Ngày lễ Kỷ-niệm Minh-Lý Đạo Khai, đêm 26, tháng 11, năm Ất-tị. (D.l, 18 tháng chạp năm 1965) Thưa chư sơn thiền-đức, Thưa chư quí ông, chư quí bà, Thưa chư đạo hữu nam nữ, Hôm nay, Minh-Lý môn sanh tề tựu tại Chùa để thiết lễ cúng “Kỷ-niệm Minh-Lý Đạo khai”, nghĩa là: Lễ ghi nhớ ngày đầu tiên, mà Trời Phật đã chánh thức khai mối đạo “MINH-LÝ”. Năm khai đạo Minh-Lý là năm Giáp Tý (Dương-lịch là năm 1924). Từ năm Giáp-Tý cho tới năm nay là năm Ất-tị (1965), đạo Minh-Lý đã trải qua một thời gian là 41 năm, nghĩa là: Kể từ ngày nay, đạo Minh-Lý bước qua năm thứ 42. Mục đích của cuộc hội hiệp hôm nay là cốt để: 1/ Cầu nguyện Thượng-đế ban ơn lành cho tất cả chúng sanh đặng an hưởng thái bình và mối đạo Minh-Lý đặng diên niên trường cửu. 2/ Tỏ lòng biết ơn các đấng Giáo chủ và chư Phật chư Tiên đã dày công lập thành mối đạo và dắt dìu chúng sanh trên con đường giải thoát. 3/ Hội diện đông đủ, mỗi năm một kỳ, tất cả các đạo hữu Minh-Lý để cùng sum hiệp như bửa cúng giổ tổ tiên trong một gia đình và nhắc nhở nhau về những nguyên tắc tu niệm chơn chánh.
0 Comments
Lược đồ Hỏa Hậu cũng gọi là Tam Giáo Đồ vì nó chỉ rõ ba tông giáo Nho, Thích, Đạo đồng căn cứ vào một gốc lớn là Đại Đạo. Đại Đạo Hư Vô Nói tới hai chữ Đại Đạo chúng ta cũng nên nhận định cho rõ Đại Đạo là chi ? Đạo là luật thiên nhiên của Trời Đất, vũ trụ. Đó là Chơn-Lý tuyệt đối, vô thượng. Vì Đạo tuyệt đối vô thượng, trên khắp các nơi, không có chi lớn hơn Nó nữa, nên gọi là Đại. Còn nói nhỏ, thì Nó ở trong vi trần, nhỏ hơn mủi kim nhỏ nhứt, nên cũng có thể nói : Không chi nhỏ bằng Nó. Thường tại đây, chúng ta hay lập đi lập lại câu : “Lớn không ngoài, mà nhỏ không trong”, là để chỉ cái thể của Đại Đạo vậy. Đó là màu Trắng ở chính giữa lược đồ. Xem thêm
Trong thi bài chữ Tâm, Ân Sư của chúng tôi là Bác Nhã Thiền Sư giáng dạy từ cuối năm 1974, có lời giải đáp Đạo là gì như sau : Đạo là gì ? Không là gì cả, Chớ cái gì hóa hóa sanh sanh ? Cái không phải, cái vô danh, Không sanh không hóa, hóa sanh muôn loài. Nó ở đâu, trong, ngoài, cho biết, Không ở đâu, kỳ thiệt khắp nơi; Trong ngoài cũng bặt tăm hơi, Hư hư thiệt thiệt, không lời giải phân. Vậy chớ Nó là nhân hay quả ? Không ! Nó trên tất cả đối thù; Huyền huyền, diệu diệu, nhiệm mầu, Theo đuôi chẳng thấy, đón đầu cũng không. Có kẻ nói rằng “Đại Đạo của ông như vậy, còn Đại Đạo của tôi khác hơn của ông”. Hiểu như thế, không đúng, vì có ai biết rõ hết Đại Đạo ? Chỉ nghe được lời giảng dạy của các đấng Giáo-chủ, hiểu được một phần nhỏ nào đó, là may lắm rồi ! Mỗi người nắm được giỏi lắm là một phần nhỏ, nên phần nầy không giống hẳn phần kia. Khác là khác ở chỗ đó, chớ có lẽ nào lại có nhiều Đại Đạo khác nhau ? Mặt khác, nói rằng chúng ta hiểu được một phần nhỏ nào của Đại Đạo hư vô là chẳng phải hiểu ngay vào đó được, vì hư vô là trống không, chẳng thấy có trẩm triệu, có dấu vết nào trong đó cả, thì làm sao mà hiểu biết gì được. Kinh Thanh Tịnh nói : “Đại Đạo vô hình, Đại Đạo vô tình, Đại Đạo vô danh”. Nhưng nếu nói có bấy nhiêu thì như có nói gì đâu, làm sao mà hiểu được : Không có hình tướng, không có tình tự, không có tên gọi, thì làm sao mà hình dung ? Cho nên Kinh lại còn nói tiếp : “Đại Đạo vô hình, sanh dục thiên địa; Đại Đạo vô tình, vận hành nhựt nguyệt ; Đại Đạo vô danh, trưởng dưỡng vạn vật ”. Tuy không có hình mà vừa sanh vừa dưỡng Trời Đất; Đại Đạo không có tình mà vần xây mặt trời mặt trăng ; tuy không có tên mà nuôi lớn cả người lẫn vật. Thế thì tuy nói Đại Đạo hư vô là trống không, nhưng kỳ thiệt chẳng phải là trống lổng không lơ, không có vật nào trong đó. Nếu không có Đại Đạo thì không có chi tồn tại được, đủ thấy trong Trời Đất, không có chi chẳng nằm trong lòng Đại Đạo, nên Kinh Phật nói : “Chơn không diệu hữu”, tuy là không mà kỳ thiệt là hữu, cũng như nói “Không tức là Sắc ”. Không và hữu hay là không và sắc có phải là hai phương diện của một linh thể đó chăng ? Nhưng chớ tưởng lầm là không và hữu là hai vật cách biệt nhau. Muốn tìm biết cái không kia, ngoài cái hữu nầy thì chẳng có đường lối nào khác mà tìm biết được. Vậy xin nói ngay về cái hữu của Đại Đạo hay là cái Đạo hữu thể. Đạo hữu thể có hai phần : Tiên-thiên và Hậu-thiên. Phần Tiên-thiên là khí rất tế vi; đó là nguyên thỉ khí. Phần Hậu-thiên là hình khí gần thành hình chất, hay ở trong hình chất. ĐẠI ĐẠO HỮU THỂ 1.- Phần Tiên-thiên : Đó là Nhứt thể tam giác. Tiên nghĩa là trước, Thiên nghĩa là Trời. Có trước Trời Đất, tức là nghĩa câu Đạo Đức Kinh : “Vô danh, thiên địa chi thỉ ”[Đạo không tên (hoặc không biết đặt tên gì) là nguồn đầu sanh ra Trời Đất vậy]. Sanh ra Trời Đất tức phải có trước Trời Đất. Đây có ý nói : Tuy gọi là Đạo Hư Vô, nhưng mà trong sẳn có chủng tử sanh ra Trời Đất. Chủng tử nầy còn tiềm tàng, chưa có dạng hình thấy được. Mà chưa có dạng hình thì biết dựa vào đâu mà đặt tên, nên gọi là Vô danh. Chủng tử phát lúc ban đầu chỉ có một thứ nguyên thỉ khí rất tế vi; khí ấy tức là khí Tiên-thiên. Do khí nầy mà phát sanh vạn vật. Nên Đạo Đức Kinh có câu : “Hữu danh vạn vật chi mẫu ” (Chừng Đạo có tên thì gọi là Mẹ của muôn vật). Theo đây thì trong Đạo Hư vô, lần đầu tiên xuất hiện khí Tiên-thiên, do khí nầy mà phát sanh vạn vật vật. Sanh ra vạn vật, nếu không là Mẹ thì danh gọi là gì khác được ? Đả gọi là Mẹ thì thấy rỏ Đạo đã được nhơn cách hóa rồi. Nói cách khác, lần đầu tiên xuất hiện một vị tối cao, tự hữu nhi hằng hữu, bất sanh bất diệt, tồn trí tồn năng, gồm đủ các đức tánh lành tuyệt đối. Như đã diển tả, chúng ta thấy ngay rằng Đạo Hư Vô và vị Tối cao chẳng phải hai, mà chỉ là hai phương diện của một linh thể, không khác nào lúc ngủ và lúc thức của một thân con người. Con người ngủ là lúc bất giác (inconscient) thân thể vận động sanh sống theo luật thiên nhiên, nên ta có thể gọi thời kỳ bất động nầy là Luật (Loi). Con người thức là lúc giác (conscient) linh tánh chủ trương mọi hành động của thân thể, tức là linh-tánh chủ quyền điều khiển ngoài luật thiên nhiên, nên ta có thể gọi thời kỳ nầy là Đế (Etre supreme). Phân ra hai thời kỳ mà xét theo lý trí, để tìm hiểu cho dễ, chớ nào có hai con người, cũng làm gì có hai thời kỳ. Cũng vậy Đạo Pháp : Luật và Đế chỉ là Một. Cuốn Minh-Lý Chơn Giải của Minh Lý Thánh Hội phát hành có nói về vấn đề nầy như vầy : “Song không phải nhận hiểu theo thế gian : Hiến chương luật tắc (Luật) là bản giấy mà có người cầm quyền (yếu tố thứ hai) lấy đó để giữ nước yên dân. Yếu tố thứ hai đó, người cầm quyền đó là Đế ”. Ý nói : đừng lầm tưởng có hai, tuy rằng không hẳn là một : Phi nhứt, phi dị. Thưa Chư Vị, Đại Đạo Hư Vô tượng trưng như trên đã nói là màu trắng ở chính giữa lược đồ, màu trắng tinh khiết trong sạch. Mà màu trắng cũng như ánh sáng gồm tất cả các màu khác. Đạo hữu thể có hình tướng nên được tượng trưng bằng hình tam giác, tam giác có dạng hình. Luận thì có hai bên mà kỳ thiệt trong lược đồ chỉ có một hình tam giác màu trắng tinh. Xin quí vị chịu khó nhìn lại lược đồ Hỏa hậu, chúng ta nhận ra : Nơi chính giữa có một hình tam giác, trong đó có một vòng tròn, và giữa vòng tròn có một chấm. Hợp lại thành một hình, tượng trưng Đế, hay là Thượng-đế ba ngôi : Ngôi nhứt : vòng tròn gọi là Vô-Cực; Ngôi nhì : chấm giữa vòng tròn, gọi là Thái-Cực; Ngôi ba : hình tam giác, gọi là Hoàng-Cực hay Nhơn-Cực. Đó là Tam-Cực có nghĩa là cao hơn hết, như trong một cái nhà, là đòn dông, vì không có chi cao hơn nó nữa. Chúng ta kiểm lại thấy rằng trước là Đại Đạo Vô-thể (vòng tròn Vô-Cực), kế tiếp Đại Đạo Hữu-thể là đấng tối cao (chấm giữa Thái-Cực) sau rốt, là Hoàng-Cực hay Nhơn-Cực (hình tam giác) Tam Cực tuy phân chia ra ba ngôi riêng rẽ, mà kỳ thiệt chỉ là một thể. Thể đó là Thượng-Đế. Do đó Tam-Cực vẫn bình đẳng, không cao thấp nhỏ lớn, không Cực nào cao hay thấp hơn Cực nào, cũng không Cực nào nhỏ hay lớn hơn Cực nào. Tại Chánh điện Chùa Tam-Tông Miếu, quí vị có nhìn sẽ thấy rõ ràng Đạo Minh-Lý lấy hình tam giác làm đèn lưu ly treo giữa Điện thờ, để tượng trưng thờ Thượng-Đế Ba ngôi. Phía dưới, trên hai bực đầu, có ba bài vị, sắp thành hình tam giác, là : DIÊU TRÌ KIM MẪU (Vô-Cực) NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ HỒNG QUÂN LÃO TỔ (Thái-Cực) (Hoàng-Cực) là Ba vị đại diện cho Thượng-Đế đã dùng Huyền-cơ, một thứ cơ không có bút, mà khai đạo Minh-Lý. Đó là phần Tiên-thiên. 2.- Về phần hậu-thiên : là phần còn lại của lược đồ Hỏa hậu. Trước hết là ba vòng tròn dựa trên hình tam giác cho ta cái cảm giác là từ tam giác mà xuất hiện ra : Một vòng tròn lớn màu vàng, có ghi chữ Ý, một vòng tròn lớn màu đỏ có ghi chữ Trí và một vòng tròn lớn màu xanh có ghi chữ Tình. - Chữ Ý nói đủ chữ là Ý-chí (Volonté) và vòng tròn lớn màu vàng tượng trưng Phật giáo, vì Phật giáo Đại-thừa lấy Ý làm căn bổn. Tuy Phật có dạy lấy tam nghiệp làm quan yếu là Thân, Khẩu và Ý, nhưng hai nghiệp đầu đều tùy theo (Ý) cả. Có phát Ý trước, sau mới động tới Thân và Khẩu. Bát thức Qui Củ Tụng của Thầy Huyền-Trang nói về Ý, theo Duy-thức học, có câu “Động thân, phát ngữ, độc vi tối ” là chỉ về nghĩa nầy. Cho nên lấy Ý tốt hay xấu mà bình phẩm mọi việc, mọi hành động của con người. Ý tốt thì mọi việc làm đều tốt, còn xấu thì việc làm thấy ra có hay cũng là mất giá trị, cũng thành xấu. Vậy Phật giáo ứng với chữ Ý hay là ngôi Nhứt. Chữ Trí nói đủ chữ là Trí Huệ (Sagesse) và vòng tròn lớn màu đỏ bên tả, tượng trưng Nho giáo, vì Nho giáo dạy mở trí làm gốc. Sách Đại Học dạy có tám điều mục là Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chánh tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Đành vậy ! Nhưng hai điều mục đầu cách vật và trí tri được xem là căn bổn. Tìm hiểu mọi vật, mở mang sự hiểu biết tới nơi tới chốn, chẳng phải mở trí, thì gọi là gì ? - Vậy Nho giáo ứng với chữ Trí hay là ngôi Nhì. - Chữ Tình nói đủ là tình cảm (sentiment, amour) và vòng tròn lớn màu xanh bên hữu, tượng trưng Đạo giáo, vì Đạo giáo tuy dạy bao hàm mà lấy chữ Tình làm cốt yếu. Có bài thơ nói về vấn đề nầy như sau : Nhơn tình nông hậu, Đạo tình vi, Đạo dụng nhơn tình, thế khởi tri ? Khống hữu nhơn tình vô Đạo dụng; Đạo tình năng đắc kỷ đa thì. Nghĩa là : Nhơn tình thô cạn, Đạo tình tinh, Đạo dụng nhơn tình, ai biết nào ? Chẳng có tình người, Đạo không dùng được; Đạo tình mà đặng, có bao lâu ? Ai hiểu đặng chữ Đạo tình là gì mà biết dùng nó thì sẽ mau thành Đạo. Vậy Đạo giáo ứng với chữ Tình (tức Đạo tình) hay Ngôi ba. - Đây nói về sở trường của mỗi giáo, chớ không phải nói : mỗi giáo chỉ biết có một mặt nói trên đó mà thôi. Ta nên để ý : ở trong vòng tròn lớn, có xen hai khoảnh nhỏ hình như nửa múi quít hai màu hiệp lại thành màu khác nữa. Như trong vòng tròn lớn màu vàng là Thích giáo có phụ hai khoảnh nhỏ màu đỏ và màu xanh ý nói Thích giáo có một chỗ cao luận đặc biệt hơn làm sở trường là “Chủ Ý”. Vòng tròn lớn màu xanh cũng vậy trong tinh thần Đạo giáo có một chỗ cao luận làm sở trường là “Luyện Tình”. Vòng tròn lớn màu đỏ là Nho giáo có một chỗ cao luận đặc biệt hơn làm sở trường là “Mở Trí”. Còn hai phần phụ thuộc tượng trưng hai chỗ sở trường của hai giáo kia tuy cũng có luận đến nhưng không đặng giải rộng như hai giáo kia. Theo tâm lý học, cái tâm của ta có ba phương diện là Trí, Tình, Ý. Nhưng ba phương diện cũng tượng trưng cho ba đức tánh, có một đức tánh mạnh hơn khi ta hành động, tức là sở trường của mỗi giáo đó. Dầu ba phương diện của cái tâm phát biểu rõ rệt cho mấy đi nữa, nghĩa là có phân biệt đến đâu cũng còn giữ một gốc luôn luôn, không phải gián cách, biệt lập. Nhờ đó nếu ta nội tỉnh, tự giác tự ngộ thì cũng có thể tìm phương trở về căn bổn, là ngôi Viên-Nhứt. Như đã nói ngoài ba vòng tròn lớn, còn có sáu hình nửa múi quít : Mỗi vòng tròn lớn toàn màu lại có hai hình nửa múi quít nhỏ khác màu. Ba vòng tròn lớn hiệp lại như trong lược đồ cho thấy sáu hình nửa múi quít nhỏ tượng trưng sáu đức: Thông, Minh, Nhân, Trí, Hùng, Lược. Bề Trên có giải nghĩa sơ lược như sau đây : Thông : Chẳng phải nghe nhiều mà gọi rằng Thông. Nghe rồi còn phải thực hành, kiến cơ nhi tác, tuỳ cơ ứng biến, nương theo thời thế mà giúp cho đời. Minh : Chẳng phải biết nhiều mà gọi rằng Minh. Nên phân biệt chỗ lợi hại, giúp người hiền tài thất vận, trợ kẻ ít học nên thân, ráng làm tròn phận sự đối với gia đình xã hội. Nhân : Chẳng phải ăn chay mà đủ gọi là Nhân. Giúp người an vui, mở lòng từ bi quảng đại cứu vớt chúng sanh hoạn nạn, đói khổ, không cố chấp thù xưa, v.v. Trí : Chẳng phải tránh hết mọi việc thế gian, mà gọi là Trí. Trí là có độ lượng rộng rãi, phòng ngừa hậu hoạn có thể xảy ra. Hùng : Chẳng phải ráng cãi cho hùng hồn mà gọi là Hùng. Hùng là tinh tiến, không vì khó nhọc mà lười biếng, không vì hoạn nạn mà giải đải. Lược : Chẳng phải khéo cầu an, tránh mỗi việc đều sợ liên lụy, mà gọi là Lược. Lược là mỗi việc làm đều có phương pháp sắp đặt, tiên liệu thứ tự trước sau, để đạt tới thành công. Theo Phật giáo Đại Thừa, sáu khoản nầy có thể đối chiếu với Lục Độ : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Bác-nhã, ứng với ba thân : Pháp, Báo, Ứng. Theo Đạo giáo, có thể gọi là lục đức như nói trên nói đó, ứng với Tam thanh : Ngọc, Thượng, và Thái. Theo Nho giáo, sáu khoản nầy có thể gọi là Lục hạp (sáu hướng : Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới) ứng với Tam thể : Mạng, Tánh, Lý. Lại nữa, chúng ta còn nhận thấy có các vành đen làm cho các màu vàng, xanh, đỏ hiển lộ rõ ràng hơn. Kế đó lại có ba chia từ vòng tròn nhỏ chính giữa mà đi ra. Ba cái chia đó rất ngay thẳng tượng trưng sứ mạng công bình, ngay thẳng giữ mức trung lập, để biện biệt phân minh những điều phải, quấy, không thiên bên nầy không ngã bên kia, không kết liên với phe nầy phái nọ mà phải đứng giữa để minh lý mà thôi. Nhìn lại lược đồ Hỏa Hậu, chúng ta thấy một vòng đen tròn (màu đen thuộc âm) ở vào giữa. Bổn đạo Minh-Lý y theo màu biểu hiệu đó mà mặc đạo phục. Có kẻ hỏi : Thuần dương mới là chánh. Đã nói Minh-Lý là chánh đạo, sao lại thuộc âm ? Đáp : bề ngoài sắc đen là âm, mà bên trong sắc trắng là dương. Luận theo Tiên thiên, sắc đen là thủy thuộc dương, nghĩa là trong âm có dương. Theo Hà-đồ đó là các số 1- 6. Còn ngoài cái vòng tròn sắc đen là màu trắng. Trắng thuộc dương mà luận về Tiên thiên sắc trắng thuộc âm, tức là trong dương có âm. Đó thuộc các số 4 – 9 của Hà-đồ. Ba cái vòng tròn xanh, đỏ, vàng, thuộc hậu thiên càng mở rộng ra chừng nào, thì ba cái chia đen càng kéo dài thêm mãi. Ba cái chia đen, như đã thấy, tượng trưng cho Đại Đạo Tiên Thiên gồm Minh-Lý Đạo. Kinh Đại-Đạo có ghi : Thêm Minh-Lý lãnh phần truyền Đạo, Ban sám kinh, khuyên bảo tu hành; . . . . . . . và Vì chưng lắm cuộc phong trào, Mấy chi (chi phái có 5) sợ khó, hiệp vào một nơi. Thầy phải sửa cơ Trời khai đạo, Nên truyền cho Đạo Tổ giáng trần; Lập chi Minh-Lý khuyến dân, Truyền ban kinh, luật hồng ân cứu đời. Cơ Trời về mặt Đạo có sắp đặt sẳn trong lược đồ Hỏa Hậu nầy. Để ý nghiên cứu suy nghĩ kỹ thì sẽ thấy rõ. Phận sự của Đạo Minh-Lý rất phân minh mà Minh-Lý môn sanh chúng tôi hằng suy xét và thiết tưởng chúng ta xét rõ rồi, ai ai cũng phải tin theo đó mà ráng lo làm phận sự cho tròn. Khi ban cái lược đồ nầy, đức Khổng Thánh có dạy rằng : “Bởi các người học Đạo chẳng tới, nên làm hư Đại Đạo. Lược đồ chỉ cho chư nhu biết rằng Nho, Thích, Đạo chỉ có một gốc mà thôi ”. Y như trong bài Khai Kinh của đạo Minh-Lý có những câu sau đây : Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy, Gốc bởi lòng làm phải làm lành; Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành, Từ bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn. Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh, Một cội sanh ba nhánh in nhau. “Đạo Tổ có dạy làm một bài giảng góp hết ý tứ trong các Thánh Ngôn để làm nêu dẫn đường cho các đạo hữu Minh-Lý Đạo. Minh-Lý môn sanh khá vưng theo lời Bề Trên mà hành động cho đúng Thiên cơ, mới mong Đạo Minh-Lý đi đến kết quả tốt đẹp, đạt mục phiêu dĩ định ”. Đó là lời dạy của Ân Sư chúng tôi là Bác Nhã Thiền Sư cho môn sanh Minh Lý. Thưa chư vị, Trên đây, Tam Giáo Đồ của Minh-Lý Đạo đã được lược giải từ trong đến ngoài, đầy đủ không sót khoảng nào. Chúng ta cần suy nghĩ thêm về phần đạo lý, rộng rãi thâm sâu, không biết đâu mà lường. Ai trong chúng ta cũng cần tìm hiểu, tự mình phát huy sáng kiến theo trình độ học hỏi, tùy mức giác ngộ của mình, để mà góp công đức vào sự hoằng khai Đại Đạo. Học hỏi, tìm tòi hiểu rõ, hiểu vững chắc hầu đặt tất lòng tin nơi Chánh Đạo, để rồi tuân lịnh Bề-trên đã dạy, cho hợp với Thiên cơ. Như chẳng hạn, đã gọi là lược đồ Hỏa Hậu, thì ngoài Tam Giáo Đồ đã giải, còn có những nghĩa khác, mà một trong các nghĩa đó cần ghi lại sau đây, âu cũng là theo chương trình tu học của Ân Sư chúng tôi đã vạch ra. Trước hết minh định nghĩa hai chữ Hỏa Hậu . Chữ Hỏa có nghĩa là lửa; Hậu là thời hậu, giờ khắc. Hiệp lại, hai chữ có nghĩa là giờ khắc dùng lửa. Theo phép luyện Đạo, mỗi giai đoạn đều khác nhau chớ không phải dùng một phương pháp cố định mà tu hoài. Chẳng khác nào một người học trò đi học, ban sơ ngồi lớp dưới, rồi sau lần lần lên lớp trên, mỗi lớp đều có tiến bộ. Đạo Minh-Lý có 5 lớp học : Dự bị, Sơ cơ, Ngoại dược, Nội đơn và Thần hóa; mà ba lớp sau mới là quan trọng, nên hành giả cũng phải theo thứ tự mỗi lớp mà học tiến lần lần cho đến quả vị cứu cánh. Đây là “Nghĩa cấp đẳng”. Lại trong mỗi lớp, mỗi ngày học hỏi đều có thời biểu, nghĩa là có bản nhứt định các môn học, ngày giờ nào học môn chi, hay là lúc nào nghỉ giải trí. Đây xin lấy một việc nấu cơm mà ví dụ : Người nấu cơm phải biết lúc nào nên chụm lửa hỏa hào, lúc nào nên bớt lửa, lúc nào nên tắt lửa để lửa than. Nếu chụm lửa không đúng phép , thì cơm sình, khét, hoặc bị khô cháy. Về phép tu luyện cũng thế. Mỗi đoạn công phu phải dùng lửa cho hợp pháp, cho đúng kỳ, đừng thái quá hay bất cập, thì Đơn mới thành tựu. Nếu sai một mảy lông thì trật sai ngàn dặm. Cho nên Đơn Kinh có câu : “Luyện Đơn toàn bằng Hỏa Hậu thành công ”. Nghĩa là người luyện Đơn đặng thành công, là nhờ biết Hỏa Hậu và y theo đó mà tu. Nghĩa nầy có thể gọi là “nghĩa phanh luyện ”. Nghĩa cấp đẳng và nghĩa phanh luyện rất tỉ mỉ, ai có học lớp Huyền-công mới hiểu biết được. Về cái “nghĩa qui nguyên ” là nghĩa thứ ba, đức Khổng Thánh có dạy : “phàm con người muốn trở về quê cũ, trước phải biết mình do nơi đàng nào xuống đây, thì phải theo đàng đó mà về, mới khỏi lạc lối. ” Nói cho đủ chữ, nghĩa nầy cũng gọi là : “Phản bổn hườn nguyên “. Nghĩa “Qui nguyên ” mới là mục đích chánh của Đạo Minh-Lý. Nói cách khác thì Minh-Lý môn sanh chúng tôi phải biết có cái Đạo đi ra và cái Đạo trở về. Con người đi ra, mê nhứt tâm mà thành vọng thức, sanh ra bảy tình sáu dục. Qui thất tình lục dục trở về, lập thành ba yếu tố tinh thần đơn giản hơn là Trí, Tình, Ý, tượng trưng trên lược đồ Hỏa Hậu bằng ba vòng tròn lớn đó. Làm được việc đó, là khởi sự quày đầu tỉnh ngộ, chọn đường Đạo mà đi, thay vì buông lung tâm tánh, như từ trước tới nay. Đức Khổng Thánh có dạy thêm cũng về lược đồ Hỏa Hậu nầy : “Chúng ta vì vong thân phóng khí càng ngày càng đi xa căn bản, nên phải chịu đọa lạc. Nay gặp cái họa đồ nầy thì khá noi phương pháp của Đạo mà tìm phăng trở về gốc xưa vị cũ. Gốc xưa vị cũ ở đâu ? – Đó là một điểm trong vòng tròn nhỏ, ở chính giữa họa đồ, tức là Thượng Đế ”. Vậy thì từ ba vòng tròn màu Đỏ, Xanh, Vàng Hậu Thiên : Trí, Tình, Ý, chúng ta tu luyện để thực hiện ba việc chuyển y : Chuyển Trí tri của cách vật hiểu theo Châu-Hi, trở về Trí lương tri, hay là Huệ Trí mà cũng gọi là Chơn Trí nữa; chuyển Tình thường nhơn, thăng hoa đi đến đại bi tâm, hay tâm vũ trụ cũng gọi là Thiên Địa chi tâm; chuyển Ý “Tội vi khôi ” trở thành “Công vi thủ ” thì do Ý mà trở về Tánh. Lúc bấy giờ Tâm và Tánh chẳng khác, cùng Trí như nhau, tức là cái Đạo trở về phản bổn hườn nguyên, tượng trưng trong lược đồ Hỏa Hậu bằng ba vòng tròn lớn, màu khác nhau, là cái Nhiều, đa tạp, thiên hình vạn tượng, ứng dụng vô biên, qui về tam giác hình màu trắng là cái Một nguyên thể, lớn không ngoài mà nhỏ không trong, Nhứt Thể tinh tuyền. Kính thưa chư vị, Chúng tôi vừa kính hầu quý vị về ý nghĩa của lược đồ Hỏa Hậu của Đạo Minh Lý. Rất mong tất cả chúng ta đồng nhận thức ý nghĩa thâm sâu và suy nghĩ thêm về Lược Đồ Hỏa Hậu để ứng dụng và phối hợp cùng nhau giữa Minh Lý và Cao Đài trên đường hành đạo. Rút gọn
Ngài Âu Minh Chánh (1896 – 1941) (người gốc Minh Hương) tên tục là Âu Kiệt Lâm, khoảng năm 1920, muốn tìm hiểu về nhân điện (magnétisme) nên đã gởi mua tài liệu bên Pháp. Ngài nghiên cứu và học được cách chữa bệnh giúp bá tánh địa phương. Nhiều bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo đã được trị lành. Lúc ấy, ngài đang ở nơi đường Barbier (nay là Thạch Thị Thanh, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh) và cùng hợp tác với nhiều thân hữu làm từ thiện. Dần dần, chư vị phát tâm tin tưởng Thiêng liêng. Sau đó, Ngài Âu Kiệt Lâm cùng vài người khác tìm đến một vị cao tăng bên Tàu qua, đang giảng pháp tại chùa Minh Hương Phước An Hội Quán (đường Hùng Vương), học cách cầu huyền cơ hầu tiếp xúc với cõi Thiên. Do cách cầu huyền cơ đòi hỏi phải thật nghiêm cẩn nên ít thành công, chư vị chuyển sang tìm học cách cầu Đại ngọc cơ.
Đầu những năm 1920, một số công chức, viên chức ở Sài Gòn đã tập hợp nhau cùng nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý của đạo Thích – Lão – Nho. Ông Âu Kiệt Lâm, pháp danh Minh Chánh cùng một số thân hữu mua sách từ Pháp nghiên cứu về nhân điện. Sau đó, ông phát tâm tin tưởng Thiêng liêng, học cách cầu "huyền cơ", rồi dần được Ơn Trên hướng vào cửa Đạo. Đến năm 1924, các vị đó đã giác ngộ chơn lý của Đạo và được sự chỉ dạy của Ơn Trên thông qua "huyền cơ" để sáng lập tôn giáo lấy tên là Minh Lý đạo, có ý nghĩa là: - “Minh khai tường Đại đạo, Lý hiểu đạt thâm uyên”; - “Minh chánh giáo, Đạo truyền thiện hạnh, Lý trực đàm, đức hoá cường ngôn”. Minh có nghĩa là thông hiểu nhận biết rõ ràng. Lý là lẽ phải tuyệt đối. Minh Lý là thông hiểu đến sự tuyệt đối đạt tới lẽ phải mà thành Đạo. Xem thêm
Sáu vị chức sắc có công khai đạo Minh lý gồm: ông Âu Kiệt Lâm, pháp danh Minh Chánh; ông Nguyễn Văn Xưng, pháp danh Minh Giáo; ông Nguyễn Văn Đề, pháp danh Minh Đạo; ông Lê Văn Ngọc, pháp danh Minh Truyền; ông Nguyễn Văn Miết, pháp danh Minh Thiện; ông Võ Văn Thạnh, pháp danh Minh Trực… Quá trình khai đạo, các vị chức sắc đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức Minh Lý đạo, có chức sắc, tín đồ, có giáo lý, giáo luật, kinh sách phục vụ cho tín đồ, môn sanh tu hành. Thời gian từ tháng 9/1925 đến tháng 2/1927, Minh Lý đạo tạm mượn chùa Linh Sơn ở đường Cô Giang làm nơi tụng kinh Sám hối vào các ngày 14 vào 30 âm lịch. Để có nơi thờ các đấng Thiêng liêng, các vị chức sắc Minh Lý đạo đã tiến hành xây dựng chùa. Ngày 3/1/1926, Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho chữ hiệu của chùa là “Tam Tông Miếu”. Vào ngày 9/9/1926, toàn đạo tổ chức lễ khởi công đặt viên đá đầu tiên. Đến ngày 2/2/1927, Tam Tông Miếu hoàn thành. Chùa đã qua hai đợt sửa chữa, trùng tu vào các năm 1941 và năm 1957. Hiện nay, Tam Tông Miếu ở số 82 đường Cao Thắng, phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1941 đến năm 1965, Minh Lý đạo trong cơ khảo đạo. Chư môn sanh phải tự tu học. Thời gian này, ông Định pháp Nguyễn Minh Thiện đã phế bỏ việc đời để chuyên tâm dẫn dắt mối Đạo. Ông Định pháp đã kết tập Thánh ngôn, Thánh giáo, viết sách, dịch Kinh, trùng tu Thánh miếu, chuẩn bị xây dựng Bác Nhã Tịnh đường, hướng dẫn môn sanh tu hành theo con đường chính nghĩa chơn tu đúng theo chơn truyền đạo pháp của Minh Lý. Đặc biệt, ông Minh Thiện đã biên soạn cuốn giáo lý làm nền tảng cho Minh Lý đạo là Minh Lý học thuyết để cho môn sanh theo đó mà tu học. Từ năm 1965 đến năm 1975, đây là thời kỳ khai cơ giáo pháp. Minh Lý đạo đã hoàn thiện về tổ chức, hình thành Hội thánh và hoàn chỉnh bộ kinh “Minh Lý chơn giải” để bổ túc cho cuốn “Minh Lý học thuyết”. Minh Lý đạo không thờ thánh tượng mà thờ bài vị. Bửu điện của Minh Lý đạo là Thiên bàn có 5 cấp: Cấp thứ nhất thờ bài vị Diêu Trì Kim Mẫu; Cấp thứ hai thờ bài vị Ngọc Hoàng Thượng đế, Hồng Quân Lão Tổ; Cấp thứ ba thờ Tam Giáo Tổ sư: Thích Ca Phật Tổ, Thái Thượng Lão Quân, Văn Tuyên Khổng Thánh; Cấp thứ tư thờ Tứ Đại Bồ Tát: Địa Tạng Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát; Cấp thứ năm thờ 7 bài vị của Ngũ Đẩu Tinh quân và chư Phật, chư Tiên. Minh Lý đạo xây dựng tổ chức có: Hội đồng Hội thánh là cơ quan cao nhất của Đạo; Viện Bảo đạo lo phần tu tịnh, giữ gìn đạo pháp do vị Tổng lý đứng đầu; Viện Hành đạo lo về công việc hành chính của đạo do vị Hiệp lý đứng đầu. Về cấp tu trong Minh Lý đạo gồm 8 bậc là: Hướng Tịnh sư/cô (tín đồ mới nhập môn); Chí Tịnh sư/cô, Tâm Tịnh sư/cô, Thanh Tịnh sư/cô (hàng Môn sanh); Khiết Tịnh sư/cô, Vĩnh Tịnh sư/cô, Siêu Tịnh sư/cô (hàng Giáo sư); Giác Tịnh sư (ngôi Giáo Tổ). Tín đồ của Minh Lý đạo bắt buộc phải ăn chay 6 ngày trong tháng. Hàng Môn sanh ăn chay ít nhất là 10 ngày trong tháng. Hàng Giáo sư phải ly gia cắt ái. Người tu đạo Minh Lý phải tuân thủ Giới luật để tập sửa tính tình, đồng thời có hình phạt để trị người phạm tội. Tuỳ từng phẩm vị mà Đạo qui định việc chấp hành Giới luật, bao gồm: Ngũ giới cấm (dành cho tín đồ và môn sanh); Mười điều trọng giới - Sát giới, Đạo giới, Dâm giới, Vọng ngữ giới, Cô Tửu giới, Thuyết tứ chúng quá giới, Tự tán huỷ tha giới, Kiển tích gia hủy giới, Sân tâm bất thọ hối giới, Báng Tam bửu giới - và Bốn mươi tám điều khinh giới (dành cho hàng Giáo sư) Đạo phục của Minh Lý đạo có màu đen và trắng, nam mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen; Nữ mặc áo dài đen, quần đen. Trong đàn lễ của Minh Lý đạo dùng bàn đàn ba cấp là chỉ ba tầng công phu; Tấm nắp bàn (trong đỏ, ngoài vàng) là tâm ý; Lư trầm là dấu kỉnh tánh mạng; Ba cây hương lớn là dấu kỉnh Tam tài; Ba bình hoa là dấu kỉnh Tinh - Khí - Thần, Tam hoa tụ đảnh; Ba cây đèn lớn là dấu kỉnh Tam giáo Đạo và Trời, Đất, Người; Năm dĩa trái cây là dấu kỉnh ngũ hành (đỏ, đen, xanh, trắng, vàng); Sáu ngọn đèn nhỏ là lục trần và lục căn; Rượu trà là dấu kỉnh Nhật Nguyệt, âm dương; Cái mâm tròn đựng chung rượu là dấu kỉnh Đạo. Khi đọc kinh phải khoanh tay, tay trái để trong, tay mặt để phía ngoài, khi quì đọc kinh phải chắp tay để trước ngực, đọc xong mỗi bài kinh thì quì lạy thực hiện Tam qui cửu bái, nghĩa là mỗi lần quì, lạy ba lạy. Kinh của Minh Lý đạo chỉ dùng Việt ngữ để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Bộ kinh gồm năm cuốn: Kinh Bố cáo, Kinh Sấm hối, Kinh Tịnh nghiệp vãn, Kinh Nhựt tụng, Kinh Giác thế. Một số bài kinh của Minh Lý đạo được đạo Cao đài sử dụng như bài Niệm hương, Bài Khai kinh, Kinh Sấm hối… Luật đạo có Giới luật và hình phạt, Tứ đại điều qui và Nhị thập tứ điều. Luận có Minh Lý yếu giải, Minh Lý học thuyết, Minh Lý chơn giải do ngài cố Định pháp Nguyễn Minh Thiện biên soạn và kết tập đại thành. Giáo lý của Minh Lý đạo là sự kết hợp tinh hoa của ba tôn giáo lớn ở phương Đông là Thích - Đạo - Nho làm Một (Qui nguyên tam giáo) để hướng dẫn tín đồ, môn sanh tu hành, tự độ, vị tha độ dẫn loài người xây dựng một xã hội hòa bình, an lạc. Trên cơ sở của học thuyết Tam giáo, Minh Lý đạo hình thành Kinh chú, Sớ điệp, Luật lệ, Lễ nghi và giáo lý. Những công việc hàng ngày về kinh chú, sớ điệp, luật lệ, lễ nghi thuộc về Hình nhi hạ học. Giáo lý cao siêu thuộc về Hình nhi thượng học. Giáo lý của Minh Lý đạo được hình thành trên ba nguyên tắc: Tam giáo hiệp nhứt (Thích - Đạo – Nho) trên đặc điểm luân lý, luyện khí, tu tâm là ba phương pháp cần thiết cho sự tu hành; Tam giáo qui nguyên, tuy ba tôn giáo có đặc điểm khác nhau nhưng cùng hướng về căn bổn của đạo làm người là ngôi Viên Nhứt; Chấp trung thủ nhứt là nắm giữ ngôi Viên Nhứt. Tam giáo đồ của Minh Lý cũng gọi là lược đồ Hoả hậu, tượng trưng ba nguyên tắc lập đạo nói trên. Minh Lý đạo lấy lược đồ Hoả hậu làm biểu hiệu của Đạo. Phần học Công truyền ở tại Thánh sở Tam Tông Miếu, còn phần học Tâm pháp giảng và tu tại Bác Nhã Tịnh đường. Từ sau hoà bình đến nay, Minh Lý Đạo tiếp tục lập trường thuần tuý tu hành, đem Đạo độ Đời theo tôn chỉ dung hoà tín ngưỡng, mở rộng tình thương nhằm hoằng dương chánh pháp, phục vụ nhơn sanh đến giác ngộ, giải thoát. Quí vị chức sắc Minh Lý đạo – Tam Tông Miếu đem tình thương yêu đồng đạo đến với đồng bào để tích cực tham gia công việc nhân đạo, từ thiện xã hội. Minh Lý đạo – Tam Tông Miếu nêu cao tinh thần bình đẳng, cộng tác và hoà ái để giữ mối giao hảo, trao đổi đạo pháp với các tôn giáo bạn. Hiện nay, Minh Lý đạo – Tam Tông Miếu do ông Tổng lý Lê Chơn Huệ, pháp danh Tường Định, phẩm vị Q.Vĩnh Tịnh sư lãnh đạo, hiện có khoãng 1000 môn sanh, đạo tâm, phạm vi hoạt động tập trung ở 3 tỉnh, thành phố là Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đạo Minh Lý ra đời lấy Tam giáo làm tôn chỉ, dung hoà các tín ngưỡng, thực hiện cơ tận độ trong buổi hạ ngươn, tiếp tục và hoàn thành sứ mạng Chánh pháp để hướng dẫn nhơn sanh tự tu, tự độ tránh khỏi sanh tử khổ đau, thực hiện lòng từ bi, bác ái, bình đẳng xây dựng xã hội hoà bình, an lạc./. MLĐ Rút gọn
|
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |