Thường thì cứ mỗi năm ra Tết, Rằm tháng Giêng là một ngày lễ tín ngưỡng lớn của người dân Á Đông. Như ở nước ta, đi lễ chùa cầu phước vào ngày nầy đã trở thành một phong tục đầu xuân. Các chùa các đền miếu đều tấp nập người hành hương, lễ bái với niềm tin được Trời Phật Thánh Thần ban nhiều ân phước trọn năm cho người thành tâm cầu nguyện.
Với ý nghĩa thiêng liêng đó, chúng tôi xin được trình bày về một cách sống đạo đức dựa trên căn bản giới không sát sanh và sự tương tức trên con đường tu tập của mổi chúng ta. Về ý nghĩa cơ bản, giới được đặt trên nền tảng từ bi thương sót đến tất cả muôn loài chúng sanh, là không làm các điều ác và làm các việc tốt lành hay nói một cách khác, không làm những gì có hại cho mình, cho chúng sanh, hoặc hại cả hai, và tích cực làm những gì về cả ba phương diện thân, khẩu và ý mà có lợi cho mình và cho chúng sanh. Giới không sát sanh là giới thứ nhất, không phải là những điều răn dạy hay cấm đoán trong nền tảng luân lý thông thường mà được đặt trên cơ sở bình đẳng Phật tánh nơi mỗi chúng sanh, nơi lòng từ bi của con người và nơi định luật nhân quả của vũ trụ vạn vật. Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì bị vô lượng phiền não che phủ nên chúng sanh chẳng nhận thấy được. Đối tượng chúng sanh trong giới cấm thứ nhất của đạo Phật là hữu tình chúng sanh, tức là những chúng sanh có hệ thần kinh, có tình cảm, biết cảm giác, biết đau đớn và vui sướng.. Chúng sanh ấy bao gồm từ người cho tới các loài động vật trên bộ, trên không và dưới nước, từ những con vật lớn như voi tượng, như cá ông cho đến các con vật nhỏ bé như kiến, như sâu trùng. Do nghĩa trên mỗi cá thể chúng sanh đều đồng có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật nên có đặc tính bình đẳng, do đó người biết tu tập không những không dám sát hại chúng sanh mà còn phải tôn trọng và bảo vệ chúng sanh. Bản chất của chúng sanh, dù loài nào, cũng đều ham sống sợ chết. Giết hại chúng sanh tức là gây cho chúng sanh một sự đau đớn về thân thể và một sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị đe dọa và xâm phạm. Hơn nữa, cái chết của một chúng sanh luôn luôn đồng nghĩa với sự chia lìa thân quyến. Khi một chúng sanh bị đe dọa đến mạng sống, chúng cũng có những phản ứng tự vệ, ít nhất là phát ra những nỗi oán hờn thù hận đến những ai định tâm sát hại chúng. Tại sao chúng ta làm đau đớn hay hủy mạng sống của chúng trong khi chúng ta lại muốn sống và không muốn ai hành hạ chúng ta? Sát sanh là nguyên nhân của chiến tranh tàn phá. Con người giết đồng loại, thú vật một cách si mê ngu muội, đâu biết rằng niềm oán hận không thể nào xóa bỏ cứ chồng chất theo năm tháng khó mà cản ngăn nỗi thù sâu oán trả. Xem thêm
Đạo Phật chủ trương cấm sát sanh, thể hiện một phần qua việc ăn chay, như là một chính sách dinh dưỡng tốt và cần thiết cho sự hành trì Phật pháp của mỗi cá nhân, ổn định cho gia đình, xã hội, và tận diệt nguồn gốc của chiến tranh. Dân gian thường nói: “Ăn chay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ nhân dịp những ngày rằm lớn”, là một phong tục đẹp góp phần cho cuộc sống đạo đức. Khoa học cũng đã chứng minh con người không cần ăn thịt cầm thú, mà cũng có thể sống mạnh khỏe được, lại còn tránh nhiều tai hại khác về mặt tinh thần lẫn cả vật chất nữa. Loài cầm thú tuy ít có trí thông minh, mà cũng cùng có tình thương yêu, ham sống sợ chết, chẳng khác nào hạng em út của chúng ta vậy. Thế thì ta nở lòng nào vì sự ngon miệng mà sát hại chúng nó cho đành. Nếu ta không chừa các thức ăn ấy, thì nó sẽ làm cho linh hồn ta tập nhiểm điều không tốt. Tại sao ? Vì loài cầm thú tánh còn hung ác, trí sáng suốt chưa mở mang. Nếu ta ăn thịt máu của thú vật, thì không sao khỏi bị thú tánh ô nhiễm ít nhiều đến linh hồn ta. Lại giết một con vật vô cớ, vì ta có thể sống bằng rau cỏ, chớ không phải chỉ ăn thịt mới là sống được, và giết con vật không đủ sức tự vệ, là tỏ ra mình khiếp nhược, hiếp đáp kẻ yếu, quên đi cái lý tưởng bác ái, đánh mất lương tâm của mình vậy. Ý NGHĨA TRONG VIỆC TU TẬP CỦA MỖI CHÚNG TA Đối với Đức Phật, từ bỏ sát sanh có nghĩa là bố thí sự không sợ hãi, bố thí sự không hận thù, bố thí sự không làm hại cho vô lượng chúng sanh. Đây là bố thí đệ nhất, bố thí tối thượng, bố thí vượt ngoài thời gian, bố thí được tồn tại lâu dài. Hạnh bố thí giúp người tu mở rộng lòng từ bi, lập hạnh buông xả. Ở đây lời dạy của Đức Phật về lòng từ, về tôn trọng sự sống, về không sát sanh sẽ đi rất xa trong sự nghiệp thay đổi tâm thức của người tu. Chúng ta phải tu tập lòng từ để nhiếp phục lòng sân và bất mãn. Chúng ta cần phải tu tập lòng bi để gìn giữ không làm tổn thương một ai, một sinh vật nào. Chúng ta cần phải tu tập lòng hỷ để hoan hỷ trước sự thành công của người khác. Chúng ta phải tu tập lòng xả để tâm thanh tịnh, không còn vướng bận, so đo tính toán. Đức Phật Thích Ca chủ trương hai chữ từ bi là vì lẽ nói trên. Chúng sanh đồng có một bổn thễ, đồng có một Phật tánh mà ra, thế thì chúng sanh là anh em ruột thiêng liêng cả. Cũng như theo thế tục người đời thường gọi: anh em ruột là đồng một hòn máu, mà xắn ra làm năm, làm bảy vậy. Nếu ta xét kỹ đồng một chất ô trược mà còn thương yêu nhau, huống là đồng một tánh thiêng liêng, lẽ nào chúng ta chẳng biết giúp đỡ lẫn nhau, cứu vớt lẫn nhau hay sao? Làm được điều đó mới là đúng là công phu thiệt hành của các vị Bồ tát của Phật. Người đời vì thiếu trí huệ, tham đắm vị ngon, mặc tình dồn chứa, ra tay sát hại, tạo tác muôn ngàn thật đáng thương. Chỉ ngon qua ba tấc lưỡi, một ngày kia ân oán trả vay, vay trả không dứt thì dù Chư Phật, Bồ tát có phép huyền diệu đến đâu, cũng không thế nào độ dẫn chúng ta được. Lòng vị kỹ, chấp trước sẽ đưa chúng ta mãi trôi dạt trong luân hồi sanh tử. Giữ giới là phương pháp tu tập trái tim đồng cảm làm cho tâm hồn trở nên sinh động, đầy cảm xúc thanh cao, quân bình hoà điệu trái tim và khối óc, hay nói cách khác hòa điệu ý, trí, tình để vươn tới con người chí thiện. Nếu giữ giới mà tâm địa hẹp hòi, khó chịu, bảo thủ, chấp chặt … thì không còn bản chất giới của Phật nữa mà trở thành phiền não. Nói về giới không sát sanh này, sách Nho dạy: "Thi ân bố đức". Kinh Đạo dạy: "Ái vật háo sanh". Phật dạy giữ giới cấm sát sanh. Giới không sát sanh được đặt trên định luật nhân quả, của tác động và phản động, đây là định luật thiên nhiên. Nhân là nguyên nhân gây nên và quả là kết quả. Như trồng hạt lúa thì có cây lúa, trồng cam thì có cây cam. Định luật nhân quả chi phối tất cả chúng sanh hữu tình lẫn vô tình. Tất cả hành động của chúng ta bao gồm thân làm, miệng nói và tâm ý mà đạo Phật gọi là ba nghiệp thân khẩu ý. Nghiệp là hành động sẽ đưa đến kết quả tốt hay xấu. Do đó nếu chúng ta làm những điều ác dữ thì chúng ta sẽ bị quả xấu mà thường hay gọi là nghiệp báo. Tiên gia có dạy: “.. Giết một con thú, làm một việc bất lương cũng đủ ngăn ngại cho ta lúc lên đường, họ xúm nhau mà cản trở. Phương chi mỗi người, dầu ít dầu nhiều, cũng kết buộc oan gia với ngạ quỷ, với súc sanh, với tình ái ân trong gia đình, xã hội”. Cho nên khi khởi ý niệm gì, cũng nên thật cẫn trọng để tránh điều hối tiếc. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật có nói rằng: Vì chúng sanh đồng ham mến bồi bổ thân mạng, lòng ham mến ấy không bao giờ dứt. Cho nên các loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hoá sanh, ở cõi thế gian mạnh hiếp yếu, ăn lẫn nhau . . . Hạng nầy lấy sự sát hại làm gốc. Bởi nghiệp sát hại đó, nên người ăn thịt súc vật, súc vật chết rồi trở lại làm người, người chết rồi trở lại làm súc vật, trong các loại chúng sanh cũng như thế cả, chết rồi sống, sống rồi chết, cứ ăn lẫn nhau. Lòng từ bi có được phát khởi và tu tập thì mới mong giải hóa được nghiệp sát sanh đả bám rễ vào biết bao tiền kiếp. Ý NGHĨA VỚI NHÂN SINH VÀ MÔI TRƯỜNG Một người thực thi giới Không sát sanh , tức là người đó quý trọng sự sống dưới mọi hình thức, dù đó là con người, súc vật hay cây cối. Đối với đạo Phật, giết hại súc vật một cách không cần thiết, hủy hoại thảo mộc một cách vô tổ chức là một tội lớn. Cho nên, hành trì giới này không chỉ tạo ra sự an lành cho chính mình mà còn đem lại sự bình an cho những người xung quanh, nhất là đảm bảo một môi trường sống hòa bình, trong lành. Hay nói cách khác, lòng từ được hóa hiện trong mỗi trái tim biết yêu thương và quý trọng sự sống. Tại đây, sự tham lam, sân hận, si mê, sự băng hoại đạo đức về trộm cướp, tà dâm, không tôn trọng sự thật, buông thả trong say sưa sẽ giảm thiểu và đi đến đoạn trừ. Tu tập lòng từ bi của Đức Phật sẽ tăng trưởng tình thương và tôn trọng cuộc sống của vạn hữu chúng sanh. Trong vũ trụ bao la, hành tinh chúng ta cực kỳ nhỏ bé, sự sống mong manh, trước đe dọa của một thảm họa hạt nhân. Nếu nhìn sâu xa hơn, chúng ta đang chung sống tương tức lẫn nhau trên hành tinh này, nên tôn trọng và bảo vệ sự sống còn của con người, tôn trọng và bảo vệ sự sống của sinh vật, tôn trọng và bảo vệ sự sống của cỏ cây hoa lá là sứ mạng không của riêng ai. Sự sống tự nó là sự mầu nhiệm, đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ, dầu là sự sống động vật hay thực vật thậm chí là của đất đá. Hủy hoại đời sống người khác, các loài hữu tình hoặc vô tình để duy trì đời sống của mình, không những trái với đạo lý con người, mà còn nghịch lại với luật thiên nhiên. Tôn trọng và bảo vệ đời sống của con người, của mọi loài, là động lực hay nhất và thiết thực nhất để bảo vệ và tôn trọng đời sống của chính bản thân mình. Bảo vệ sự sống ở nơi đây còn có nghĩa bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự dinh dưỡng trong lành của đất, nước, cỏ cây hoa lá, bảo vệ sự trong sạch của bầu khí quyển khỏi bị ô nhiểm, để nuôi dưỡng sự sống con người. Chỉ bằng cách bảo vệ hữu hiệu môi trường sống mới có khả năng bảo đảm sự sống của muôn loài và sự sống còn của chúng ta. Nguyên lý này đặt trên nền móng, trên lời khuyên của Đức Phật, chớ có sát sanh, chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh để lòng từ bi được trưởng dưỡng trên con đường tu tập. TẠM KẾT Trong năm điều cấm giới, giới không sát sanh được Đức Phật thiết lập đầu tiên, có vị trí và vai trò hàng đầu trong năm giới. Có thể xem giới không sát sanh là cơ sở, cội nguồn để xác lập đạo đức, sự nhân cách con người. Các giới còn lại hình thành và đi vào sự vận hành trong đời sống thực tiễn khi giới đầu tiên này được nghiêm tức gìn giữ. Do đó, nó không chỉ có giá trị đạo đức cao trong qui ước của một xã hội an bình mà nó còn là nền tảng, chuẩn bị để chúng ta vươn tới niềm an lạc xuất thế, cho đến cái tối thiện, cảnh giới hạnh phúc vĩnh hằng là Niết-bàn. Phật dạy tu thì phải làm sao cho cái bổn thể mình tương tức với bổn thể của chư Phật, Bồ tát. Nếu còn tướng sanh ngã (vị kỹ) và pháp ngã (chấp trước), thì cái bổn thể ấy bị ngăn chia giữa ta và chư Phật, Bồ tát, nên chư Phật, Bồ tát khó mà độ dẫn cho ta. Việc ăn chay là một sự thực tập thật cần thiết để tu thân tâm. Khi mới vào đạo, ta nên tập ăn trai kỳ lần lần, chọn món ăn cho đủ chất mới tránh khỏi bệnh hoạn. Chừng nào ta ăn chay trường được, mới là đặng trọn đủ lòng từ bi, mới mong đặng hoàn toàn giải thoát. Nhơn dịp lễ Thượng nguơn, chúng ta cùng hiệp tâm cầu nguyện Thượng Đế và Tam Giáo Tổ Sư ban ơn lành cho vô lượng chúng sanh vơi cảnh khổ, an lạc cuộc sống, hướng tâm hành thiện. Rút gọn
0 Comments
|
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |