Huyền Ngươn Hoàng Đế. Sau vua Huyền Tôn làm điện thờ Ngài. Rồi từ đó đạo Ngài mới bắt đầu mở mang. Đến sang đời nhà Tấn có Ngụy Bá Dương và Cát Hồng hiệu là Bảo Phác Tử thừa kế, mới làm cho Đạo giáo có một nền học thuật hẳn hòi, thể hiện một tông giáo được nhiều người sùng bái. Xem thêm
CÁC LOẠI KINH DO ĐỨC LÃO TỬ BAN CHO ĐỜI Các loại Kinh nói trên là Đạo Đức Kinh, Huỳnh Đình Kinh, Thanh Tịnh Kinh và Cảm Ứng Kinh. A. ĐẠO ĐỨC KINH 道 德 經. Đạo Đức Kinh của Lão Tử chia làm hai phần: - Thượng kinh gồm ba mươi bảy chương, 2140 chữ, bắt đầu bằng chữ Đạo. - Hạ kinh gồm bốn mươi bốn chương (từ chương 38 đến hết chương 81), 2815 chữ, bắt đầu bằng chữ Thượng Đức. Vì thế nên gọi là Đạo Đức Kinh, tổng cộng toàn kinh có tám mươi mốt chương, 4999 chữ. 1. Đạo Kinh: Quyển nầy gồm có 37 chương giải về chữ ĐẠO. Chữ Đạo đây phải được hiểu là tuyệt đối thể bất khả tư nghị, vô biên tế, là căn cơ, là nguồn gốc muôn loài. Theo Đức Lão Tử, chữ Đạo có nghĩa là phép tắc của Vũ trụ. Đạo là một ký hiệu của toàn thể Vũ trụ. Đạo không có hình tích, vốn là Hư tịnh (lặng lẽ, trống không) và Bản thể ấy của vạn vật trong Vũ trụ. Vì Bản thể ấy Hư tịnh nên cá nhân con người phải hết sức khép mình theo lẽ tự nhiên để phục qui về cảnh Hư tịnh. Đó là Nguyên lý cốt yếu của Lão giáo vậy. Đến trình độ ấy rồi mới là đắc thành chánh quả. 2. Đức Kinh: Quyển nầy nối tiếp quyển trên và gồm có 44 chương. Đức tức dụng của Lý Thái Hư hay Lý Nhứt Nguyên là những hoạt động vô tâm, tự nhiên. Chữ Đức phải được hiểu là sự hiển dương của Đạo. Thánh nhân chính là sự hiển dương tuyệt vời của Đạo, cho nên cũng được gọi là Thượng đức Đức Lão Tử cho rằng: “Người đời xưa bất thức, bất tri cho nên vô vi (người xưa không vì mình, không ích kỷ, không tham dục)”. Nói một cách khác, người đời xưa không hay, không biết cho nên không làm, không muốn cái chi chỉ có lợi cho mình mà thôi và nhiều khi hại đến kẻ khác. Tính tình của người xưa hồn nhiên như trẻ nít vậy. Vì vậy người xưa dễ theo Đạo và đắc Đạo. Sau rồi lần lần trí thức con người phát triển và con người bị vật dục mê hoặc mà Đại Đạo ở trong người lần lần bị chôn vùi. Thì chữ đức thời nay chỉ còn là sự biến thiên tương đối bên ngoài. Mà cái tương đối ấy lại đối chọi nhau. Thí dụ: Bên cạnh cái Lành thì có cái Dữ, bên cạnh cái tốt thì có cái xấu, bên cạnh cái dài thì có cái ngắn, tranh nhau trái phải mà con người trôi lăn trong vòng sanh tử. B. HUỲNH ĐÌNH KINH. Định nghĩa: Huỳnh là màu vàng, màu đất, ám chỉ Trung Ương Mồ Kỷ Thổ. Đình: là cái sân trống ở trước nhà. Từ ngữ Huỳnh Đình có nghĩa là Trung Không. Ở trong thân con người từ rún sắp lên là phân nửa trên của con người, như trong thân cây của thực vật. Phần trên ấy là phần Sinh cơ hướng thượng. Từ rún sắp xuống là phân nửa dưới của con người cũng như thân gốc rễ của thực vật và được gọi là Sinh cơ hướng hạ. Cái tổng cơ sinh lý gồm hết cả hai động lực trên và dưới. Theo thực vật thì cái tổng cơ sinh lý ấy ở chỗ chia ranh giới thân cây và gốc rễ, còn về thân con người thì nó ở tại rún. Vậy Huỳnh Đình Kinh là quyển Kinh quý nhứt của Tiên giáo dạy luyện Đạo mà nơi qui căn trong người là chỗ trống không ở trong rún gọi là Huỳnh Đình. Huỳnh Đình Kinh gồm hai quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh và Huỳnh Đình Ngoại Cảnh. C. THANH TỊNH KINH. Đức Thái Thượng Đạo Tổ khi đã thành Đạo rồi, chứng ngôi Thanh Tịnh trên Trời, ý muốn cho người đời tu Đạo đồng hưởng thanh tịnh cho nên Ngài mới đặt ra quyển Kinh Thanh Tịnh. Diễn pháp trường sanh mà lưu truyền trong Thiên hạ để thức tỉnh Nguyên Nhân. Kinh nầy rất giản dị, rất diệu huyền. Thật là một cái bè báu để độ người đời, lại cũng là một cái búa rìu để đoạn Bàng Môn (tà thuyết). D. CẢM ỨNG KINH. Đức Thái Thượng Lão Quân ban ra quyển Cảm Ứng Kinh là cốt để dạy về Lẽ lành dữ trả vay. Cảm Ứng Thiên là một thiên văn chương khuyến thiện rất cổ xưa trong vô số các kinh sách khuyến thiện của Trung Quốc. Người đời cực kỳ tôn trọng Cảm Ứng Thiên mà gọi là Kinh Cảm Ứng. Theo Quyển Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Linh Dị Ký (Ghi chép về những linh nghiệm kỳ lạ do trì tụng Cảm Ứng Thiên) của ngài Vô Tích Vạn Quân Thúc Hào ghi rằng: Kinh này xuất hiện từ đời Tấn đến nay, người noi theo đó tu thân thành tiên (chân nhân) thì rất nhiều, người trở nên phú quí thì vô số kể; kinh này phổ biến khắp nơi. Đây xin trích lục hai đoạn: Kinh và đoạn Minh Nghĩa Đệ nhứt diễn nghĩa như sau: Tiên Ông Thái Thượng dạy rằng: Rủi may không cửa, níu phăng tại mình. Đạo Trời thưởng phạt chí minh, Dữ lành như bóng theo hình chẳng sai. Thứ nhứt Minh Nghĩa tỏ bày, Ai người tỉnh ngộ lánh rày họa tai. Thưởng răn Trời chẳng vị ai, Sai Thần biên chép hôm mai chẳng lầm. Cân theo tội lỗi khinh thâm, Giảm phân phước lộc cũng năm ba phần. Khó nghèo chờ đợi trước sân, Gặp nhiều ưu hoạn tìm lần đến thân. Hễ là chẳng giữ nghĩa nhân, Khiến người đều ghét họa gần chẳng sai. Nếu theo việc dữ gây hoài, Điều lành xa lánh họa tai khó rời. Khuyên đời chớ gọi rằng chơi, Lộc Trời đã hết, lưng vơi khó nài. Dữ lành báo ứng chẳng sai, Có Thần Bắc Đẩu Tam Thai trên đầu. Hễ ai tính việc cơ cầu, Biên cho đúng tội giảm thâu Số người. Luật Trời chớ khá dễ ngươi! Trong mình sẵn có ba người Thần Linh. Ngay gian chép đủ sự tình, Đến ngày canh nhựt Thiên đình cáo tâu. Lại còn Thần Táo trên đầu, Ba mươi mỗi tháng đều tâu y lời. Hễ ai tính việc lưng vơi, Nhẹ thời giảm toán, nặng thời hai năm. Thần Tiên giữ sổ chẳng lầm, Tùy làm nặng nhẹ mỗi năm ghi vào. Ở đời chớ tính thấp cao, Muốn cho trường thọ chớ vào thị phi. TẠM KẾT Tiên Phật luôn muốn truyền lại cho hậu thế nguyên lý sống cho hợp Đạo và những bài học đạo đức để thiên hạ biết tìm về con đường lành, tránh lạc vào nẻo dữ mà phải nuối tiếc cho một kiếp người mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho. Bài Tịnh Tâm Chú có câu: Lòng người đặng tánh linh hơn vật, Biết kỉnh thành dè dặt khôn lanh. Khá tua lánh dữ, làm lành, Những điều nghiệt ác hóa thành khỏi dơ. Trong cuộc sống vật chất hiện đại ngày nay, con người càng dễ bị cuốn vào nhà lửa, nơi mà thất tình, ngũ dục khiến con người trôi lăn trong vòng lục đạo. Mỗi thời cúng, người Minh Lý môn sanh đều được nghe và chiêm nghiệm lời dạy mà tu tâm dưỡng tánh. Chỉ có làm lành lánh dữ thì sự chí nguyện đó mới có thể chuyển hóa được nghiệp dữ đưa người tu đến bến bờ giải thoát. Rất lòng thành tín, Đại Mạng Rút gọn
0 Comments
|
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |