Hướng đến Kỷ niệm 100 năm Minh Lý Đạo Khai, Môn sanh Minh Lý cùng dặn lòng tưởng nhớ về những năm tháng đầu khai đạo với những lời dạy ân cần từ các Đấng Thiêng liêng đến các bậc tiền khai trong công cuộc xây dựng một nền tân pháp trong kỳ phổ độ lần thứ ba.
Đạo Minh Lý thờ Thượng Đế và Tam Giáo Đạo Chủ, là: Tây Phương Phật Tổ hay Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Tuyên Khổng Thánh hay Đức Khổng Phu Tử, Thái Thượng Lão Quân hay Đức Lão Tử; và nghiên cứu cả ba giáo lý xưa của Thích, Đạo, Nho, để làm nền tảng cho Đạo Minh Lý. Do đó mà Kinh luận Minh Lý bao gồm tinh hoa của Tam giáo, lời dạy từ Thiêng liêng hầu giúp cho người tu đạt đến cứu cánh là song tu tánh mạng, hoàn thành sứ mạng tự độ và độ tha, mang tình thương lẽ thật đến với vạn vật. Về Thế Đạo, Minh Lý lấy con người làm đích chánh. Người là đại diện của Trời Đất, giữ mối tương quan, làm cho sáng tỏ và rộng bày Đại Đạo. Kinh xưa có dạy: Con người có tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng Thiên địa chi nghi. (Nghĩa là: Con người thễ theo Đạo Trời đất mà cắt xén cho mọi việc được thành tựu, thay Trời đất giúp dân đặng tiện nghi hạnh phúc) Sứ mạng con người là như thế, nhưng tại sao chúng ta gặp hôm nay một hoàn cảnh rất đen tối, thù ghét nhau, mâu thuẩn đến tiêu diệt lẫn nhau? Đó là con người bị ám ảnh bởi lòng tham dục, về một tương lai hão huyền mà say đắm với hoàn cảnh, nên gây ra biết bao sự đổ nát hư hại không đáng có, làm cho đất bằng sóng dậy chẳng có hồi kết. Hiểu là như vậy, thì việc tối quan trọng trong thời kỳ này là phải có những con người lành mạnh tượng trưng, đủ trí tuệ, đủ từ tâm, mới có thể đặt tay vào đời để có thể tái tạo lại cuộc sống nhân bản. Muốn có con người ấy, không phải học giỏi tài cao mà ra gánh đời độ chúng được. Muốn đòi hỏi cho đời được trở nên thanh bình thánh đức, phải có con người chơn tu, chứng đạo, nội thánh ngoại vương, tự giải thoát được thân, để giải cứu loài người ra ngoài đau khổ. Về Thiên đạo, Minh Lý nhìn nhận mỗi người đều có Lý tánh tối thiêng liêng, cái Bác nhã Chơn tâm bất sanh bất diệt, ngang cùng Trời Đất, hoặc gọi là Minh Đức, Minh tánh, Minh giác, v.v... làm căn bản cho sự tu thân. Cho nên bề trên có dạy: Minh Lý tánh, minh tâm kiến tánh, Đạo Tam Tông, thọ lãnh hóa hoằng. Nhưng khó ở chỗ nhìn rõ được cái Lý tánh nói trên. Chết tại đó mà sống cũng tại đó, nên gọi chỗ đó là cửa Sanh Tử. Nhưng làm sao minh được Lý tánh? Làm sao có được con người đủ sự sáng suốt, đủ chơn thanh tịnh để có thể tự giải thoát và khế hợp cùng trời cứu nhơn độ thế? Kính thưa quý vị, Trong phạm vi của bài nói chuyện hôm nay, tôi xin phép được đề cập đến SÁM HỐI và TU THÂN, một phép tu cơ bản và vô cùng thiết yếu mà Ơn trên đã ban dạy và thường xuyên nhắc nhở MLMS trong suốt các chặng đường từ Chỉnh cơ lập pháp đến Khai cơ giáo pháp để chuyển cơ thành đạo, hầu đưa con thuyền từ đến bờ bến giác, hầu có thể hoàn thành sứ mạng thế đạo và thiên đạo mà Ơn trên đã chỉ dạy. Sám hối và Tu thân có mối liên hệ cảm ứng lẫn nhau giúp cho hành giả trên con đường tu tập tiến hóa. Sám hối để gột rửa thân tâm, giải nghiệp tiền khiên, giữ tròn giới luật, gìn tâm thanh tịnh, làm nền tảng cho bước đường công phu tu tiến. Tu thân giúp cho hành giả thêm kiên định đức tin, vững vàng kềm giữ thân tâm trước sự lôi cuốn của vật dục hầu tiến lên quả chơn định, để tiến đến minh minh đức. Xem thêm
Đức Bác Nhã Thiền Sư dạy Minh Lý môn sanh phải thấu rõ yếu quyết của Minh Lý Đạo là tu Bồ Tát Hạnh, qua đó mà hành trì Pháp Môn Đại Thừa. Muốn hành trì Pháp Môn Đại Thừa trước hết phải thành tâm phát nguyện và trì tâm sám hối. - Phát tâm cầu Chánh Pháp Đại Thừa: Phát nguyện tu tập Tứ Vô Lượng tâm để Tâm không đắm nhiễm, Tâm không tham cầu, Tâm không riêng cho thân, cho nhà, mà phải có lượng lớn bao dung để hành trì pháp đạo, khỏi bị phạm Thiên Điều. Nguyện xóa hận thù, bất bình, oan khúc, khéo dằn tâm nhẫn nhục từ hòa, vị tha quên mình. Phải diệt sạch tam nghiệp do thân, khẩu, ý gây ra. - Phát tâm Sám hối để sửa mình, tẩy tâm tiến đức, đoạn não phiền nghiệp lực tạp căn, giải tiền khiên oan báo nhiều đời, để vẹt mây mù bao vây cái bản thể Chơn Tâm, cản trở con đường tiến tu của hành giả. Bác Nhã Chơn Tâm khi được hiển hiện sẽ soi rọi cho hành giả càng vững vàng. Từ đó, phát Bồ đề tâm dũng mãnh diệt trừ những đen tối, ô uế của chính cái tâm mình như là lòng tham, sự ích kỷ, đố kỵ, hơn thua và lòng thù hận để đón nhận sự thanh tịnh và tự tại. Ơn Trên có răn dạy: “Từ xưa nay, các hiền cũng thấy biết bao kẻ đã tiến lên hầu gần đạt Đạo, song vì nghiệp chướng mà nửa đường buông xuôi, ngã gục, trở lại đầu hàng con ma tội lỗi, chẳng phải ít đâu! Để tránh các sự trở ngại lớn lao cho mình tiến đạo, cho đạo hoằng khai, thì chỉ có một phép Sám Hối mà thôi”. Vì sao phải sám hối? Con người vì vô minh nghiệp chướng mà lầm đường lạc lối qua nhiều kiếp sống, gặp bao trở ngại trên bước làm người, lập chí tu học. Nghiệp chướng đã ràng buộc thân phận rồi, thì trên đường tu thân để nên Thánh, nên Hiền cũng khó được, bởi oan trái kia luôn luôn ám ảnh buộc ràng, cản bước người tu trên con đường tiến hóa. Tiên Phật dạy người tu phải có tâm thiết tha giải hóa hận thù, ân oán, phát tâm sám hối gội sạch nghiệp tiền khiên. Dù mình có muốn giải thoát suôn sẻ đâu phải dễ dàng. Khi đã giết một con thú, làm một việc bất lương thì nghiệp quả cũng đủ trở ngại cho chúng ta trên con đường tu tập. Phương chi mỗi người, dầu ít dầu nhiều, cũng kết buộc oan gia với ngạ quỷ, với súc sanh, với tình ái ân trong gia đình, xã hội… Qua đó, chúng ta có thể nhận ra rằng không ai trong chúng ta được sanh ra đã là người hoàn hảo. Ngược lại, mỗi chúng ta được sanh ra đều có nhiều lớp bụi bẩn bám chặt do chính chúng ta đã tạo ra mà nay chúng ta có bổn phận phải tự lau chùi, tắm gội thật nhiều lần hầu lớp áo sau cùng có thể nhuộm màu đạo trong muôn một. Màu đạo trong sáng trong tâm sẽ phát ra một ý chí quyết tâm sám hối kiên định. Ngoài ý chí kiên định của người tu, cũng phải nhờ đến tha lực của Phật Trời, luôn luôn lân mẫn dắt dìu, ám trợ đường tu. Nhờ thầy sáng bạn lành nương nhau mà giải thoát. Thế nào là sám hối? Đức Huệ Năng Lục Tổ là ông Tổ thứ sáu của phái Thiền Tông, có gọi các môn đệ mà hỏi rằng: “Sao gọi là sám? Sao gọi là hối?”. Sám là khai tội trước của mình đã phạm từ trước, các phần ác nghiệp thuộc về u mê, dối gạt, tật đố, nay đều khai ra hết cả, đời đời chẳng còn gây ra nữa. Hối là chừa bỏ lỗi sau, từ này về sau, các phần ác nghiệp thuộc thuộc về ngu mê, dối gạt, tật đố, nay đã tỉnh ngộ biết rồi, đời đời quyết đoạn dứt hết, không còn tái phạm. Cho nên gọi là “sám hối”. Kỳ thiệt, hai chữ đồng có một nghĩa mà thôi. Nói ngắn gọn thì sám hối là chừa cải lỗi xưa, không tạo gây lỗi mới. Sám hối là “ăn năn chừa bỏ”, đây là trọng tâm của sự sám hối. Nhưng nếu cứ thường xuyên phạm tội, rồi thường xuyên sám hối, lại phạm tội lại sám hối, như vậy không còn ý nghĩa và không phải là phương pháp sám hối tích cực. Sám hối là nhận ra thân hành động sai, lời nói không khéo, ý buông lung niệm ác, nay nhận ra lỗi lầm của mình, tha thiết hối lỗi quyết không tái phạm. Sám hối có nghĩa là: gột rửa thân tâm được sạch sẽ, nhẹ nhàng khoẻ khoắn. Thân bị lấm lem, nhơ bẩn, nặng nề, sanh ghẻ chốc, cần được vệ sinh tắm rửa buổi sớm buổi chiều. Áo quần tẩy giặt cho sạch, đừng bận mãi, mồ hôi bụi bậm bám vào. Muốn giặt áo quần cho sạch, đó là chánh duyên. Muốn giặt cho sạch thì phải có xà phòng, thuốc tẩy, là trợ duyên làm sạch áo quần, mới ra hết bụi, mới khỏi mồ hôi thối bẩn. Nước là trợ duyên làm cho thân gội tắm và áo quần đều được sạch. Đó là sám hối phần ngoài. Còn bên trong tâm, cần có sự nỗ lực tỏ rõ ăn năn, phải có chí dẻo dai, mạnh mẽ khử trừ tội lỗi mà mình đã tạo tác. Phải khơi ngọn đèn trí tuệ ở lòng mình cho tỏ sáng để phân biệt phải trái rõ ràng, ngăn ngừa tham dục, vun trồng công đức. Ngoài ý chí của nội lực, người tu cần phải nhờ pháp, nhờ quyền, nhờ Thầy, nhờ bạn, nhờ kinh, nhờ giới luật làm hướng đạo, mới ra khỏi chỗ tối tăm, địa ngục khổ đau. Sám hối không phải là lúc nào cũng tự nghĩ về những tội lỗi đã gây ra trong quá khứ. Sám hối càng không phải chỉ dành thời gian để buồn bã cho số phận mà sám hối là cho chúng ta một cơ hội để nhận ra nhân xấu của quá khứ để chấp nhận cái quả trong hiện tại và sống có ý nghĩa hơn so với quãng đời mà chúng ta đã bước qua. Ai cũng có nhiều điều phải hối tiếc khi nhìn lại quá khứ. Tuy nhiên, những hối tiếc ấy chỉ có giá trị khi chúng giúp chúng ta sống cuộc đời mình trong phút giây hiện tại và tương lai sao cho không phải lặp lại những lỡ lầm đáng tiếc ấy nữa. Như thế, sám hối không phải là một phương tu để hành giả có thể làm trong một sớm một chiều mà có thể giải quyết cho tất cả. Sám hối là một tiến trình mà người ta phải thực hiện liên tục trong cuộc đời tu học của mình. Mỗi lần sám hối là mỗi lần trí sáng lại được khai mở. Thân tâm lại thêm một lần được giải phóng khỏi cái ách nặng nề của quá khứ. Nhờ đó mà tâm thức của hành giả dần chuyển hóa và hướng đến sự giác ngộ. Trong phép Chơn Sám Hối, Kinh xưa dạy khi đã biết tội lỗi rồi thì không nên tưởng lâu tới tội lỗi đó nữa mà có hại cho tâm đức. Vì nếu chú ý hoài đến sự lầm lạc, e sự lầm lạc vấn vương mãi trong lòng. Vậy thì nên làm sao để được giải thoát? - Người tu cần phải suy gẫm tới gốc của tội lỗi, mới biết tội lỗi là huyễn hư, lý tánh mới là chơn thiệt. Làm như vậy mới thiệt là hữu ích. Lý tánh trước kia vốn là trống rỗng, chẳng có vật chi trong đó hết. Tội chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, cũng chẳng phải ở giữa. Bổn lai của nó vẫn là không, chỉ do tâm tạo nhân duyên điên đảo mà có. Phép xét này gọi là “quán tội tánh không” nghĩa là xét cái tánh của tội lỗi không phải thiệt có. Vậy muốn bỏ tội ác thì cứ xa rời những nhân duyên điên đảo ở ngoài là xong. Xa rời bằng cách không để cho những nhân ấy làm rối loạn tâm điền, rồi sau mới có thể phát triển các đức lành tốt sẵn có trong Lý Tánh. Kinh Phổ Hiền Quán dạy rằng: “Nhược dục sám hối giả, đoan tọa quá thiệt tướng, tội nghiệp như sương lộ, Phật nhựt năng tiêu trừ”. Nghĩa là: Bằng muốn sám hối, ngồi ngay thẳng, xét tưởng tướng chơn thiệt là lý tánh, tội nghiệp như sương mù, mặt nhựt của Phật sẽ làm tiêu hết. Vậy thì phép Sám Hối cũng phải căn cứ vào Lý Tánh, mới có hiệu quả thiệt tốt. Lý Tánh càng rõ ràng chừng nào, thì tội ác tiêu mau chừng nấy. Tỷ như sương móc gặp mặt trời mọc lên thì liền phải tiêu, chẳng cần có ý trừ bỏ. Phép Sám Hối này ở trong Lý Tánh của mình phát ra, chớ chẳng phải việc làm hình thức bề ngoài, nên gọi là vô tướng sám hối. Sám Hối và Tu thân Dù đã sám hối với thái độ vô cùng ăn năn hối lỗi và quyết tâm không lặp lại những hành động cũ, nhưng vào một lúc nào đó chúng ta sẽ không tránh được việc lặp lại sai lầm trước đây, chúng ta sẽ dễ rơi vào trạng thái phán xét và dằn vặt chính mình. Nếu chưa đi vào con đường tu tập để quyết tâm giác ngộ thì những thói quen cũ, tập quán cũ của chúng ta sẽ không thay đổi gì vì nghiệp lực sâu dày từ vô thỉ dồn nén, chất chồng muôn ngàn tội lỗi. Ngay khi đang tu tập, chúng ta cũng chưa thể sửa đổi ngay lập tức thói quen này do tích tụ nghiệp nhiều đời quá khứ. Cuốn Tu Chính Nghĩa của phái Tào Động nói: “Nghiệp dữ trong ba đời, tuy mình phải gánh chịu (theo luật nhân quả), nhưng ai hay sám hối, thì nghiệp nặng cũng ra nhẹ, hay là được tiêu diệt luôn”. Cho nên biết chắc công dụng của phép Sám Hối là lớn lắm. Nhưng đó chẳng qua là một phép tiêu cực, nghĩa là bớt lầm lạc, tiêu tội ác mà thôi. Vì sao nói như vậy? Cái tâm của ta cũng như miếng đất của người làm vườn. Phải cần lo nhổ cỏ, dọn đất. Khi nhổ cỏ dọn đất rồi, phải lo vun vén gieo giống lành sẵn có, thì nó mới kịp nẩy mầm, đâm chồi phát triển lên được. Bằng không cỏ kia sẽ mọc lại, giống lành sẽ không có cơ hội để hiển hiện. Giống lành ở đây chính là công đức do sự tu thân mà có. Hột giống lành lúc mới mọc cái mầm còn yếu, thì phải trông nom nó luôn. Đến khi cây lớn, cành lá xum xuê rồi, thì cỏ kia mới không làm hại nó được nữa. Sám hối và công đức cũng quan hệ vớí nhau như thế đó: Sám hối rồi phải lập công đức. Ban đầu, phải sám hối nhiều để giải oan chi, nghiệp chướng, cũng như nhổ cỏ. Đến sau, lập công đức khá rồi, lý tánh đã hiện rõ ràng, cũng như cây lớn, thì tội lỗi không còn lôi cuốn ta được, tự nhiên sự sám hối cũng theo đó mà dứt. Đức Lục Tổ dạy công đức nói ở đây chỉ tự thấy ở trong tự tánh mà thôi, chớ không phải tìm cầu ở trong việc bố thí, cúng dường. Cho nên công đức khác với phước đức. Cứ theo lời dạy trên: tự mình tu tánh ở trong gọi là công, rồi do công ấy phát diệu dụng ra ngoài gọi là đức, nghĩa là mỗi công việc làm phải thuận lý, tự nhiên theo mệnh lệnh của tự tánh. Công đức này gọi là vô lậu tánh công đức. Vậy muốn giải thoát kiếp sanh tử luân hồi, là cần phải học Đạo. Mà muốn học Đạo, phải có chí cương quyết, dẻo dai, để có sự sáng suốt nhận ra điều phải trái, thấu hiểu luật nhân quả qua bao kiếp. Muốn nên hiền nên thánh, gốc ở lòng được thung dung thanh tịnh. Mà thung dung thanh tịnh, là nhờ xả khước mọi trần tình, đoạn sạch oan gia trái chủ. Oan gia trái chủ không còn quấy nhiễu ở ta, là nhờ nhiều phen sám hối. Muốn đạt đến chỗ tâm thanh tịnh thì phải tu thân để ngăn ngừa lục dục, thất tình quấy nhiễu làm loạn động Tam bửu, Ngũ hành. Tam bửu Ngũ hành bị dấy động sẽ gây hư hại tâm, can, tỳ, phế, thận; làm cho thân thể suy yếu, cản trở bước đường tu. Để ngăn ngừa lục dục, thất tình khuấy động thì căn bản, ngoài việc công phu thiền định, còn phải trì hành giới luật và siêng năng sám hối. Sám hối kiểm điểm hằng ngày rồi dốc lòng tỉnh sát và khắc trị để tiêu trừ tội lỗi và bảo đảm việc hành trì giới luật được tinh nghiêm, tạo thành trì vững chắc bảo vệ cho sáu căn thanh tịnh, tâm thần an định. Sám hối và Tu thân để tiến đến minh Lý Tánh . Tu thân là sửa chữa bản thân mình cho được ngay chánh, hợp theo đạo đức. Sám hối để luôn xét nét lấy chính mình, trì tâm ăn năn chừa lỗi đã gây ra, tu thân để minh cái Lý Tánh đã bi lu mờ để ngọn đèn huệ thắp sáng tâm điền, thông suốt mọi lẽ. Trong Bát Điều Mục của Nho giáo thì tu thân là trung tâm điểm, nên quan trọng hơn tất cả. Muốn tu thân, phải Cách vật, Trí tri, Thành ý và Chánh tâm. Tu thân được rồi thì mới có thể Tề gia, Trị quốc và Bình thiên hạ. Bốn điều mục trước là điều kiện để tu thân và ba điều mục sau là hệ quả của việc tu thân. Đó cũng là ý nghĩa của tự độ và độ tha. Trong đó, cách vật, trí tri là hai phương pháp thần diệu để gỡ màn che Lý Tánh và làm cho nó hiện ra rõ ràng. Lý Tánh sáng tỏ sẽ giúp người tu nhận ra điều trái phải. Cách vật, trí tri là công phu ban đầu nhưng chính là hai yếu điểm của chánh đạo. Các công phu khác đều là phụ thuộc vào đó cả. Nếu hai việc đó mà hiểu sai đi một li, thì các việc làm sau trật không biết mấy ngàn dặm. Ai muốn tu thân cho chín chắn, thì nên tìm hiểu biết nghĩa chơn chánh của nó. Minh Lý Yếu Giải có giải thích như sau: Cách vật nghĩa là đừng cho sự vật chi phối tâm mình, lúc nào cũng phải chống trả với tình tham dục, sự bất chánh. Nói cho đủ chữ là cách vật dục, nghĩa là trừ bỏ lòng ham muốn theo sự vật. Kinh Nhạc ký nói: “Vật chi cảm nhơn vô cùng, nhi nhơn chi háo ố vô tiết, tắc thị vật chí nhi nhơn hóa vật giả dã, diệt thiên lý nhi cùng nhơn dục giả dã”. Nghĩa là: Vật chất cảm động người ta không biết đâu là cùng. Nếu người ta quen thói ưa ghét không chừng, thì khi gặp vật dục, ắt bị vật dục lôi cuốn. Người chạy theo vật dục thì lương tri sẽ không còn, nhơn dục sẽ nổi sóng. Nếu còn lòng tham chấp vật nào, thì lương tri bị món vật đó ám mờ. Ban đầu, lương tri giong ruổi theo vật. Rốt cuộc, món vật che khuất lương tri. Đó là thường tình của người ta, ai ai cũng vậy. Dẫu người có trí uyên bác cũng khó tránh khỏi sự che lấp của nó. Thế lực của vật dục và lương tri đối chọi với nhau, một còn một mất, không thể đứng chung cùng nhau. Hễ dẹp vật dục thì đặng lương tri sáng suốt, còn giữ vật dục thì mất đi lương tri sáng suốt. Cho nên muốn trí tri tất nhiên trước hết phải cách vật (dục). Trí tri nghĩa là phát triển lương tri, làm cho nó đặng trọn sáng suốt. Muốn trí tri, có chi hay hơn là suy ngẫm, xét nét cho một bổn tánh lương tri. Hay là nói một cách khác: thường lấy tánh lương tri mà xét nét, và mình phải có ý chí tỉnh ngộ, tự cường mới được. Nếu cứ theo tập quán cũ, lấy bản ngã (tức là tánh khí chất) mà xem xét, thì con người không bao giờ đặng giải thoát, tới chết cũng còn ở trong vòng vật dục. Công phu trí tri có được ban đầu từ sự chí thành học hỏi ở kinh sách, Thánh ngôn để thanh lọc tư tưởng, biện biệt được tốt xấu, lành dữ và phải nhờ những đoạn công phu tiếp theo mà dần trưởng dưỡng cái tánh lương tri đến thật sáng tỏ. Do đó mà người tu cần phải có học, mà sự học của mọi người là cốt ở sự sửa mình (tu thân), cho nên sách Đại Học nói rằng: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn”. Nghĩa là: Từ vua cho đến dân, ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc. Muốn sửa mình cho thành người có đức hạnh hoàn toàn thì trước hết phải giữ cái ý của mình cho thành (tức là không lòng tham dục, còn gọi là Thành ý), cái tâm của mình cho chánh (Chánh tâm). Trong lúc khởi ý mà hết sức trung thành với lương tri, lẽ phải, thì gọi là Thành Ý. Lương tri vốn sẵn do Trời phú cho con người, vẫn sẵn có đức sáng mà biện biệt được phải trái, lành dữ. Mình cứ theo lương tri, phải thì làm, lành phải theo, ác thì tránh, tất cả đều phải đúng theo lẽ phải, như thế là trung thành với chính mình. Trong một Thánh ngôn, Đức Hà Tiên Cô có dạy: Người tu nên tuân thủ theo giới quy để làm chuẩn mực để hạn chế tâm tà. Giới quy để tô tạo cho con người trở nên thánh khiết. Giới có giữ trọn thì Định mới sanh. Nhờ giới kềm chế vọng tâm, tiêu trừ chướng nghiệp, tạo nên công đức thù thắng, đặng quả Chơn Định mà Trí huệ sinh ra. Trí huệ có rồi thì người tu mới có thể khế hợp cùng Trời Đất mà tài thành Thiên Địa chi đạo. Người biết tu tập phải thành thật lấy mình, xét nét thận trọng khi chỉ có một mình, vì chỉ tư tưởng sai một ly thì đi một dặm. Kính cẩn ở chốn “độc” (một mình) của mình thì không bao giờ tự lừa dối mình, bao giờ cũng thành thật với chính mình, không có gì bên ngoài sai khiến lừa dối tinh thần mình thay đổi. Đó là công phu thận độc. “Thận độc” là cẩn thận kính sợ ở chốn một mình, không ai thấy, không ai nghe đến, mà tự mình cẩn thận lấy mình. Nên thận độc ở cả thân và tâm. Kinh văn sách Đại Học viết: “Tu thân tại chính kỳ tâm”, là vì thân và tâm cùng chung một hạt giống. Muốn tu trì được thân, cũng chỉ tu trì ở nơi tâm mà thôi. Vì thế thân có điều xấu, không qui trách tại thân, mà chỉ trách tại tâm. Tâm muốn cho chính thì luôn luôn phải giữ mực Trung Hòa. Trung thì Tâm được quân bình luôn luôn, Hòa thì tâm luôn được thư thái, an nhàn. Có như thế thì tâm mới chánh được. Tâm chánh tức là tu thân. Tâm thể phải cốt giữ cho thanh tịnh, trung hòa thì những sự vật tiếp xúc ở bề ngoài, không có thứ gì cám dỗ được tâm mình. Dù như tức giận, sợ hãi, ham muốn, lo buồn, có xảy đến cũng không lay động được tâm mình. Đó cũng nhờ công phu tu tập thiền định. Vì vậy, người tu hành muốn tu thân chánh tâm, trước hết phải thành (tức phải răn lòng dục) và lúc nào cũng “giới thận (răn đe)” chỗ mình chẳng thấy, “khủng cụ (e sợ)” chỗ mình chẳng nghe để tránh nghiệp thân, khẩu, ý. Tâm đã chánh, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri lương năng của mình tức là cái Minh Đức trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, làm điều gì hay là đối phó với cảnh huống nào cũng đắc kỳ trung, cũng có điều hòa và hợp đạo lý. Cách được Vật, Trí được Tri, Thành được Ý, Chánh được Tâm là thấm nhuần được thân về tinh thần, tư tưởng không có gì là không chánh đại, đó là Tâm Chánh. Tâm đã chánh, tất nhiên Thân tu. Lỗ tai tất nhiên tỏ, không nghe cái gì lầm, mắt tất nhiên sáng, không thấy cái gì sai trái, tay chơn cử động nhằm lẽ, không trở ngại. Cái Lý Tánh một khi đã tỏ sáng thì Tứ Vô Lượng Tâm sẽ lan tỏa một cách ngoạn mục, đưa nhân loại đến bến bờ Thượng nguơn Thánh đức. TẠM KẾT Kính thưa quý vị, Hiện những cuộc biến thiên của thời thế làm cho nhơn sanh tinh thần hỗn loạn, sống trong nỗi lo sợ cho ngày mai, vì hiện nay toàn cầu đương sống trong một bối cảnh xáo trộn của tai kiếp nạn ách đang hoành hành. Đời sống gặp nhiều trở ngại và tật bệnh lan tràn. Tầng khí quyển đã bị tổn hại ngày càng xấu đi, khiến cho thời tiết đảo lộn gây nên nắng lửa mưa dầu, dịch bệnh đã, đang và sẽ còn kéo dài trên toàn cõi địa cầu. Là những người tu hành, chúng ta càng nên phát tâm sám hối và cầu nguyện để giải bớt nghiệp quả cho chính chúng ta và cho bá tánh vơi đi thống khổ của thời hạ nguơn mạt kiếp. Sự liên kết như vậy mới tạo ra một sức mạnh phi thường, mới mong có chút khả quan hóa giải được mối hiểm nguy đang gần kề, trước nhứt là lập công, hai là tự giải thoát bằng sự hồi hướng công đức cho chúng sanh toàn cõi dinh hoàn này. Để tạm kết, tôi xin được đọc bài Văn Sám Hối mà Minh Lý Môn sanh hằng tâm niệm trước các khóa tu tịnh: Chúng đệ tử từ đời vô thỉ, Bị vô minh che đậy chơn tâm, Thường hành sát, đạo, tà, dâm, Vọng ngôn, ác ngữ, lời sàm dệt thêu. Hỉ, nộ, dục, tình yêu túng tánh, Tham, sân, si, khó tránh loạn tâm, Nghiệp trần nhiều kiếp căn thâm, Ngày nay phát lộ chơn tâm Bồ Đề. Nguyện sám hối mọi bề cải đổi, Cho tiêu trừ hết lỗi, về lành, Nguyện đem dưng hết tấc thành, Thân tâm phụng sự Đạo lành độ dân. Trên lo báo Tứ ân trọng đại, Dưới Tam đồ khai giải thành sầu. Lòng lành trải khắp năm châu, Nguyện đâu đều đặng vẹn cầu toại sanh. Xin quý vị cùng hiệp tâm với chúng tôi, Cầu xin trăm họ bình an, Nước giàu dân mạnh, thanh nhàn muôn năm. Rất lòng thành tín Rút gọn
0 Comments
Bài giảng tại Tam Tông Miếu
NGÀY LỄ HẠ NGUƠN (RẰM THÁNG MƯỜI) NĂM NHÂM DẦN ( 2022 ) Thưa quý Thiên ân chức sắc, Thưa quý đạo hữu và đạo tâm nam nữ, Hôm nay, nhơn ngày vía Hạ nguơn, Thủy quan giải ách, tôi xin được chia sẽ với quý vị một đề tài gần gủi với mổi chúng ta mà người xưa cũng đã từng dạy, một vấn đề mà một người khi mới bước vào Đạo cho đến cả cuộc đời tu học của mình cũng phải luôn nên suy nghiệm và tu tập để luôn noi theo con đường thiện lành mà đi đến giải thoát. KHẨU ĐỨC TRONG TU TẬP Trong phương pháp tu tập có pháp “nói lời ái ngữ”, tức là nói những lời dễ thương, những lời có chất liệu giải thoát, mang đến an lạc cho người nghe, đó cũng là “chánh ngữ” mà Đức Phật dạy trong giáo lý ‘Bát Chánh Đạo’và từ đó hình hiện nên khẩu đức cho người tu tập. Động cơ của một lời nói nặng hoặc nhẹ nhàng rất quan trọng, hay nói đúng hơn nó phát xuất từ ý niệm ban đầu của người nói, mà sẽ cho ra thiện nghiệp hay ác nghiệp. Vậy thì muốn có ý niệm thiện lành từ ban đầu thì phải biết bình tâm định ý, nghĩa là phải giữ tâm an tịnh thì mới có thể khởi được ý thiện lành. Lời nói phát nguồn từ niệm chưa lành có thể sắc bén như gươm giáo làm trọng thương người khác nhưng một niệm lành cũng có thể là nguồn nước thanh lương dập tắt mọi não phiền, điên đảo có khi cứu cả một sinh mạng, thay đổi cả một lối sống. Khởi được ý thiện lành thì Tam độc “Tham, Sân, Si” không thể trổi dậy làm rối loạn thân tâm mà gây ra nghiệp thân, khẩu, ý mà khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà chúng ta tạo ra. Ai cũng biết rằng vết thương trên thân thể dễ lành hơn nhưng vết thương gây ra do lời nói bất thiện sẽ khó lành và sẽ mang lại nghiệp báo, oan gia cho người tạo tác. Lời nói từ cửa miệng là quả từ tâm ý phát khởi và là nhân của hành động tạo tác. Xem thêm
Chuyện xưa có kể như thế này: Ngày trước ở thành phố Shravasti, khi trên đường về tịnh xá, Phật và chúng tăng dừng chân nghỉ ngơi dưới một tán cây to ven hồ, bỗng một con khỉ từ trên cây nhảy xuống, xin mượn chiếc bát trong tay Phật. Sau khi đón nhận chiếc bát từ Phật rồi nhanh chóng rời đi, chỉ một chốc đã thấy nó quay lại. Nó cung kính dâng chiếc bát chứa đầy mật ong lên cho Phật. Phật nhận bát mật ong, chia đều cho các tăng nhân cùng dùng. Khỉ ta thấy vậy, thích thú nhảy múa xung quanh. Một thời gian sau, khỉ chết được chuyển kiếp thành người, sinh ra trong gia đình đạo đức. Khi đứa trẻ này được sinh ra, mọi bát đĩa nồi niêu trong nhà đều đựng đầy mật ong. Người mẹ lấy làm lạ, bèn đặt tên cho đứa trẻ là Mật Thăng. Thời gian thấm thoắt trôi đi, chẳng mấy chốc Mật Thăng đã trưởng thành. Anh chán ghét hồng trần thế tục nên xin cha mẹ cho phép anh xuất gia. Sau khi được cha mẹ cho phép, Mật Thăng đã đến tịnh xá quy y cửa Phật. Do thiện duyên từ kiếp trước, anh rất nhanh đã tu thành chính quả. Có một vị sư đã nói với Phật: “Trước kia Mật Thăng đã tu được phúc gì? Tại sao mọi lúc mọi chỗ đều có thể dễ dàng cầu xin được mật ong?” Phật đáp: “Các ngươi có nhớ cách đây rất lâu, có một con khỉ đã mượn chiếc bát đi lấy đầy mật để dâng lên Phật và chúng tăng hay không? Vì thiện tâm đó, nên khi chết nó đã được chuyển kiếp làm người, và vì người đó thành tâm, nên bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể có được mật.” Nghe Phật nói xong, chúng tăng lại hỏi: “Thưa Phật, vậy kiếp trước của Mật Thăng vì lí do gì lại đầu thai làm khỉ ạ?” Lúc này có rất nhiều đệ tử đều vây quanh Phật, Phật nhìn một lượt các chúng tăng, chậm rãi nói: “Mật Thăng bị đày thành kiếp khỉ, là việc của 500 năm trước, đó là khi Phật Ca Diệp Như Lai còn tại thế. Khi đó có một vị sư trẻ tuổi, tình cờ trông thấy một vị sư khác nhảy qua một con suối nhỏ, liền cười nói trông bộ dạng sư kia cứ như con khỉ, do đó đã phạm vào tội ác khẩu và bị đày làm kiếp khỉ. Sau đó vị sư đó đã nhận ra tội lỗi của mình, đã sám hối nên không bị đày xuống địa ngục chịu tội nhưng vẫn phải bị đọa làm kiếp khỉ. Cũng vì cái kết duyên đó, con khỉ mới có thể gặp được Phật, kiếp này mới nhanh chóng thành chính quả như vậy.” Nghe Phật nói xong, chư tăng đều đã hiểu ra: Chỉ một câu nói ác khẩu, cũng có thể gây nên nghiệp chướng quả báo sau này. Qua mẩu chuyện trên chúng ta thấy rõ quả báo của khẩu nghiệp nặng như thế nào. Chỉ một lời nói ác trong mấy giây mà phải chịu quả báo đau khổ nơi ác đạo trong nhiều đời nhiều kiếp. Vì vậy chúng hãy cẩn thận lời nói của mình. Chúng ta nói thì phải nói lời hay ý đẹp, nói những điều lợi ích. Nếu không nói được những điều tốt đẹp thì nên im lặng để có thời gian tự quán xét, chứ tuyệt đối không nói những lời xấu ác để khỏi mang họa vào thân. Điều xấu mình tạo tác có thể không ai biết nhưng Trời đất biết, luật nhân quả sẽ minh định không một mãi mai. Đức Phật dạy “Nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp” là vậy. Dân gian cũng có câu ca dao rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Kính thưa quý vị, Trong mười điều bất thiện mà nhà Phật dạy thì đã có đến bốn điều thuộc về cái miệng, có thể kể ra như sau: “ nói dối, nói thêu dệt, nói hai chiều, nói lời ác). 1‐ Nói dối là bất thiện thì chúng ta nên nói lời trung thực, vì nói dối hoài sẽ thành thói quen, mà thường nói dối thì dần sẽ có hành động sai, tạo nên nghiệp xấu… Hậu quả nghiêm trọng đôi khi cũng từ việc nói dối. Nhất sự bất tín, vạn sự bất tin, sống mà không ai tin mình thì thật là thãm họa cho cuộc đời của mình. 2‐ Nói thêu dệt là nói thêm bớt, nghe câu chuyện ở đây xong đi kể cho người khác nghe, mà thường khi kể lại thì hay thêm chút ít gia vị để tăng phần hấp dẫn, không còn giữ được sự thật ban đầu gây nên dư luận thị phi, hiểu lầm không đáng có. Là người đạo đức, tu hành, khi nói ra bất cứ điều gì đều là lời nói chân thật, đạo đức, khế hợp với ý đạo nhằm đem lại an vui cho bản thân và mọi người. 3‐ Nói hai chiều là nói hai lưỡi, như đến người này rồi lại nói xấu người kia, rồi đến người kia lại nói xấu người này. Mới khen người ta đó quay lưng đi liền nói xấu người này với người khác, làm cho mọi người hiểu lầm nhau, vô tình gây chia rẻ tình bạn, tình gia đình. Là người đạo đức, tu hành, chúng ta cần phải dùng những lời nói đạo đức để hóa giải mọi sự mâu thuẩn giửa nhau và giúp nhau sáng suốt dứt bỏ hành động tạo đau khổ cho nhau, để không vướng vào nghiệp báo oan gia qua nhiều kiếp. 4‐ Nói lời ác là nói lời không đẹp nhục mạ làm tổn thương người khác, tâm ác thì nói ác rồi làm ác, thân khẩu ý đều ác thì con đường đi xuống không còn xa. Là người đạo đức, người tu hành, khi nói ra điều gì, chúng ta luôn nói những lời dịu dàng, từ ái hợp với đạo lý, thì mới có thể dung hòa với mọi người sống trong an vui, hạnh phúc. Tạo hóa sinh ra con người có hai lổ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên, được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức lắm rồi nên chúng ta hãy nhân vốn phước báu này mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo tu cái miệng là điều rất cần thiết vì cái miệng có thể đem đến công đức vô lượng nhưng cũng tạo nên cái nghiệp nhiều đời không dứt. Cái miệng cũng có nhiều cái lợi: dùng để ăn uống, nuôi dưỡng cơ thể, giúp thân thể khỏe mạnh để làm việc nuôi sống bản thân và giúp ích người khác. Nhưng cũng cái miệng cũng rất tai hại: do ăn uống không điều độ, do ham ăn cầu kỳ, thích ăn những món ngon vật lạ mà vô tình mang vào mình những mầm bệnh, tự làm khổ mình và cho những người chung quanh. Cái miệng cũng được dùng để nói năng giao tiếp trong hằng ngày, tạo mối thâm tình, giao hảo hài hòa, thông hiểu lẫn nhau, dùng để thuyết giảng, tụng niệm, dạy học, truyền kiến thức và những điều lợi ích đến được nhiều người. Một lời nói ra phải giúp cho nhiều người thông hiểu, an lạc, lợi ích thì chúng ta không tiếc lời và phước đức cũng rất vô biên, nhưng rất phải cẩn thận trong từng lời nói ra khi phải nói ra những lời khiến người khác phải khổ đau, thiệt hại, thì chúng ta sẽ phải gặt hái những điều tương ứng. Tạo phước đức cả một đời, nhưng chỉ cần một lời ác ý với người khác là tiêu tan trong giây phút. Nhất là chúng ta muốn tu hành được tinh tấn và thành tựu thì phải tránh những chuyện thị phi, vì thị phi mất rất nhiều thời gian một cách vô ích, mà lại gây tạo rất nhiều nghiệp khẩu, oan trái. Chỉ có khẩu đức mới có thể giải hóa được khẩu nghiệp đã tạo ra. Thường thì một số người khi dùng lời lẽ không hay làm tổn thương người khác đều biện lý do là vì ngay thẳng: “Tôi rất thẳng thắn, có sao nói vậy”. Vì thế giới này vốn không hoàn mỹ nên khi muốn nói đến thiếu sót của người khác thì phải cẩn thận, nếu chưa thấu rỏ vấn đề thì tốt nhất đừng tuỳ tiện nói ra. Đa số chúng ta có cái thói quen nghe người nào nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì liền phải tìm cho ra manh mối để rồi nổi sân si phiền não, đó là điều mà người có tu tập nên tránh bị lôi cuốn theo mà tạo khẩu nghiệp đáng tiếc. Sự bình tâm sẽ giúp cho người tu vượt lên trên thị phi vì những lời thị phi sẽ chỉ ảnh hưởng được những ai hời hợt qua loa đánh giá vấn đề từ cửa miệng; những người sâu sắc, bình tỉnh, có tri thức thì biết nhìn sâu nhìn rộng và chỉ có nhận xét khi đã thẩm định kĩ càng. Thế nên, nếu ta đúng thì hãy giữ vững sự kiên định của tâm thức thì sẽ vượt qua được thị phi. Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Với những người vốn có tính cách bộc trực, muốn “nói thẳng nói thật” – tức là bản chất là có “tâm tốt”, nhưng để lời nói của mình không gieo nhân xấu, nên tự cân nhắc những điều sau đây: 1. Nói có đúng lúc, đúng nơi không? 2. Nói có đúng sự thật không? 3. Nói có tốt cho người nghe không? 4. Nói có đi cùng thái độ hòa nhã không? 5. Nói có xuất phát từ tâm ý tốt, từ lòng vị tha không? Việc thường xuyên tự vấn lấy mình trước khi “nói thẳng nói thật” sẽ giúp chính người nói kiểm soát cơn giận, bởi luyện khẩu cũng chính là điều tâm. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc ưa “nói thẳng, nói thật” với hay “nói lời thô bạo, có ác ý” lại rất mong manh, nếu không tỉnh giác có thể khiến chúng ta sa vào ác khẩu lúc nào không hay. Bậc tu hành là người biết vì người khác mà vị tha, không hành xử theo cảm xúc thông thường và thấu tỏ mọi quy luật nhân quả báo ứng trong vũ trụ. Đức Khổng Tử là bậc đại trí biết tùy thời mà xử hợp đạo lý, dùng lẽ Một mà thông suốt tất cả. Ngài cho rằng người quân tử ở trong thiên hạ không chủ trương phải thế này hay không phải thế khác, chỉ hợp nghĩa thì làm. Còn người bình thường thì thích tranh luận hơn thua vì chỉ muốn hơn nhau một chút khẩu khí. Kính thưa quý vị, Nhớ đến một lời dạy của người xưa: “Lùi một bước biển rộng trời trong”, cũng như câu: “ Vong nộ tắc công, quán lý tắc thuận”, thì quả đúng như vậy, đôi khi vì tranh đấu giành được điều mà mình cho là lẽ phải, nhưng điều mất đi có lẽ còn quan trọng hơn. Và nếu chúng ta biết tự quán xét, biết nhường nhịn và lắng nghe thì có lẽ chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều hơn. Hãy luôn luôn phân rõ sự tình nặng nhẹ. Hơn hết là biết nhìn lại và chỉnh sửa tâm ý của chính mình. Đừng gắng sức tranh giành, rồi sau có hối hận thì cũng đã muộn! Trong tất cả vấn đề thì chữ cẩn trọng rất là trọng yếu, bất luận điều gì chưa rõ, thì không nên vội phán đoán và hành xử thô lỗ, hãy tìm hiểu kỹ sự việc, rất có thể nguyên nhân đó ở chính bản thân mình, khi hiểu được vấn đề thì hãy cùng nhau bàn bạc để giải quyết để đạt đến chổ hòa. Nếu không, sai một niệm, sái một câu, có thể sẽ hỏng cã một đời, hỏng cã một đại sự… Điều này thật sự rất đáng để chúng ta suy ngẩm. Xưa không biết thì đã đành, giờ biết Khẩu Nghiệp thế nào rồi thì sám hối, nhận lỗi và sửa sai, đùng bao giờ tái phạm nữa. Nên nói lời dễ nghe, lời hay, lời có ích cho mọi người, nói lời vui vẻ hòa nhã, nói lời gắn kết yêu thương, nói lời chân thật… Giữ cho Ý trong sạch, Thân trong sạch thì Khẩu cũng trong sạch. Nhân lành ắt quà lành. Khẩu nghiệp ắt được chuyển hóa. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: Trong buổi Hạ ngươn này, Phật Tiên vẫn có trên không trung bao trùm mọi hướng trần gian và dùng điển lực của mình ứng vào tâm thiện mỗi người nơi trần thế để cảnh tỉnh hoặc độ dẫn, hoặc cứu rỗi người đời trong cơn sảy sàng, con Phật, Phật rước; con ma, ma bắt là đây. Mỗi một người trong thế gian, khi lòng được an định, tâm được hướng thượng sẽ tiếp nhận được luồng thanh điển ấy. Nói ra những lời vàng ngọc, tỉnh thế ngộ chơn, có khi chính mình mà mình cũng không biết đó là lời điển của chư Tiên, Phật. Trái lại không phải là hàng thiện lương, đã có sẵn tư tưởng xấu, tâm tà, tánh độc, thì đó là miếng đất tốt cho ma vương, ác quỉ, dụng võ gieo rắc tai họa cho nhân gian và cho chính bản thân của người ấy. Vì việc hệ trọng như vậy, nên đầu mùa xuân nầy, Bần Tăng dặn dò chư đạo hữu, phải luôn luôn tập lòng thanh tịnh, tư tưởng thanh cao hướng thượng, hằng nghĩ điều đạo đức, hằng nói lời đạo đức, bác ái, vị tha, hằng làm điều đạo đức giúp đời cứu chúng, nhứt là phải cẩn hạnh, cẩn ngôn để hiểu câu họa tùng khẩu xuất. Bài học này thiết nghĩ cũng liên quan ít nhiều trong mổi chúng ta, những người đã chọn con đường tu tập cho cuộc đời còn lại của mình. Nhưng khi còn là thân phàm thì trong chúng ta vẫn còn nhiều uẩn khuất trong suy nghĩ mỗi khi đến với nhau trong các đạo sự. Cái tiểu ngã nhỏ nhoi của mổi chúng ta vẫn đôi khi xuất hiện không đúng lúc mà gây ra bất đồng đáng tiếc. Phải chăng chính ý niệm ban đầu của mổi chúng ta đã lệch đi chổ Trung đạo mà chúng ta vô tình tự làm khổ mình và làm khổ lẫn nhau để rồi tạo tác nên khẩu nghiệp. Cái ý niệm phát xuất từ chổ Trung này mà ta tạm gọi là trung niệm sẽ là chất liệu để tạo nên Khẩu đức đến khi xuất khẩu thì vào mỗi trường hợp đều được chánh đáng, thì gọi là hòa. Đã hòa tất nhiên sẽ đặng yên ổn, vui vẻ, thì còn có trở ngại nào mà không đặng thông suốt. Trong Trung Dung nói “Hòa là con đường suốt, chung cho cả thiên hạ”. Chỉ có hòa mới có thễ đưa cá nhân và cả thế giới đạt đến cứu cánh của Đại Đạo. Khẩu đức không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể có mà mổi chúng ta phải trải qua tu tập và thử thách thì mới mong vươn tới đễ có thể làm tròn nghĩa lớn với Ơn trên và các bậc tiền bối. Ơn trên luôn dạy người môn sanh phải chuyên tâm lo tu ba nghiệp thân, khẩu, ý để chế hóa những tư tưởng xấu, tánh độc, tâm tà, là những chủng tử xấu đã ăn sâu vào tâm thức chúng ta. Phép tu không ngoài giữ tâm chánh niệm, giữ ý thiện lành để tu cái nghiệp khẩu, tránh cái nghiệp thân. Nói năng không cẩn trọng, thiếu chánh niệm sẽ mang họa vào mình, cái họa trước mắt có thể là bị phản ứng của người khác như phỉ báng, chê cười, bị xa lánh, … Xa hơn là khẩu nghiệp phải mang theo và phải trả nhiều đời nhiều kiếp, nguy hại không cùng. Người xưa cũng có dạy: “ Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tỗn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê...để rồi phải tranh đấu, đấu tranh gây bao đau khổ, phiền não. Cũng có câu “Cái lưỡi không có xương nhưng nó đủ cứng để sát thương người khác”. Nhưng cái lưởi biết tu thì sẽ tiếp được Ơn điển của Phật Tiên mới tạo nên khẩu đức có đủ sức mạnh cảm hóa được chúng sanh, mang hạnh phúc an vui đến mọi người. Kính thưa quý vị, Lá trà nếu đủ thời gian tẩm ướp thì sẽ có thể tỏa ra mùi hương thơm ngát, sưởi ấm lòng người. Người tu tập biết huân tập bình tâm định ý thì khẩu đức sẽ là nguồn nước thanh lương xóa tan mọi phiền nảo, giải hóa mọi nghiệp chướng vậy. Rất lòng thành tín. Rút gọn
|
Blog's author
|
Giờ tiếp khách
|
Điện thoại
|
Trang web
(Web page) https://www.minhlydao.org
|
Contact: [email protected]
Feedback, please address to: Tam Chon Le (Đại Mạng) E.mail: [email protected] |